Bệnh viêm sởi
Nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản sởi là do virus sởi Rubeola, virus lây trực tiếp qua đường hô hấp do tiếp xúc với dịch mũi, họng, kết mạc của người bệnh sởi. Đối tượng bị lây nhiễm từ 90 – 98% trẻ em chưa miễn dịch với virus sởi, đặc biệt là trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học.
Thời gian ủ bệnh từ 10 – 12 ngày. Thời kỳ khởi phát trẻ có biểu hiện viêm long đường hô hấp trên, trẻ thường chảy mũi, ho, hắt hơi, đỏ mí mắt và sốt từ thấp đến cao, sau đó xuất hiện các nốt koplix trong niêm mạc má.
Thời kỳ toàn phát, sởi mọc tới mặt, thân và tứ chi và niêm mạc một số cơ quan bên trong như hậu môn. Bệnh nhi sốt cao, ho, ăn kém, ngủ kém, mệt mỏi. Thời kỳ lui bệnh là các nốt sởi bay từ mặt, xuống thân và tứ chi.
Biến chứng của bệnh thường gặp là viêm thanh quản cấp gây ho từng cơn. Giai đoạn sởi mọc gây loét và hoại tử thanh quản, khàn tiếng ra nhiều đờm, khạc mủ lẫn máu, có khi gây khó thở. Soi thanh quản phát hiện phù nề, loét dây thanh, có thể thấy giả mạc.
Phải điều trị kháng sinh liều cao. Nặng trẻ có thể bị viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xơ chai não bán cấp và đặc biệt viêm não chiếm tỷ lệ 0,05 – 0,1% trong các trường hợp bị sởi và gây tử vong 10 – 40%. Vì vậy, khi trẻ bị bệnh nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.
BS Hoàng Anh (Bệnh viện E)