Bên lề Vietnam Web Summit 2017, nơi CTO Tomo có bài thuyết trình về ICO, chúng tôi đã có cuộc gặp bên lề với anh – người hiểu rõ các nhà đầu tư Việt Nam đang ‘điên cuồng’ trong thị trường này như thế nào. Có những lúc cuộc trò chuyện trầm xuống khi nói về sự đầu tư mù quáng, có những khi hy vọng được thắp lại khi nói đến các startup đang thật sự nghiêm túc với ICO và muốn mang lại những giá trị bền vững cho cả xã hội.
Có nhiều chức danh có thể dùng để nói về Nguyễn Sỹ Thanh Sơn. Bên cạnh vai trò CTO của Tomo, anh Sơn còn là người sáng lập của Vietnam Blockchain Developers – cộng đồng các nhà lập trình Blockchain đầu tiên và lớn nhất Việt Nam lúc này.
Quan trọng hơn, Nguyễn Sỹ Thanh Sơn là một trong những người Việt đầu tiên tiếp cận, làm và giảng dạy ‘hợp đồng thông minh’ – Smart Contract (ở sự kiện Blockchain for developers), công nghệ được dùng trong rất nhiều dự án ‘startup gọi vốn bằng tiền ảo (ICO)’ mà người Việt đang đầu tư rất nhiều. Điều đáng buồn là danh từ ‘thời thượng’ và nghe đầy công nghệ này cũng đang bị nhiều kẻ trục lợi bất chính ở Việt Nam sử dụng như một cách cải trang cho những ‘trò lừa’ huy động vốn với chính những người Việt Nam thiếu hiểu biết.
Xuyên suốt cả cuộc trò chuyện với anh Sơn là một bức tranh xám xịt phác họa “người Việt đang đầu tư như ‘người mù'”, đầu tư theo tâm lý đám đông. Tuy nhiên, đâu đó ở cuối cuộc phỏng vấn, anh Sơn cho rằng vẫn có những startup Việt Nam đang nói và làm thật, dám ‘nghiêm túc với token, tử tế với nhà đầu tư’. Họ đang thực sự tận dụng Blockchain như là một ‘bước nhảy lớn’ để có thể tạo ra những giá trị mới cho xã hội.
ICO Việt Nam lẫn lộn ‘cát bẩn’ và ‘kim cương’. Nhà đầu tư thì như ‘người mù’, đến ‘hợp đồng’ cũng đọc không hiểu
* Chào anh Sơn. Vào lúc này, ở quán cà phê người ta cũng có thể nghe thấy chuyện chào mời ‘chơi coin’, ‘đầu tư ICO’. Với tư cách một người đã biết đến thị trường này từ khá sớm, anh có những đánh giá gì về các dự án ICO ở Việt Nam hiện tại?
Theo anh, đó là sự lẫn lộn của cả ‘cát bẩn’ và ‘kim cương’. Cá nhân anh thì ‘kim cương’ là những ICO có tầm nhìn dài hạn và token (nếu IPO công ty phát hành cổ phiếu thì ở ICO, startup bán ra token – PV) mà họ bán ra phải được sử dụng trong chính sản phẩm của họ. Tất nhiên là còn phải xem xét kỹ về bài báo kỹ thuật (whitepaper), đội ngũ (team), cố vấn (advisors) để xem liệu lộ trình phát triển có thể đáp ứng được tầm nhìn đó không.
Anh Nguyễn Sỹ Thanh Sơn – CTO Tomo, người sáng lập Vietnam Blockchain Developers
Còn ‘cát bẩn’ là rất nhiều ICO bán token chỉ để lấy tiền, token đó lại không đại diện cho sản phẩm hay cộng đồng của họ. Có thể là các dự án đa cấp huy động vốn trả lãi suất hàng ngày hoặc các startup chỉ vì thấy danh từ Blockchain quá ‘hot’ mà quyết định làm ICO để gọi vốn.
* ICO để ‘hút tiền’ giờ đây ở Việt Nam là quá nhiều. Thậm chí dạo một vòng Facebook cũng đủ khiến nhà đầu tư thấy loạn vì số ICO được bày ra trước mắt họ. Theo anh, vì sao hiện tại lại có quá nhiều ICO như vậy? Có phải ‘làm ra’ một ICO là quá đơn giản hay thiết lập ra Smart Contract là quá dễ quá không?
