Để tiếng Anh không còn là rào cản hội nhập toàn cầu

Khoảng cách địa lý có thể xa xôi, tiếng Anh vẫn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho giao tiếp và hợp tác xuyên biên giới, trở thành phương thức làm việc mới. Nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng là việc làm vô cùng cấp thiết.

Tiếng Anh là ngôn ngữ của thế giới

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, cùng với sự bùng nổ về mặt công nghệ, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ không biên giới và những chuyến du lịch trải nghiệm trở thành xu thế toàn cầu càng thúc đẩy, tăng cường trao đổi và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê, năm 2017, có 260 triệu người sống ở nước ngoài, 1,3 tỷ lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 5 triệu sinh viên theo học chương trình giáo dục đại học ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Đáng chú ý là những con số này đều không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Song song với đó, thương mại hàng hóa quốc tế và các ngành dịch vụ chiếm hơn một nửa GDP toàn cầu.

Với những xu thế này, ngày càng có nhiều quốc gia xác định tầm quan trọng, sự cần thiết của việc dạy và học ngoại ngữ trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong khi dạy/học ngoại ngữ nói chung đang được đưa vào chính sách giáo dục ở nhiều nước thì tiếng Anh đã và đang trở thành môn ngoại ngữ chính được giảng dạy tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Học tập, tham gia các sự kiện có sử dụng tiếng Anh giúp cải thiện kỹ năng nghe, nói cho sinh viên.

Học tập, tham gia các sự kiện có sử dụng tiếng Anh giúp cải thiện kỹ năng nghe, nói cho sinh viên.

Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu EF English Proficiency Index (EF EPI) được công bố thường niên từ năm 2011. Năm 2021, bảng xếp hạng có sự góp mặt của 112 quốc gia và vùng lãnh thổ mà tiếng Anh không phải là bản ngữ, nhiều hơn năm 2020 là 12 nước. Với sự thay đổi này về số lượng, Việt Nam tụt một hạng dù đạt 486/800 điểm, cao hơn năm trước 13 điểm.

Tính trong khu vực châu Á với 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam xếp thứ 12. Singapore vẫn dẫn đầu với 635 điểm và là nước châu Á duy nhất được đánh giá thông thạo tiếng Anh ở mức độ rất cao. Tiếp đến là Philippines và Malaysia trong nhóm thông thạo cao. Các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại ở trong nhóm trung bình, thấp và rất thấp.

Ở quy mô toàn cầu, Hà Lan tiếp tục dẫn đầu với điểm đánh giá là 663. Đứng ngay sau là Áo và Đan Mạch.

Theo báo cáo, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng về trình độ giao tiếp tiếng Anh và một số không ít được yêu cầu đào tạo thêm tiếng Anh sau khi tốt nghiệp.

Xuất phát từ những thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch về Kế hoạch triển khai Đề án ngoại ngữ từng năm, từng giai đoạn trong các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp phải đạt Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam, như “có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra khi đến các khu vực có sử dụng ngôn ngữ đó” và “có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích các ý kiến và kế hoạch của mình”.

Một số phương pháp nâng cao năng lực học ngoại ngữ - tiếng Anh

Vậy làm thế nào để đại đa số sinh viên có thể đạt được trình độ tiếng Anh đồng đều trong bối cảnh thiếu môi trường giao tiếp? Phần nội dung tiếp sau của bài viết này xin đề xuất một số phương pháp giúp sinh viên có thể áp dụng để nâng cao khả năng học ngoại ngữ nói chung và giao tiếp bằng tiếng Anh nói riêng một cách hiệu quả.

Thứ nhất, điều đơn giản nhất mà chúng ta có thể thực hành hàng ngày là nghe các bài hát bằng tiếng Anh. Hoạt động này có thể được thực hiện một cách dễ dàng trên một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Các bài hát bằng tiếng Anh thường rất dễ tìm, từ các nền tảng có sẵn và miễn phí như Youtube, cho đến các nền tảng mất phí nhưng rất hữu ích và sở hữu một lượng dữ liệu bài hát đồ sộ như Joox và Spotify và YouTube.

Khi thực hành nghe, thay vì nghe nhiều, chúng ta nên tiến hành nghe thường xuyên để cải thiện dần dần khả năng phân biệt các từ trong tiếng Anh. Đồng thời, người học có thể bật phụ đề tiếng Anh và hát theo (trên Youtube) để sửa các lỗi phát âm cơ bản mà người Việt Nam chúng ta hay mắc phải. Đây được gọi là “Shadowing”, một kỹ thuật phát triển khả năng nghe và nói rất hiệu quả cho người học ngôn ngữ; trong đó người học nhắc lại lời ngay sau khi nghe được từ người bản địa.

Thứ hai, xem phim bằng tiếng Anh. Xem phim là một nhu cầu giải trí thiết yếu ở mọi lứa tuổi. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, ngành công nghiệp điện ảnh đang phát triển ngày càng lớn mạnh và từng bước khẳng định vị thế của mình. Đã có rất nhiều bộ phim được sản xuất, từ phim hành động, kinh dị, nhạc kịch và nhiều thể loại khác. Điều này buộc các nhà sản xuất phim phải sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu giúp họ tiếp cận được với đại đa số khan giả trên toàn thế giới. Bằng cách đó, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm phim tiếng Anh trên các nền tảng xem phim trực tuyến như Youtube, Netflix và một số trang web Việt Nam.

Một lợi thế của việc xem phim tiếng Anh là nhiều tình huống trong phim rất sát với đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì vậy, thông qua hoạt động này, sinh viên có thể trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp bằng cách học các từ, cụm từ, cách lên xuống giọng/ngữ điệu trong câu (intonation) để biểu lộ cảm xúc, cách đặt vấn đề và xử lý tình huống từ chính các nhân vật trong phim.

