PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, hóa chất tẩy rửa lau sàn nhà gồm nhiều loại chất khác nhau cùng với hương thơm nhân tạo. Bản thân các hóa chất tẩy rửa đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nhưng nhà sản xuất cũng phải nghiên cứu sao ở mức có thể chấp nhận được, không gây ra những ảnh hưởng lớn đến người sử dụng. Khi sử dụng, vẫn phải cẩn trọng để tránh những tác hại xấu cho sức khỏe. Bà mẹ mang thai, trẻ nhỏ tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất này.
Nói chung là các sản phẩm hóa chất tẩy rửa đều có hại cho sức khỏe, người dùng không nên lạm dụng. Khi lau nhà, các hóa chất này sẽ phát tán ra môi trường quanh nhà, nếu tiếp xúc ở nồng độ ít có thể không ảnh hưởng nhiều, nhưng tiếp xúc liên tục hàng ngày sẽ ngấm qua da, vào máu gây tích tũy trong mô mỡ, ảnh hưởng đến gan, thận, thậm chí dẫn đến nhiễm độc máu. Do đó, nếu nhà bụi bẩn thì chỉ cần lau bằng nước sạch là được. Nên hạn chế sử dụng hóa chất tẩy rửa, với tần suất sử dụng càng ít càng tốt, có thể là 1 lần/tuần, hoặc 2 lần/tháng. Khi sử dụng các hóa chất tẩy rửa để lau nhà, dọn nhà vệ sinh, lau cửa kính… tốt nhất là nên đeo khẩu trang, găng tay, không để hóa chất tiếp xúc trực tiếp với da. Tắm và thay ngay quần áo sau khi rửa dọn vệ sinh, tránh bị nhiễm độc hóa chất.
Nên pha dung dịch theo đúng tỉ lệ khuyến cáo ghi trên bao bì, không nên pha thật đậm đặc để tăng tính năng tẩy rửa. Nhà sản xuất đã nghiên cứu và tính toán, nên dù có pha đậm đặc hơn thì khả năng tẩy rửa cũng không cao hơn. Và nhất thiết không pha dung dịch tẩy rửa với các loại dung dịch khác hay với nước nóng để tránh tác hại xấu với sức khỏe.