Hoàn toàn chính xác. Thực ra để thiết lập nên một Smart Contract trên nền tảng Ethereum thì không phải là điều khó. Một lập trình viên ở trình độ khá hoàn toàn có thể tạo ra nhiều token mỗi ngày dựa trên nền tảng Blockchain của Ethereum.Tôi đã xây dựng tài liệu, tổ chức vài Meetup chia sẻ miễn phí với cộng đồng về vấn đề này.
* Như vậy, có phải điều đó thể hiện sự phát triển không ‘trong sạch’ của các dự án startup huy động vốn bằng token, bằng tiền mã hóa Việt Nam?
Nó đúng phần nào ở hiện tại. Tuy nhiên, nhìn dài hạn, tôi cho đó là việc tốt bởi nó thể hiện startup Việt khá thức thời trong việc gọi vốn, tìm thêm nguồn lực để phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng nếu mình làm theo cách chuẩn mực đúng đắn, nó sẽ mang lại hiệu quả tốt. Còn nếu đi sai hướng, nó sẽ làm hại chính mình và cả cộng đồng.
* Bây giờ, nói một chút từ góc nhìn nhà đầu tư. Anh đánh giá như thế nào về các nhà đầu tư ICO tại Việt Nam hiện nay?
Họ đang đầu tư như ‘người mù’, vì đầu tư theo người khác, vì đến ‘hợp đồng mua bán’ trong cuộc chơi này họ cũng đọc không hiểu mà rồi vẫn quyết định ‘xuống tiền’.
Tiền mã hóa đang tăng giá chóng mặt, nhiều đầu tư nóng lòng muốn tham gia thị trường nhưng kiến thức có vẫn còn rất hạn chế, thậm chí là không có. Thay vì tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư, nhiều người chọn cách đầu tư theo phong trào, đầu tư vì ‘nghe người ta nói’. Có lẽ chỉ 1% các nhà đầu tư vào ICO tại Việt Nam có sự am hiểm về cả mặt kinh doanh cũng như về công nghệ đằng sau.
Ma trận các dự ICO bày ra trước mặt nhà đầu tư. Tất cả đều được thấy trên Facebook
Thậm chí, nếu tính đến sự am hiểu cả Blockchain và Smart Contract thì có lẽ chưa đến 1%. Mà Smart Contract chính là hợp đồng thông minh, bạn mua token nghĩa là bạn đã đặt bút ký vào hợp đồng mua bán giữa bạn và công ty phát hành token. Liệu bạn đã đọc kỹ hợp đồng trước khi ký chưa? Tôi chắc rằng nhiều nhà đầu tư sẽ trả lời là chưa.
Vì vậy, mọi người cần tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư, nếu không thì thật mù quáng. Tôi lấy ví dụ, nếu nhà đầu tư mua token các dự ICO ẩn mã nguồn Smart Contract, hoặc chính họ cũng không hiểu Smart Contract thì các dự án có thể làm nhiều thứ mờ ám phía sau. Ví dụ, mình mua giá này nhưng không công bằng là người khác lại được mua giá rẻ hơn hoặc thậm chí giá bằng 0 chẳng hạn.
Hãy chọn ICO ‘nghiêm túc với token, tử tế với nhà đầu tư’
* Như vậy, liệu có còn một cách nào khác cho người Việt có thể đầu tư vào các dự án của một công nghệ mang tính cách mạng như Blockchain, thưa anh?
Vẫn là ICO nhưng hãy đầu tư vào những dự án ‘nghiêm túc với token và tử tế với nhà đầu tư’.Token bán ra phải thực sự đại diện cho giá trị của sản phẩm, cộng đồng. Sản phẩm, cộng đồng phát triển thì giá trị của Token sẽ tất yếu tăng.
Đó sẽ chính là thành quả đầu tư mang về ‘trái ngọt’ nhất trong thời kỳ công nghệ mới này. Tôi có biết đến một vài team ở Việt Nam đang rất nghiêm túc với Blockchain và ICO. Tất nhiên, ‘kim cương’ thì sẽ hiếm hơn rất nhiều so với ‘cát bẩn’.
