Đậu phụ và sức khỏe nam giới

u phụ là món ăn quen thuộc của người Việt Nam mà nguyên liệu để chế biến đậu phụ chính là đậu tương hay còn gọi là đậu nành. Để biết đậu phụ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của nam giới hay không chúng ta cần biết về giá trị dinh dưỡng của đậu nành.

Thực phẩm giàu dinh dưỡng, không cholesterol

Theo bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100g đậu nành có 400kcalo; 13,1 g nước; 34g chất đạm; 18,4g chất béo; 24,6 g chất bột; 4,5 g chất xơ, nhiều vitamin A, B1, B2, D, E… muối khoáng Natri, Calci, sắt, Magie, Phospho, các Isoflavones.

Đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có cả 3 loại chất dinh dưỡng sinh năng lượng là protein, lipid, glucid. Hàm lượng protein trong đậu nành cao và có đến 18 loại acid amin, trong đó có đủ tất cả các loại acid amin thiết yếu.

Lipid trong đậu nành chủ yếu là acid béo không no nhiều nối đôi, không có cholesterol. Đậu nành có nhiều vitamin nhóm B, E, K cùng chất khoáng như K, Ca, P, sắt, Mg, Mn, Zn, Cu, Se. Một số loại chất khoáng rất cần thiết cho sức khỏe thần kinh, xương và tim mạch như Mn, Ca, sắt đạt hàm lượng cao trong đậu nành.

Ăn nhiều đậu nành sức khỏe sinh sản nam giới vẫn tốt

Tin truyền miệng ăn đậu phụ (chế phẩm từ đậu nành) ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý nam giới xuất phát từ yếu tố đậu nành là thực phẩm giàu Isoflavones hay còn biết dưới tên gọi phytoestrogen có cấu trúc gần giống estrogen của nữ nên bị lầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố của nam, nhưng thực chất Isoflavones không phải là estrogen.

Tuy đậu nành giàu isoflavones, còn được gọi là phytoestrogen, có cấu trúc gần giống estrogen của nữ nên bị lầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố của nam nhưng nhiều nghiên cứu thấy isoflavones không có tác dụng nữ hóa.

Giám đốc Viện Dinh dưỡng Đậu nành Mỹ đã công bố một số kết quả phân tích tổng hợp các nghiên cứu khẳng định, đậu nành và thực phẩm cung cấp Isoflavones đều không làm thay đổi nồng độ Testosterone khả dụng ở nam giới. Còn tại Nhật Bản, TS.BS Chisato Nagata đến từ khoa Dịch tễ và Y tế Dự phòng Đại học Y khoa Gifu đưa ra nhiều nghiên cứu có ý nghĩa tích cực về tác động của đậu nành lên nồng độ hormone sinh sản ở nam giới Nhật Bản.

Kết quả là: “Tuy ăn nhiều các chế phẩm từ đậu nành nhưng đàn ông Nhật Bản lại có số lượng tinh trùng tương đương hoặc cao hơn so với đàn ông Bắc Âu. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy nồng độ testosterone ở nam giới Nhật Bản cũng tương tự như nam giới Mỹ. Nhìn chung, không có bất kỳ bằng chứng gì về tác dụng phụ của đậu phụ đối với sức khỏe sinh sản ở nam giới đất nước chúng tôi”.

Đậu nành ngừa ung thư tiền liệt tuyến

Thực tế đang có nhiều đàn ông Âu Mỹ hưởng ứng chế độ ăn giàu đậu nành để bảo vệ sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, ngoài việc có lợi cho tim ( việc thay thế các sản phẩm từ động vật bằng đậu nành, bạn có thể giảm được lipoproteins mật độ thấp- một loại cholesterol có hại và tăng mật độ các cholesterol có lợi), đậu nành còn có khả năng ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt.

Bởi trong đậu nành rất giàu isoflavanones, một chất chống ôxy hóa hết sức hiệu quả. Protein trong đậu nành có khả năng ngăn chặn các enzyme kích thích sự tăng trưởng của tế bào tuyến tiền liệt. Từ các nghiên cứu này, nhiều người đã cho rằng tỷ lệ đàn ông châu Á mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến thấp hơn Âu Mỹ là nhờ đậu nành.

Tuy nhiên, bất cứ loại thực phẩm nào cũng vậy, dù nhiều chất dinh dưỡng hay tác dụng tốt đến đâu thì cũng không nên lạm dụng. Mỗi ngày ăn 200g đậu phụ (tương tương 1 bìa đậu) hoặc uống 500ml sữa đậu nành hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe sinh sản của nam giới.

Ths. BS Lê Thị Hải

(nguyên Giám đốc Trung tâm truyền thông dinh dưỡng)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top