Sỏi thận cần chú ý khi ăn uống
Kiêng đủ thứ vì sợ sỏi tiết niệu
Vừa qua có một người phụ nữ (khoảng 60 tuổi tại Trung Quốc) đã phải phẫu thuật để loại bỏ 806 viên sỏi khỏi túi mật. Theo đó, người này phàn nàn bà thường xuất hiện những cơn đau dạ dày nặng.
Tuy nhiên, khi kiểm tra, bác sĩ đã phát hiện bà đang gặp vấn đề nghiêm trọng hơn cơn đau dạ dày. Túi mật của bà chứa rất nhiều viên sỏi nhỏ. Khi mổ ra, những viên nhỏ nhất có kích cỡ như hạt vừng, viên lớn hơn có kích cỡ như hạt nhãn. Trao đổi với bác sĩ, người phụ nữ cho biết sở thích ăn uống của bà là thịt mỡ – phần thịt có nhiều chất béo.
Hiện nay, có nhiều thông tin cho rằng, để tránh nguy cơ bị sỏi tiết niệu, nhất là những người có cơ địa vốn đã bị bệnh sỏi thì cần kiêng các thức ăn như nhiều dầu mỡ, chất đạm cũng như các thực phẩm chứa nhiều canxi như cua, ghẹ… Thậm chí, nhiều người còn không uống bất kỳ một cốc nước chè nào, bởi họ cho rằng trong các thực phẩm chứa nhiều axit oxalic có thể làm tăng sỏi thận.
Trao đổi cùng BS Tạ Đức Thành, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội thì được biết, việc kiêng ăn các thực phẩm như mỡ, cua ghẹ, nước cam chanh, chất đạm… để tránh bị sỏi thận là chưa khoa học.
Vị chuyên gia phân tích, về lý thuyết, các thực phẩm trên có thể chuyển hóa thành các gốc muối axit uric thành sỏi thận. Nhưng chưa đi sâu vào cơ chế gây bệnh mà trên thực tế việc ăn uống hàng ngày không đáng lo để gây nên sỏi thận tiết niệu.
“Việc ăn uống hằng ngày để gây nên tình trạng lắng đọng axit uric từ đó gây sỏi thận tiết niệu là không đáng lo. Bởi hằng ngày chúng ta ăn không quá nhiều, lại không thường xuyên. Ví dụ, tôi thỉnh thoảng hỏi bệnh nhân, mỗi tháng họ ăn được bao nhiêu bữa canh cua và chắc chăn không thể quá 10 bữa. Vậy thì mức này chưa thể hình thành nên sỏi mà họ phải kiêng”, vị chuyên gia này cho hay.
Đừng để thiếu đạm trước khi bị sỏi
BS Tạ Đức Thành cũng cho hay, ông không khuyên bệnh nhân mình kiêng các thực phẩm khi bị sỏi thận. Bởi họ chưa bị sỏi thì có thể đã bị suy dinh dưỡng, thiếu chất, thiếu đạm vì ăn kiêng. Thay vào đó cứ ăn uống một cách khoa học và đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.
Việc hình thành sỏi thận là một vấn đề do nhiều nguyên nhân gây nên, đối với thực phẩm gây sỏi thận chỉ khi thực phẩm đó có chứa quá nhiều thành phần đọng thành sỏi và người bệnh phải dùng một cách thường xuyên liên tục. Ví dụ như với nguồn nước, những người uống nước vùng đá vôi thường có tỷ lệ cao hơn…
Còn BS Phạm Thái Nguyên, nguyên bác sĩ Khoa Nội, Viện Quân y 103 cho rằng, trong điều trị viêm khớp, nhiều người thường uống thêm canxi cho bệnh nhân uống vì thuốc trị viêm khớp có thể gây đào thải canxi. Đây có thể là một yếu tố gây nên tình trạng sỏi thận tiết niệu. Và so với thực phẩm, sử dụng canxi tăng nguy cơ hơn do sự lắng đọng và dư thừa.
Vì thế, để an toàn, khi sử dụng canxi cần được sự tư vấn của bác sĩ thông qua các xét nghiệm xem cơ thể bệnh nhân có bị thiếu canxi cấp hay không. Nếu thiếu ít, nên bổ sung qua ăn uống thay vì dùng thuốc. Không nên sử dụng canxi một cách bừa bãi, sẵn đâu uống đấy.
Hà Linh