Bánh cốm Nguyên Ninh mất vệ sinh thực phẩm: Phạt 40 triệu… vẫn nhẹ?

Với 4 sai phạm về an toàn thực phẩm, bánh cốm Nguyên Ninh bị xử phạt 40 triệu đồng. Tuy nhiên, điều này được cho là chưa đủ mức răn đe và “làm gương” cho các cơ sở “đặc sản gia truyền” khác?

Luật sư Trần Kim Thọ, Liên đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn gốc nguyên liệu, nhân sự và giấy phép hoạt động....

“Khi cơ sở vi phạm có thể bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động hoặc nghiêm trọng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả lớn”, luật sư Trần Kim Thọ nói.

Tăng mức phạt gấp 2 lần

Như Báo Tri thức và Cuộc sống đưa tin, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết tại cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (địa chỉ 11 Hàng Than, quận Ba Đình) đã buộc cơ sở phải tạm dừng hoạt động vì hàng loạt các sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với mức xử phạt 40 triệu đồng, cơ sở Bánh Cốm Nguyên Ninh còn có trách nhiệm xử lý quy trình sản xuất đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm.

“Đây là mức xử phạt quá nhẹ đối với Bánh Cốm Nguyên Ninh. Cơ sở này kinh doanh có tiếng cả trong và ngoài nước, doanh thu một ngày có thể cả trăm triệu đồng nên mức phạt như ‘muối bỏ bể’. Cần phải xử phạt nặng và quy trách nhiệm với chủ cơ sở”, chị Hà Thị Lan, người dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đề nghị.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội thông tin: Thành phố quyết liệt để kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Chi cục An toàn thực phẩm và các đơn vị chức năng sẽ kiên quyết làm việc, xử phạt các vi phạm.

"Thực phẩm ngày Tết rất quan trọng, nếu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thì rất nguy hiểm. Không chỉ ảnh hưởng ngày hôm nay, ngày mai mà ảnh hưởng cả thế hệ con cháu chúng ta thế nên cơ quan chức năng cần làm nghiêm túc kiểm tra nhiều cơ sở tiếp theo", ông Phong khẳng định.

Theo ông Phong, Nghị quyết 49/2024/NQ-HĐND ngày 12/12/2024 của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội nâng mức xử phạt lên 2 lần với các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này là phù hợp vì trong bất kỳ điều kiện nào, những người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm không được phép bỏ qua các yếu tố an toàn theo quy định.

“Sốc” và tiếc cho một thương hiệu lớn

Ông Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) cho biết, bánh cốm Nguyên Ninh là một thương hiệu lớn, truyền thống của Hà Nội; khách mua rất đông, có cả người nước ngoài. Thế nhưng, khi bước vào bên trong khu vực sản xuất, thực sự bất ngờ và “sốc”... Cơ sở này không bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm để đi vào sản xuất.

Khu sản xuất bánh cốm không đảm bảo chất lượng

Khu sản xuất bánh cốm không đảm bảo chất lượng

“Nhà vệ sinh trong khu vực chế biến, quần áo giặt giũ luôn tại đấy. Hệ thống kho bảo quản nguyên liệu không có. Tường, sàn, trần nhà ẩm mốc, xuống cấp nghiêm trọng. Quy trình sản xuất thủ công, tạm bợ, tận dụng khu bếp chật hẹp, xuống cấp của gia đình làm nơi sản xuất, không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trang thiết bị dụng cụ dùng để sản xuất thô sơ và rất bẩn; có cả phân chuột, phân gián. Xung quanh một chiếc chảo đang xào cốm là những chiếc giẻ bẩn… “Chúng tôi thấy rất tiếc cho một thương hiệu lớn”, ông Trần Việt Dũng nhận xét.

Ông Dũng phân tích, theo quy định, những người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều phải được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và phải khám sức khỏe định kỳ. Khi chúng tôi hỏi cơ sở về giấy khám sức khỏe, việc tập huấn cho nhân viên trực tiếp sản xuất thì người đại diện cơ sở “lơ ngơ”, không hiểu.

Cơ sở gia truyền, sản xuất thủ công… phải tuân thủ quy định ATTP

Khi PV đặt vấn đề bánh cốm Nguyên Ninh mới được quận Ba Đình phân hạng OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm - Các sản phẩm sau khi đạt sao OCOP đều phát triển tốt, được nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ) 3 sao vào tháng 8/2024, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Dù cơ sở gia truyền, sản xuất theo phương pháp thủ công, phải tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Quận Ba Đình cần có các buổi tập huấn hướng dẫn, thậm chí thẩm định các điều kiện trên thực tế tại cơ sở.

Ông Dũng cho biết, qua sự việc một thương hiệu lớn như Nguyên Ninh xem thường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục an toàn thực phẩm thành phố đã giao Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Ba Đình chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hộ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, nhất là các thương hiệu truyền thống.

“Không chỉ tuyên truyền vận động, hướng dẫn họ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, mà phải tăng cường kiểm tra. Qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, cần phải xử lý nghiêm, thậm chí là đình chỉ, kể cả các thương hiệu lớn”, ông Dũng lưu ý.

Khu sản xuất và để nguyên liệu của cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh

Khu sản xuất và để nguyên liệu của cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh

Nghị quyết số 49/2024/NQ-HĐND vừa được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thông qua ngày 12/12/2024, quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ.

Mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng áp dụng cho cá nhân, tổ chức tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại một số khoản là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức tiền phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.

Cụ thể, vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có thể bị phạt cao nhất đến 40 triệu đồng.

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ có mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm có mức phạt cao nhất đến 30 triệu đồng.

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng; Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Theo VietnamDaily
back to top