Việc tạo môi trường học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng là vô cùng quan trọng.

Việc tạo môi trường học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng là vô cùng quan trọng.

Thứ ba, kết bạn với những người học giỏi tiếng Anh. Tìm kiếm những người bạn có kỹ năng tiếng Anh tốt hơn chúng ta chắc chắn là một phương pháp rất khả thi để cải thiện khả năng ngôn ngữ của bản thân. Điều này giúp người học hình thành nên sở thích học ngoại ngữ. Theo một nghiên cứu năm 2016 của nhà tâm lý học Hoa Kỳ, Judith M. Harackiewicz; “Sở thích là một quá trình tạo động lực mạnh mẽ giúp tiếp thêm sinh lực học tập, định hướng con đường học tập và nghề nghiệp, và là điều cần thiết để thành công trong học tập.” Không giống như xem phim và nghe nhạc tiếng Anh, giao lưu và học hỏi ngôn ngữ từ những người bạn giỏi giang này có thể giúp chúng ta cải thiện cả 4 kỹ năng, đó là nghe – nói (khi trò chuyện, giao tiếp với nhau) và đọc – viết (khi nhắn tin, viết email hay chia sẻ thông tin).

Thứ tư, đăng ký tham gia các sự kiện có sử dụng tiếng Anh như các hội thảo, đánh giá sách, chương trình trò chuyện,... có sự góp mặt của người bản xứ với tư cách là khách mời, diễn giả. Hoạt động này giúp bạn trở thành một người biết lắng nghe và chắt lọc thông tin để hiểu nội dung. Đây là một kỹ năng hữu hiệu khi mà phần lớn các tình huống giao tiếp thông thường, người nghe không cần thiết phải hiểu từng từ được phát âm, mà chỉ cần tập trung vào các từ khóa (keyword). Do đó, sinh viên càng thường xuyên tham dự các sự kiện bằng tiếng Anh càng nâng cao khả năng nghe hiểu ngôn ngữ này, cũng như không phải dành nhiều thời gian cho việc tra cứu từ điển khi học.

Thứ năm, đọc sách tiếng Anh. Việc đọc các thể loại sách khác nhau như tiểu thuyết, truyện tranh, tạp chí,… cũng có thể giúp người học cải thiện khả năng đọc hiểu, tư duy, đoán từ, đoán ý của tác giả, nhất là trong các bài đọc dài và theo lối hoa mỹ, châm biếm hay chính luận, xã luận về các chủ đề khác nhau trong cuộc sống. Với thói quen đọc sách, chúng ta có thể đồng thời trau dồi kỹ năng viết của mình bằng cách quan sát, phân tích các cấu trúc ngữ pháp, dùng từ, cũng như sự kết hợp từ (collocations), văn phong (register) của tác giả.

Thứ sáu, cài đặt ngôn ngữ trên thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng hay máy tính xách tay bằng tiếng Anh. Do tần suất sử dụng các thiết bị điện tử này là tương đối cao. Hoạt động này sẽ giúp chúng ta dần trở nên quen thuộc hơn với việc dùng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày, từ học tập, làm việc đến giải trí. Qua đó giúp người học cải thiện phản xạ tiếng Anh.

Thứ bảy, viết nhật ký bằng tiếng Anh. Chúng ta có thể viết nhật ký công việc, lịch học, lịch hoạt động trong tuần bằng tiếng Anh trong một cuốn sổ tay hoặc lý tưởng hơn cả là sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản tiện ích như Microsoft Word. Điểm mạnh của việc ghi nhật ký bằng phần mềm này chính là việc tích hợp chức năng soát lỗi ngữ pháp, chính tả; vì vậy giúp cải thiện khả năng viết một cách hiệu quả trong thời gian ngắn mà không cần sự giúp đỡ hay hỗ trợ nào từ người dạy. Một phần mềm khác cũng có tính năng hữu ích không kém chính là Google Docs. Đây là một phần mềm trực tuyến có mã nguồn mở (open source); do đó, chỉ cần được cung cấp đường link và cho phép quyền chỉnh sửa, thì bất cứ ai cũng có thể giúp chúng ta sửa bài viết.

Ngoài ra, các lợi ích khác của Google Docs đó là giúp người học ở các trình độ ngoại ngữ khác nhau tham gia hoạt động viết tiếng Anh theo nhóm một cách hiệu quả; giúp giáo viên tương tác và tạo cảm hứng viết cho học viên tốt hơn; cũng như giúp học viên cải thiện đáng kể kỹ năng viết tổng thể khi tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh trong nước như Vstep.

Ngoài ra, còn vô số các phần mềm và websites hỗ trợ học tiếng Anh mà sinh viên Việt Nam có thể sử dụng như Kahoot (cho phép lớp học đồng thời tham gia các hoạt động ngoại ngữ theo hình thức trực tuyến, có tính điểm và xếp hạng năng lực học viên), Duolingo (tự học từ vựng, ngữ pháp, phát âm… theo trình độ của mình) hay Rosetta Stone (phần mềm trả phí – cho phép người học luyện cả 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết dựa trên hình ảnh, video và các công cụ trực quan, sinh động).

Nhìn chung, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ nói chung và năng lực giao tiếng tiếng Anh nói riêng cho sinh viên Việt Nam là một việc làm hết sức cấp thiết. Bằng việc áp dụng các phương pháp và phương tiện dạy và học tích cực nói trên, hy vọng trong một tương lai không xa, trình độ ngoại ngữ của sinh viên nước ta sẽ được cải thiện một cách đáng kể, góp phần vào sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước./.

Theo Đời sống
back to top