Lại bảo lo sẵn đi để con cái sau này khỏi vất vả mỗi lần về thắp hương. Ôi chao, đến đời con cái biết chúng nó có còn ở đây không mà về. Nếu chúng sống ở nước ngoài thì ở đâu cũng xa xôi đến thế mà thôi. Đến ngày giỗ chắc gì đã nhớ.
Con người ta đúng là lắm thứ phải lo, lo cho hôm nay làm sao cho vừa sống cho đàng hoàng, tử tế, lo cho tương lai của con cái sao cho mai sau nên người, lo cho quá khứ là phần mộ của ông bà tổ tiên, lại lo cho cả cái sự chết của mình sau này nữa.
Hình minh họa.
Chẳng ai có kinh nghiệm về cái chết để biết sau đó sẽ thế nào? Người có bia mộ to đẹp có sung sướng hơn người mang tro cốt rải ra sông ra biển không? Hay đã về cõi hư vô thì đều như nhau, đều chỉ còn tồn tại trong sự tưởng vọng của người sống mà thôi.
Vừa rồi tôi về quê xây mộ cho ông bà, cạnh đó là một dãy bia mộ ghi các cụ tổ, tằng tổ của dòng họ. Nghe xa lắc xa lơ, vì đời chúng tôi thì chỉ biết đến ông bà mình là cùng, còn xa hơn nữa là một cõi mù mịt, khó phân biệt được.
Rồi đến đời mình nằm xuống, cùng lắm thì đời cháu may ra còn nhớ, chứ sau đó chúng cũng nhập mình vào với một danh từ chung là tổ tiên mà thôi. Vậy nên bia mộ dù có nguy nga đến mấy rồi cũng đến lúc bị lãng quên. Cái còn lại vĩnh viễn chính là hư không.
Ai rồi cũng sẽ về với cõi hư không ấy. Có thể chuẩn bị gì cho mai sau? Tôi nghĩ bia mộ cũng như điếu văn là phải do hậu thế tưởng nhớ đến mình mà viết nên, mà dựng lên.
Một đời người sống tử tế, trung thực, luôn yêu thương, tốt bụng với những người xung quanh, thì đến khi nằm xuống chỉ cần mỗi người đến viếng nhắc nhở rằng vừa nằm xuống đây là một người tốt. Thế là đủ.
Và con cháu mà ta đã hết lòng nuôi dưỡng và dạy dỗ, sẽ nhớ đến công lao của cha mẹ, ông bà sẽ luôn tưởng nhớ đến ta. Và sự tưởng nhớ không gì bằng là tiếp tục gìn giữ và lưu truyền cái nền nếp, truyền thống tốt đẹp của gia đình mình.
Minh Anh