Gợi ý 5 món ăn giúp sĩ tử giải tỏa lo âu trong mùa thi

Thí sinh nên bổ sung thực phẩm giàu magiê, vitamin B tạo năng lượng, làm dịu căng thẳng để có sức khỏe tốt nhất bước vào phòng thi, theo Style Craze.

Trong giai đoạn "nước rút" trước kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT 2024, nhiều học sinh liên tục rơi vào tình trạng thiếu ngủ, stress, mệt mỏi sau thời gian dài căng sức ôn luyện, khiến các phụ huynh rất lo lắng. Bởi vậy, xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thế nào để tăng cường sức khỏe cho trẻ thời điểm này là vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm.

Canh trứng rong biển

Một quan niệm khá sai lầm khiến sĩ tử mùa thi có thể thiếu hụt dinh dưỡng đó là kiêng ăn trứng vì sợ điểm thi "giống quả trứng". Tuy nhiên, trứng rất giàu vitamin A, D, B, E cùng các nguyên tố vi lượng, đặc biệt là choline tốt cho trí nhớ.

Cho nên, bổ sung trứng vào chế độ ăn mùa thi sẽ giúp các sĩ tử duy trì được sự tỉnh táo và cải thiện trí nhớ một cách rõ ràng.

Nguyên liệu cần thiết gồm 1 nhúm rong biển, 2 quả trứng gà, 1 xíu hành lá cắt nhỏ, muối lượng vừa đủ.

Rong biển khô mang ngâm nước trước 10 phút, vớt ra cho ráo nước.

Trứng cho vào bát, đánh tan. Cho nước đun sôi, thêm xíu dầu ăn cùng rong biển đã cắt nhỏ vào. Đun trong khoảng 20 giây sau đó đổ trứng vào, khuấy tròn để trứng quyện vào rong biển. Thêm hành lá và nêm nếm cho vừa miệng.

Canh cá chép

Nguyên liệu cần thiết gồm 1 con cá chép, 1 bắp ngô, 1 nhánh hành lá, 1 củ hành tím, 4 lát gừng, muối vừa đủ.

Cá chép làm sạch, cạo bỏ màng đen bên trong bụng. Để ráo nước. Dùng giấy thấm khô bề mặt cá để khi chiên sơ không bị vỡ. Ngô lột vỏ, rửa sạch, cắt khoanh tròn nhỏ vừa ăn.

Cho chút dầu vào chảo, cho cá vào chiên đến khi vàng hai mặt. Đổ nước sôi ngập mặt cá, thêm gừng vào. Tiếp đó cho ngô vào đun ở lửa lớn rồi hạ lửa nhỏ đun trong khoảng 20 phút.

Thông thường, khi nấu canh chua cá hoặc canh cá sẽ được cắt khúc hoặc lọc thịt phi lê, nấu cùng các loại rau củ để có nước trong. Tuy nhiên, trong công thức canh cá chép này, chủ yếu nấu để dinh dưỡng của cá tiết ra màu trắng đục. Cho nên khi thấy màu nước canh đục bạn không cần lo lắng. Nêm cho vừa miệng, thêm hành lá cắt khúc vào.

Cá không chỉ là nguồn cung cấp đạm dồi dào mà còn giàu axit béo (omega). Chất này có lợi cho tim mạch, hệ thần kinh, bồi bổ trí não.

Chocolate đen

Nếu bạn thèm ăn chocolate, đừng ngại ăn một miếng chocolate đen. Khẩu phần thích hợp là khoảng 40g chocolate mỗi ngày. Trong vòng 2 tuần, những người ăn chocolate có thể giảm hàm lượng cortisol gây căng thẳng trong cơ thể. Nhưng bạn hãy nhớ là ăn loại chocolate 70% cacao trở lên và chỉ nên ăn đúng khẩu phần vì chúng có hàm lượng calo khá cao.

Canh bí đỏ hầm đậu phộng

Nguyên liệu: đậu phộng, bí đỏ, ngò gai, tỏi băm, gia vị nêm nếm.

Đây là món được truyền tụng là “thần dược” cho trí não vì nó chứa axit glutamic – một chất cần thiết cho hoạt động của não bộ, đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các phản ứng chuyển hóa ở tế bào thần kinh, tăng cường thúc đẩy khả năng học tập và khả năng ghi nhớ. Thêm vào đó, thịt bí đỏ giàu tryptophan – axit béo thiết yếu hình thành từ protein dùng tổng hợp serotonin, một dạng thành phần hóa học gây phấn chấn có tác dụng chống suy nhược thần kinh, mệt mỏi tinh thần.

Đậu phộng cũng góp phần giúp ngăn ngừa bệnh tim bằng cách giảm mức cholesterol. Chúng cũng có thể ngăn chặn sự hình thành các cục máu đông nhỏ và giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.

Trứng hấp nấm

Nguyên liệu: trứng gà, thịt băm, nấm rơm, hành lá, gia vị nêm nếm, có thể thêm nấm đông cô.

So với phương pháp chế biến thông thường, các món ăn hấp là giúp giữ giá trị chất dinh dưỡng cho món ăn nhất vì chỉ tiếp xúc với hơi nước mà không bị lửa tác động trực tiếp, nên đảm bảo dưỡng chất tối đa. Đối với người hoạt động trí óc thì trứng là một loại thực phẩm tuyệt vời bởi vì trong lòng đỏ trứng cũng rất giàu axetylcholin, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng tham gia vào nhiều chức năng của não bộ.

Nấm rơm có thành phần dinh dưỡng khá phong phú, chứa nhiều yếu tố vi lượng như canxi, sắt, phôtpho, các vitamin A, B1, B2, C, D, PP…

Sự kết hợp giữa nấm và trứng sẽ mang đến một món ăn lạ miệng, vừa ngậy vừa thơm, đậm đà mà lại vô cùng tốt cho sức khỏe.

Thực phẩm nên tránh trong giai đoạn ôn thi căng thẳng

Thực phẩm nhiều đường bổ sung và chất béo như nước ngọt, bánh kẹo, thức ăn nhanh,…

Nước uống chứa caffeine từ cà phê, trà hay nước tăng lực (thường dùng để tỉnh táo hơn). Những thực phẩm này có thể khiến tim đập nhanh, mất ngủ, nhức đầu,…

Thức ăn nhiều bột mỳ như bánh quy, bánh ngọt, bánh rán,… do chúng buộc dạ dày phải tiêu hóa lâu hơn và khiến khả năng tập trung bị giảm sút.

Không nên ăn thức ăn lạ để tránh những phản ứng không may xảy ra như dị ứng hay rối loạn tiêu hóa.

Theo Đời sống
back to top