Còn các dự án huy động vốn, trả lãi hàng thàng, chẳng qua là ông này đập ông kia, người này hút tiền người kia, nhà đầu tư mang tiền của mình đi đầu tư cái gì họ cũng không biết, rồi rút cục lại đi hút máu lẫn nhau.
CTO Tomo trong buổi giảng dạy miễn phí Smart Contract
* Từ những điều anh nói, đầu tư vào ICO có vẻ là một lĩnh vực đầu tư quá khó để tiếp cận một cách bài bản, cũng như chứa đầy rủi ro. Vậy anh có lời khuyên gì với các nhà đầu tư đang sẵn sàng đầu tư thị trường này?
Tôi sẽ nói rằng ‘có rủi ro nhưng đáng mất tiền để ra bài học’. Các nhà đầu tư mất tiền có thể tự có bài học, tự tìm hiểu và có cách đầu tư thông minh hơn cho mình. Ví dụ, tôi luôn khuyên các bạn lập trình ở Tomo hãy mua thử Bitcoin, Ethereum để hiểu cách nó vận hành.
Một ví dụ khác để chứng minh lĩnh vực này dù rủi ro nhưng vẫn đáng tham gia. Tôi còn nhớ cái ngày mà một chiếc ví Ethereum bị hack mất 500.000 Ethereum và 1% số Ethereum trên toàn thế giới bị đóng băng, một người đã nói một câu rất hay là ‘sự công bằng hay dân chủ đều có giá của nó’. Đứng đằng sau những đồng tiền mã hóa, những ICO chính là công nghệ Blockchain – thứ có thể tạo ra một trật tự thế giới mới.
* Tại sao lại như vậy, thưa anh?
Tôi cho rằng Blockchain thực sự có thể thay đổi trật tự thế giới. Về bản chất, tôi nghĩ người ta đang muốn thế giới phẳng, muốn dân chủ, muốn công bằng, muốn minh bạch. Đây là những vấn đề mà Blockchain có thể giải quyết được. Sắp tới sẽ là kỷ nguyên của Internet of Value – Internet có thể lưu giữ được giá trị, Blockchain ra đời làm mọi người có thể tin tưởng được và sẵn sàng đưa các giá trị của mình lưu trên Internet.
Hai ví dụ điển hình đã thành công chính là Ethereum và Bitcoin. Bạn sẵn sàng bỏ 100 triệu để bỏ vào Blockchain, vì bạn tin vào sự an toàn tạo ra từ tính phi tập trung của nó. Trước đây, bạn chỉ tin vào ngân hàng, vào Nhà nước, giờ đây bạn tin vào cả Blockchain.
* Vậy, hãy thử trở thành những người mơ mộng, anh thấy trong tương lai mọi thứ xung quanh chúng ta sẽ thay đổi như thế nào với Blockchain?
Đó là một thế giới không còn ‘biên giới’. Sự kiểm soát của các Nhà nước sẽ vẫn còn, nhưng sẽ được đẩy lên Smart Contract, trong Blockchain, để minh bạch và công bằng được đảm bảo.
Sẽ vẫn có ngân hàng, ngân hàng vẫn gửi tiết kiệm nhưng những sổ tiết kiệm ấy sẽ được đẩy lên Smart Contract, thay vì đến ngân hàng mở tài khoản thì bạn chỉ chuyển tiền vào Smart Contract đó, mỗi tháng bạn sẽ thu tiền lãi.
Tất nhiên những thay đổi đó sẽ từ từ nhưng liên tục để đến một cảnh giới là hệ thống ngân hàng sẽ không như bây giờ, quốc gia cũng sẽ không như bây giờ. Thậm chí, sẽ có những quốc gia ảo với biên giới vật lý bị mờ nhạt đi. Đến khi một thế giới không biên giới được hình thành và có lẽ người ta sẽ không tranh giành những vùng đất đai nữa…
Và sự thực thì tôi không phải là người mơ mộng!
* Xin cảm ơn anh rất nhiều vì cuộc trò chuyện!
Theo Trí thức trẻ