Tán sỏi qua nội soi bàng quang – niệu quản – bể thận ngược dòng

Sỏi thận hay sạn thận, sỏi đường tiết niệu là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Phương pháp tán sỏi qua nội soi bàng quang – niệu quản – bể thận ngược dòng được nhiều bệnh viện áp dụng.

Hỏi: Tôi bị sỏi thận, xin hỏi tôi muốn điều trị tán sỏi qua nội soi bàng quang – niệu quản – bể thận ngược dòng thì chỉ định của phương pháp này như thế nào?

Nguyễn Văn Tùng (Hải Dương)

Sỏi thận nhiều người mắc

BS Hà Hoàng Kiệm (Bệnh viện 103) cho biết:

Sỏi thận hay sạn thận, sỏi đường tiết niệu là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Sỏi thận là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy thận. Sỏi thận có thể hình thành khi nước tiểu của bạn trở nên quá cô đặc với các chất nhất định nào đó. Những chất này có thể tạo ra các tinh thể nhỏ và trở thành sỏi thận. Sỏi thận có thể không tạo ra các triệu chứng cho tới khi chúng ta phát hiện tình cờ.

Chỉ định của phương pháp này là sỏi thận đã điều trị bằng tán sỏi ngoài cơ thể thất bại hoặc chống chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể; Sỏi thận trên bệnh nhân có hẹp đường dẫn  niệu trong thận như: sỏi nằm trong túi thừa đài thận, đặc biệt trong trường hợp sỏi nằm ở túi thừa đài trên, sỏi thận trên bệnh nhân có hẹp khúc nối bể thận niệu quản…;  Sỏi thận trên bệnh nhân bắt buộc phải lấy hết sỏi: bệnh nhân là phi công, phụ nữ trẻ đang dự định có thai, bệnh nhân chuẩn bị ghép tạng…

Thời kỳ đầu, người ta tiến hành nội soi bàng quang, rồi đưa một ống thông đặc biệt gọi là thông Lasso lên niệu quản để kéo sỏi xuống. Hiện nay sử dụng ống soi niệu quản mềm, đưa qua bàng quang lên niệu quản và tán sỏi bằng các dụng cụ khác nhau. Sử dụng dụng cụ tán sỏi bằng laser, người ta có thể tán được hầu hết các viên sỏi ở niệu quản trên, kể cả sỏi ở bể thận. Nếu sỏi ở bàng quang, có thể kẹp tán sỏi qua nội soi.

PH (ghi)

Theo Đời sống
back to top