Theo Healthline, khi căng thẳng cao độ, cơ thể sẽ sản xuất nhiều cortisol khiến vùng dưới đồi trong não bộ tiết ra hormone giải phóng corticotrophin (CRH). Chính loại hormone này kích thích tuyến bã nhờn tiết dầu hơn làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến mụn trứng cá.
TS. Doris Day, chuyên gia da liễu tại Thành phố New York, cho biết, tâm trạng của bạn hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến làn da và ngược lại làn da có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.
Stress gây ảnh hưởng đến làn da như nào?. Ảnh minh họa |
Dưới đây là những cách tâm trạng và cảm xúc ảnh hưởng tới làn da:
Stress khiến da xuất hiện nhiều nếp nhăn và vết chân chim
Căng thẳng gây ra những thay đổi đối với protein trong da và làm giảm độ đàn hồi của da. Sự mất độ đàn hồi này có thể góp phần hình thành nếp nhăn.
Căng thẳng cũng có thể dẫn đến việc lông mày của bạn nhăn lại nhiều lần, điều này cũng có thể góp phần hình thành các nếp nhăn.
Stress làm da khô
Căng thẳng có thể khiến cơ thể bạn sản xuất ít dầu hơn, dẫn đến da khô, nứt nẻ. Cơ chế chính là khi chúng ta trải qua stress, cơ thể sản sinh cortisol và các hormone khác, có thể làm giảm sản xuất các dưỡng chất quan trọng cho da như dầu tự nhiên và các lipid bảo vệ. Điều này dẫn đến làm giảm độ ẩm và sự đàn hồi của da, gây ra cảm giác da khô và thô ráp.
Để giảm thiểu tác động của stress lên da, quản lý stress là điều rất quan trọng. Bạn có thể thực hiện các kỹ thuật giảm stress như yoga, thực hành thở sâu, tập luyện thể dục đều đặn, và thiền định để giảm bớt stress hàng ngày. Ngoài ra, chăm sóc da thích hợp bằng cách dùng kem dưỡng ẩm và sử dụng các sản phẩm dưỡng da phù hợp cũng là một phần quan trọng trong việc duy trì làn da khỏe mạnh và mịn màng.
Stress làm quầng thâm “gấu trúc” và bọng mắt xuất hiện
Stress cũng gây tình trạng khó hấp thu các dưỡng chất nuôi dưỡng làn da như vitamin C, E… Điều này làm vùng da dưới mắt mất đi sự đàn hồi. Ngoài ra, căng thẳng và mệt mỏi là những nguyên nhân làm máu không được lưu thông. Da không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và oxy, nhất là vùng da nhạy cảm ở mắt. Da vùng mắt sẽ trở nên khô, thiếu sức sống, nhanh lão hóa, hình thành quầng thâm
Stress làm da sạm màu
Mặc dù không có bằng chứng khoa học nhưng căng thẳng có thể kích hoạt sản xuất các hormone như cortisol, làm tăng sắc tố da.
Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng một loại hormone gọi là cortisol. Nếu stress kéo dài hoặc mãn tính có thể khiến nồng độ cortisol duy trì ở mức cao, kích thích tế bào hắc tố, các tế bào trong da chịu trách nhiệm sản xuất sắc tố. Điều này gây ra tình trạng sản xuất quá mức melanin, có thể dẫn đến hình thành các mảng tối hoặc tăng sắc tố trên da.
Ngoài ra, căng thẳng cũng có thể khiến da dễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời hơn, đây là tác nhân gây ra sạm da. Khi tiếp xúc với tia UV, da sẽ sản sinh ra nhiều melanin hơn, có thể gây ra các mảng tối.
Căng thẳng mãn tính cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tăng tình trạng viêm, làm trầm trọng thêm các triệu chứng nám da.
Nhìn chung, căng thẳng và sạm da có mối tương quan với nhau và có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của nám da.
Stress gây ra mụn trứng cá
Stress không phải lúc nào cũng gây ra mụn trứng cá, nhưng nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ đáng kể giữa hai yếu tố này. Căng thẳng mãn tính, liên tục sẽ kích hoạt các hoạt động trong cơ thể có thể dẫn đến mụn hoặc làm cho tình trạng mụn hiện tại trở nên trầm trọng hơn.
Khi căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormone cortisol hơn. Cortisol khiến một phần não của bạn được gọi là vùng dưới đồi sản xuất ra một loại hormone gọi là hormone giải phóng corticotropin (CRH). CRH được cho là có tác dụng kích thích giải phóng dầu từ tuyến bã nhờn xung quanh nang lông. Việc sản xuất dầu quá mức bởi các tuyến này có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến mụn trứng cá.
Stress khiến bạn mắc các bệnh viêm da
Căng thẳng có khả năng làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn. Hệ thống miễn dịch suy yếu có thể dẫn đến sự mất cân bằng vi khuẩn trong ruột và da, được gọi là rối loạn sinh lý. Khi sự mất cân bằng này xảy ra trên da, nó có thể dẫn đến mẩn đỏ hoặc phát ban.
Căng thẳng được biết là có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm một số tình trạng có thể gây phát ban hoặc viêm da, chẳng hạn như bệnh vẩy nến, bệnh chàm và viêm da tiếp xúc.
Stress làm chậm lành vết thương
Theo bác sĩ Kathleen Garvey, căng thẳng quá nhiều có thể trở thành gánh nặng cho hệ thống miễn dịch.
Khi đối mặt với căng thẳng, lớp biểu bì da có thể nhanh chóng trở nên suy yếu. Khi đó, làn da tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và ảnh hưởng từ các mầm bệnh trong môi trường. Điều này cũng làm chậm khả năng chữa lành vết thương tự nhiên của làn da.
Stress làm da mỏng hơn và dễ tổn thương hơn
Cortisol là hormone vô cùng quan trọng giúp chống stress, tăng cường miễn dịch và chống dị ứng. Tuy nhiên, nó lại có thể làm tăng huyết áp, đường huyết. Nó cũng gây nên sự phân hủy protein, có thể khiến da mỏng, dễ bị bầm tím và trầy xước