Dược thiện giúp sĩ tử tăng cường trí nhớ, tránh stress mùa thi

Đôi khi chỉ bằng những thực phẩm, đồ uống đơn giản lại tạo ra những món ăn, bài thuốc “kiện não, ích trí” giúp sĩ tử có sức khỏe tốt, tăng cường khả năng ghi nhớ, minh mẫn để có kỳ thi tốt.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, vào mùa thi là thời điểm sĩ tử tiêu hao năng lượng rất lớn, nên ngoài việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các sĩ tử, các bậc phụ huynh còn hết sức lưu ý đến chuyện bồi dưỡng ăn uống.

Tuy nhu cầu về đồ ăn thức uống tăng cao nhưng cần đảm bảo chế độ ăn uống mang tính chỉnh thể (đầy đủ), bình hành (cân đối) và tam nhân chế nghi (hợp lý)... Đặc biệt, nên ăn các thực phẩm có công dụng kiện não ích trí nhằm giúp sĩ tử nâng cao khả năng ghi nhớ và minh mẫn hơn.

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các sĩ tử, các bậc phụ huynh lưu ý đến chuyện bồi dưỡng ăn uống - Ảnh minh hoạ

Kiện não ích trí để minh mẫn

Tùy hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, các bậc phụ huynh có thể lựa chọn và chế biến các món ăn - bài thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe nói chung và trí não nói riêng cho con em mình trong kỳ thi như sau:

Đuôi lợn hầm hà thủ ô: Hà thủ ô 15g, kỷ tử 15g, đỗ trọng 9g, đuôi lợn 1 cái làm sạch luộc qua, cắt đoạn. Tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa với 800ml nước, cô còn 300ml nước là được, ăn đuôi lợn, uống nước cốt. Công dụng: bổ can ích thận, tăng cường trí lực.

Não lợn xào mộc nhĩ: Não lợn 1 cái, mộc nhĩ đen 15g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Não lợn rửa sạch loại bỏ gân máu; mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết. Cho dầu vào chảo, đun nóng già rồi đổ mộc nhĩ vào xào qua; tiếp tục cho tủy lợn và nửa bát nước vào đun nhỏ lửa trong 30 phút, chế gia vị, ăn nóng. Công dụng: tư thận bổ não, ích khí hoạt huyết, dùng rất tốt cho học sinh vì học tập quá căng thẳng mà phát sinh mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, sức chú ý suy giảm, hay quên...

Chim cút hầm đại táo: Trứng chim cút 20 quả, nhãn 10 quả, vải 10 quả, hạt sen 20 hạt, đại táo 5 quả, kỷ tử 6g, đường phèn 60g. Trứng chim cút luộc chín, bóc vỏ; nhãn, vải và đại táo bỏ hạt; hạt sen bỏ tâm. Tất cả cho vào nồi cùng đường phèn, chế đủ nước rồi đun nhỏ lửa chừng 30 phút là được, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết, bổ não an thần, dùng cho những học sinh tâm huyết suy nhược, tim hay hồi hộp, mất ngủ, hay quên, ăn kém, đại tiện lỏng loãng.

Trà thục địa: Thục địa 15g, mạch môn 15g, sinh táo nhân 15g, viễn chí 3g. Tất cả hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ tâm ích thận, cường trí kiện vong, dùng rất tốt cho những học sinh người gầy yếu, dễ mệt, giấc ngủ không sâu, dễ bị căng thẳng thần kinh.

Nước ép dâu: Quả dâu chín (tang thầm) 250g, mật ong 100g. Quả dâu rửa sạch, ép lấy nước, hòa đều với mật ong rồi cô bằng lửa nhỏ cho đến khi thành dạng cao đặc là được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30ml. Công dụng: tư âm bổ huyết, kiện não ích trí, tăng trí nhớ, cải thiện giấc ngủ, dùng cho những học sinh vì học tập quá căng thẳng mà phát sinh tình trạng mất ngủ, hay quên, sức chú ý giảm sút.

