Ăn đậu hũ với măng tươi dễ kết thành sỏi thận.
Măng là thực phẩm rất quen thuộc trên bàn ăn của các gia đình Việt với nhiều món ngon như canh măng, bún xáo măng, măng hầm chân giò lợn, măng nấu xáo vịt. Về giá trị dinh dưỡng, măng chứa nhiều protid, glucid, muối khoáng, vitamin, xơ… tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên các chuyên gia của Health khuyến cáo nguy cơ ngộ độc khi ăn măng tươi. Chất glucozit trong măng tươi sẽ bị thủy phân khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, từ đó giải phóng axit xyanhydric (HCN). Axit này gây ngộ độc, nôn mửa…
Một người trưởng thành hấp thụ 20 mg HCN đã có thể bị ngộ độc. Trẻ em, người già, người ốm yếu càng nhạy cảm hơn. Để thải axit HCN, trước khi chế biến, nên luộc măng cho chín rồi đổ nước luộc đi, sau đó rửa lại rồi mới chế biến món ăn.
Theo Đông y, đậu phụ có vị ngọt, tính mát, kiện tỳ, lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt. giải độc. Khoa học hiện đại đánh giá đậu phụ là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Trong 100 g đậu phụ chứa khoảng 76 kcal năng lượng, 1,9 mg carbonhydrate, 4,8 mg chất béo, 8,1 mg protein, 350 mg canxi, 5,4 mg sắt, 7 mg natri, 30 mg magie.
Đậu phụ còn có tác dụng hỗ trợ điều trị và phòng chống xơ vữa động mạch. Công dụng này có được là nhờ sự hiện diện của saponin, một chất giúp ngăn chặn sự hình thành của peroxit lipid vốn là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch.
Tuy nhiên, saponin lại có tác dụng phụ là bài tiết iốt trong cơ thể. Do đó, ăn đậu phụ trong một thời gian dài có thể dẫn đến thiếu hụt iốt. Để khắc phục tình trạng này, nên bổ sung thêm rong biển là loại thực phẩm giàu iốt.
Người bị sỏi thận được khuyên hạn chế ăn đậu phụ vì có nhiều oxalate khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Những người thiếu máu do thiếu sắt hay đang bổ sung viên sắt cũng không nên dùng nhiều đậu phụ bởi nó chứa protein kìm chế sự hấp thu sắt, gây khó tiêu.
Đặc biệt, trong khi chế biến và ăn uống, không nên kết hợp đậu phụ với măng vì rất dễ kết thành sỏi thận.
Kỳ Lương
(tổng hợp)