Người Việt có nhiều phong tục đẹp

Người Việt có rất nhiều phong tục đẹp mà ngày nay chúng ta đã xao nhãng, đã làm mất đi. Để rồi phải trầm trồ, ngưỡng mộ cách hành xử của dân tộc khác, trong khi những điều đó ông cha chúng ta đã có từ lâu rồi.

Ông Nguyễn Văn Hưng – nguyên giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội.

Đi đâu cũng dắt con cháu theo

Điều gì trong văn hóa ngày Tết của người Việt mà ông cho là đặc sắc nhất?

Ông cha chúng ta có những phong tục rất hay. Đầu năm, Tết đến xuân về, các cụ thường đi lễ đền lễ chùa. Cũng không phải cầu kỳ đi tận đâu để lễ, mà đi lễ đền chùa ngay gần nhà mình.

Và điều đặc biệt là khi đi thường dẫn theo con cháu. Đấy là nguyên tắc của các cụ, chứ không phải vô nguyên cớ đâu. Còn bây giờ, chúng ta đi lễ rất nhiều nhưng lại không dẫn con cháu đi cùng là một thiếu sót. Bởi vì đó là cách giáo dục trẻ con hay nhất, người lớn làm những điều tốt đẹp thì phải dẫn trẻ con theo.

Có thể là vì bây giờ những nơi lễ đông, chen chúc và cầu xin những việc rất tế nhị như  thăng quan tiến chức, buôn gian bán lận… nên người ta không dẫn trẻ con đi cùng?

Đấy cũng là vì chúng ta đã đánh mất cái phong tục ngày xưa rồi. Đầu năm đi lễ để được những cái may mắn của trời đất ban cho từ không khí, cây cỏ…

Vì thế trong ngày hôm đó, không ai nói những điều xấu, xúc phạm, kiêng không nói tục, kiêng cãi nhau, chỉ nói những điều tốt, làm những điều lành.

Và có đi lễ thì cũng cầu những điều tốt đẹp: sức khỏe, may mắn, an lành… chứ không ai cầu có tiền để mua nhà, mua xe, hay cầu cho ông hàng xóm kia khuynh gia bại sản, nhưng giờ có những người cầu như thế thật đấy.

Ông còn nhớ những cảm xúc của mình hồi còn bé khi được đi lễ cùng ông bà không?

Thực ra lúc bé các cụ bảo đi thì đi, làm sao hiểu được tất cả những điều sâu xa ấy. Bảo đi với bà thì đi, bảo vái thì vái. Vào trông thấy ông thiện ông ác tôi còn sợ quá.

Nhưng bà tôi bảo một câu mà sau này tôi nhớ mãi: Cháu không làm điều gì xấu thì không việc gì phải sợ. Những điều đó theo mình suốt cuộc đời, và sau này trưởng thành rồi, càng ngẫm càng thấy sâu sắc: Mình không làm điều xấu thì không việc gì phải sợ. Và để không sợ gì thì không được làm điều xấu.

Những điều cần thiết ấy, trong gia đình không truyền cho nhau thì còn mong ai dạy cho con cháu mình nữa.

Không phải chỉ có tết nhất, mà mỗi khi có việc hiếu hỉ, người lớn đi thì đều dẫn theo trẻ con. Đó là một hình thức truyền lại phong tục. Có cho trẻ con đi theo thì nó mới hiểu ông này là chú, bà kia là bác, ngày giỗ thì phải làm những thủ tục như thế này…cứ truyền mãi, thành nếp sống. Bây giờ chẳng cho đi theo thì làm sao nó biết ai vào với ai. Chỉ cần một đời hai đời không đi, không gặp nhau thì sẽ mất họ. Các cụ đã nói rồi đường không đi thì cỏ mọc. Đấy là cái lý do phải truyền cho con cháu, là những người kế tiếp mình.

Mất đi sự cha truyền con nối

Bản thân ông có dẫn các cháu đi lễ chùa đầu năm không?

Các cháu tôi lớn cả rồi, có bảo chúng cũng chả đi. Hồi bé thì nhiều khó khăn, vả lại chúng nó cũng có ở đây với mình đâu. Đấy cũng là một thiệt thòi, tạo ra một sự đứt gãy về truyền thống, văn hóa.

Chúng ta đang để mất đi cái sự cha truyền con nối, cho nên sơ sẩy rất nhiều. Xã hội ngày nay bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra vì không có sự hướng dẫn, không có chuẩn mực đạo đức. Chả ai bảo được ai cả.

Rõ ràng thấy đó là  một truyền thống tốt đẹp mà lại bỏ mất, tại sao vậy thưa ông?

Có rất nhiều lý do: vì chiến tranh, vì đời sống khó khăn thời bao cấp, vì mải làm kinh tế, vì không sống chung mấy thế hệ, vì cả những quan niệm sống khác nhau, vì lối sống hiện đại…

Ngoài Tết ra, còn nhiều phong tục hay mà chúng ta bỏ mất đi. Mới đây tôi thấy mọi người trầm trồ với chuyện báo chí Mỹ đăng tin một ông lái xe thấy đám tang đi qua, ông ta dừng ô tô, đứng trên vỉa hè ngả mũ chào.