Nên ăn các thực phẩm có công dụng kiện não ích trí nhằm giúp sĩ tử nâng cao khả năng ghi nhớ và minh mẫn hơn - Ảnh minh hoạ

Nên ăn các thực phẩm có công dụng kiện não ích trí nhằm giúp sĩ tử nâng cao khả năng ghi nhớ và minh mẫn hơn - Ảnh minh hoạ

Những thực phẩm nên dùng

Trong y học cổ truyền, có khá nhiều các thảo dược được sử dụng nhằm mục đích cải thiện trí nhớ và dự phòng tích cực chứng “kiện vong” (hay quên), một căn bệnh thường gặp và đang có xu hướng gia tăng, kể cả ở lứa tuổi học đường. Các vị thuốc này được xếp chung vào nhóm dược vật có công dụng “kiện não ích trí”:

Long nhãn: Vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích tâm tỳ, bổ khí huyết, kiện não ích trí. Y thư cổ Khai bảo bản thảo cho rằng long nhãn có khả năng “quy tỳ nhi ích trí” (bổ tỳ mà có ích cho trí tuệ). Sách Bản thảo cương mục cũng viết : “Long nhãn khai vị ích tỳ, bổ hư trường trí” (long nhãn kiện tỳ vị, bồi bổ hư nhược và làm khỏe tinh thần).

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, long nhãn có khả năng điều chỉnh hoạt động của vỏ não và cải thiện khả năng ghi nhớ. Để phòng chống tích cực chứng “kiện vong”, dân gian thường dùng long nhãn 500g, đường trắng 500g, nấu thành cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 15 ml. Hoặc dùng long nhãn 15g, hồng táo 15g, gạo tẻ 50g, ba thứ đem ninh thành cháo, chế thêm một chút đường chia ăn 2 lần trong ngày.

Nấm linh chi: Vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng tâm an thần, ích khí bổ huyết, tư bổ cường tráng, kiện não ích trí, được mệnh danh là “tiên thảo” (cỏ tiên). Nghiên cứu lâm sàng hiện đại cho thấy, linh chi có khả năng hỗ trợ trị liệu rất tốt đối với những bệnh nhân tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh), thất miên (mất ngủ), kiện vong (hay quên)...do tâm tỳ hư nhược. Thường được dùng dưới dạng linh chi thô 3 - 6g hãm uống thay trà mỗi ngày 2 lần.

Kỷ tử: Vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ can thận, làm sáng mắt và nhuận tràng. Dân gian thường dùng kỷ tử để phòng chống chứng “kiện vong” và tăng cường trí nhớ bằng cách lấy kỷ tử 30g, não dê 1 bộ, đem hấp cách thuỷ ăn hoặc lấy kỷ tử 10g, hoài sơn 30g, não lợn 1 bộ, hấp cách thuỷ ăn hoặc kỷ tử 20g, hồng táo 6 quả, trứng gà 2 quả, tất cả đem nấu chín, sau đó bóc bỏ vỏ trứng rồi đun thêm 15 phút nữa là được, chế thêm gia vị ăn nóng, mỗi tuần 2 lần.

Ngoài ra, theo dinh dưỡng học cổ truyền, còn nhiều loại thảo dược khác cũng có công dụng làm tăng trí nhớ như đại táo, ngân nhĩ, mộc nhĩ, bách hợp, khiếm thực, hoàng tinh, hoàng kỳ, nấm hương, hạt dẻ, ích trí nhân, nhân sâm, hạt sen…

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn

(Nguyên chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Theo Đời sống
Ai không nên ăn chôm chôm?

Ai không nên ăn chôm chôm?

Chôm chôm là trái cây nhiệt đới thơm ngon, chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số người được khuyến cáo hạn chế hoặc không nên ăn chôm chôm vì có thể đe dọa sức khỏe.
back to top