Nhét thêm chì vào người cho đủ cân
Giờ đây, khi đã là một bác sĩ, chuyên gia hàng đầu về điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch, GS.TS Phạm Minh Thông nhớ lại những ngày “bén duyên” với nghiệp cứu người.
Ông cười nhớ lại: “Năm 1976, tôi – một cậu học trò gầy ốm quặt quẹo đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội chỉ với mục tiêu chăm sóc sức khoẻ cho những người thân trong gia đình.
Ngày nhập học, bố với bác tôi thấy tôi thiếu cân, sợ người ta đuổi nên đúc thêm chì nhét vào trong người tôi. Khi ấy tôi chỉ cao chỉ 1m50, nặng chưa đến 40kg”.
Tốt nghiệp đại học, ông thi đỗ vào học nội trú ngành điện quang và cũng là người đầu tiên của ngành điện quang được lựa chọn đi du học Pháp.
Ảnh minh họa
Cuối những năm 90 thế kỷ trước, nước ta chưa có điện quang can thiệp về thần kinh. Rất nhiều bệnh nhân có bệnh lý về thông động mạch cảnh xoang hang, mắt người bệnh lồi ra, rất đau đớn.
Biện pháp xử lý duy nhất chỉ có cách là phải mổ, nhưng cách này lại thường gây tai biến. Ông nhận thấy mổ là giải pháp đã lạc hậu. “Xu thế chung của thế giới là phòng bệnh, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là điều trị bằng các kỹ thuật ít xâm lấn.
“Nút mạch” là một trong những kỹ thuật như thế. Đây là kỹ thuật đưa một ống rất nhỏ, độ 0,5mm, đi theo động mạch đùi lên não, đưa vào trong mạch máu bị vỡ để bít lại”, GS.TS Phạm Minh Thông kể.
Nhớ lại thời gian đầu triển khai các kỹ thuật can thiệp nội mạch, GS.TS Phạm Minh Thông tươi cười kể: “Khi ấy rất khó khăn vì không có dụng cụ. Do thiếu dụng cụ nên tôi đều phải đi xin.
Nhiều người vẫn cười tôi vì người khác đi nước ngoài đều mang về rất nhiều đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, còn trong vali của tôi thì chỉ thấy dụng cụ y tế. Chúng tôi xin các dụng cụ đó của các bạn nước ngoài để có cái mà làm”.
Người bệnh cũng là người thân
Ngoài khó khăn về điều kiện vật chất còn có khó khăn về mặt thời gian. “Nút mạch” là kỹ thuật đòi hỏi người bác sĩ có kiến thức chuyên môn vững vàng và đặc biệt cần có tay nghề.
Các thao tác phải vô cùng chính xác bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, các dụng cụ có thể đi ra ngoài lòng mạch, gây biến chứng chảy máu, nguy hiểm cho người bệnh.
Rất nhiều lần ông làm việc đến 1 – 2 giờ sáng cùng các chuyên gia nước ngoài. Trưa ăn tạm chiếc bánh mì tại phòng rồi lại lao vào làm việc ngay.
Tận tâm cứu chữa người bệnh, GS.TS Phạm Minh Thông được rất nhiều bệnh nhân nhớ đến. Sự tri ân của bệnh nhân và người nhà của họ với ông khiến ông rất xúc động.
Một lần, ông điều trị cho một cháu nhỏ học cấp 2 bị cao huyết áp. Cháu bé xanh gầy, bị hẹp động mạch thận. Ông phải trực tiếp nong động mạch thận. Cháu bé khỏi bệnh, lớn nhanh, rồi cháu đi học đại học, lấy chồng, trở thành cô gái rất xinh đẹp. Bố của bệnh nhân làm nghề buôn cua, cứ hôm nào xuống Hà Nội là lại mang cua tặng bác sĩ.
Đó là những ca đầu tiên mà GS.TS Phạm Minh Thông bắt đầu triển khai kỹ thuật mà bệnh nhân khỏi hoàn toàn. GS.TS Phạm Minh Thông luôn chăm chú giải thích, hướng dẫn, ân cần với người bệnh như với người thân trong gia đình.
Giờ đây, hằng năm chỉ tính riêng Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 200 bệnh nhân phình mạch não được điều trị thành công, hàng trăm bệnh nhân khác được điều trị thông động mạch cảnh xoang hang, hàng trăm bệnh nhân đột quỵ não được chẩn đoán và được điều trị tiêu sợi huyết hay lấy huyết khối kịp thời, cứu sống bệnh nhân đột quỵ và không để lại di chứng.
Hà Bình