Chuyện đấy không là gì với dân Hà Nội cả, chúng tôi đã làm thế từ lâu rồi. Một đám tang đi qua, chúng tôi dừng xe lại, đứng trên vỉa hè, nghiêm chỉnh tiễn biệt. Dù tôi chả biết đám tang ai cả. Đó là phép đối nhân xử thế giữa con người với con người.

Vậy mà hiện nay nhiều người có xu hướng học người Mỹ, người Nhật, ca ngợi châu Âu và chê người Việt Nam?

Vì đúng là hiện nay ta thiếu những cái đó nên nghe chuyện bên Mỹ tưởng đã là ghê gớm lắm, nhưng chúng ta có lâu rồi. Mình đang mặc comple đi trên vỉa hè mà thấy người ta gánh hàng đi qua thì phải tự động đứng dẹp vào, để nhường người mang vác nặng đi trước vì mình là người đi không.

Chúng tôi được dạy thế và đã làm thế từ lâu rồi. Ngày nay không còn chuyện đó bởi vì không ai dạy, không ai làm như vậy nữa.

Nói nhiều, nhưng làm lại khác

Là người đã từng sống cái nếp sống tốt đẹp đó, ngày nay thấy nó mất đi, cảm xúc của ông thế nào?

Nhiều lúc cũng thấy ức chế lắm. Những cái hay cái đẹp thì bị tước bỏ, cái xấu thì lại nảy sinh. Những cái tốt đẹp đánh mất thì dễ chứ lấy lại khó lắm. Giờ muốn lặp lại thì có cảm giác chung chiêng vì cái gốc đã bị mất rồi. Đấy là một điều rất nguy hiểm.

Truyền thống của người Việt rất đẹp. Từ ngàn xưa, văn hóa làng xã của người Việt  rất ấm cúng, quây quần, sống vì đồng loại. Ngày nay sống chỉ biết mỗi gia đình mình.

Sao con người cứ ghét nhau, chiếm được đồng nào của nhau là chiếm, bất chấp người khác nghèo, khổ thế nào?

Thời xưa, người ta dạy được những nền nếp đó, phải chăng vì xã hội đòi hỏi con người phải có chuẩn mực nhất định, còn chúng ta ngày nay không có những chuẩn mực đó?

Nói không có chuẩn mực cũng không phải. Thậm chí có rất nhiều quy chuẩn, quy định, đến nỗi người muốn theo không biết theo ai, theo cái gì là chuẩn mực.

Ví dụ những tiêu chuẩn gia đình văn hóa có những cái rất buồn cười, gì mà phải có các phương tiện nghe nhìn, phải treo cờ, không được sinh con thứ ba…

Chúng ta hình như chỉ hô khẩu hiệu, nhưng hành động lại trái ngược, lại sai. Hành động sai vì bản thân người đề ra những khẩu hiệu đó có làm như thế đâu.

Trong nhà cũng vậy, cha mẹ nói con phải thế này phải thế kia thì cha mẹ phải làm trước đi để con nó theo. Lỗi bây giờ là nói rất nhiều, rất hay nhưng làm lại khác.

Vậy theo ông, làm thế nào để giữ được những phong tục tốt đẹp đó?

Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Phải giữ lấy đạo lý của chính mình trước tiên. Trước khi làm cái gì bên ngoài, chính trong nhà mình hãy làm tốt đã.

Trong mỗi gia đình hãy truyền lại chính những phong tục tốt đẹp đấy cho con cháu. Trong gia đình truyền cho nhau dễ hơn, vì trước hết đấy là trách nhiệm, hơn nữa ít ra con cái còn buộc phải nghe mình. Chứ ra đường mà nói thì ai nghe, không khéo người ta còn mắng cho.

Nhưng nếu bản thân người làm ông bà, cha mẹ cũng không biết thì lấy ai truyền lại?

Đúng là có những cái rất cụ thể, thì không mấy ai biết để mà truyền lại. Khổ thế đấy. Ngày xưa các cụ đi tế đi lễ, khi uống nước thì một tay phải che.

Giờ không ai làm thế, nhưng ý nghĩa của việc làm đó là ăn uống phải từ tốn. Chứ không phải như bây giờ lộn tùng bậy, ai muốn gắp gì thì đảo loạn cả lên. Bát canh thì cho cái đũa vào khoắng khoắng rồi gắp chóp một cái.

Đáng lẽ cha mẹ phải dạy chứ. Khổ cái không ai nói. Nhiều người không nghĩ là cần thiết, cho rằng đó là chuyện nhỏ.

Ông có tin rằng những điều tốt đẹp đó sẽ không bị mất đi?

Tôi tin. Vì dân tộc Việt là một dân tộc hiếu học và chúng ta theo đạo Phật là chính. Con người ta luôn mong muốn làm điều tốt, điều thiện và mọi người cũng hiểu được luật nhân quả.

Xin cảm ơn và chúc ông một năm mới nhiều niềm vui và may mắn!

Nhật Minh thực hiện

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top