Chuyện đồng chí Đỗ Mười vượt ngục Hỏa Lò

Nhóm đi đầu tiên gồm 4 đồng chí Trần Tử Bình, Trần Quang Hoà, Nguyễn Tuân, Phan Lang. Đồng chí Đỗ Mười được phân công đi nhóm thứ hai cùng với đồng chí Trần Văn Cử, Nguyễn Cao Đàm.

Đồng chí Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 02 tháng 02 năm 1917 tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội. Năm 1936, đồng chí tham gia tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận Bình dân và được kết nạp vào Chi bộ Đảng Đông Phù vào năm 1939.

Tháng 10 năm 1942, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam trong khi đang hoạt động cách mạng và bị giam tại trại giam Hà Đông. Đầu năm 1943, thực dân Pháp chuyển đồng chí về giam tại Nhà tù Hỏa Lò. 

Trong nhà tù Hỏa Lò, mặc dù phải sống trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt nhưng với ý chí của người cộng sản, đồng chí Đỗ Mười đã tích cực cùng anh em tù chính trị tự tổ chức cuộc sống. Đồng chí tham gia hoạt động trong Ban Quản lý sinh hoạt nhà tù.

Đây là một tổ chức do đại hội đại biểu tù nhân bầu ra, bao gồm các đồng chí cốt cán của tù chính trị, có nhiệm vụ lãnh đạo, điều khiển các tiểu ban như: Tiểu ban trật tự, vệ sinh (chăm lo trật tự chung của trại và giải quyết những bất hòa, xích mích); Tiểu ban giáo dục (chăm lo việc học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn cho tù nhân); Tiểu ban kinh tế - tài chính (quyên góp tiền và quà của người nhà tù nhân gửi vào); Tiểu ban văn nghệ (biểu diễn văn nghệ, ngâm thơ…); Tiểu ban ngoại giao (làm nhiệm vụ quan hệ với giám ngục, lính gác, viên chức trong nhà tù để kiến nghị, thuyết phục và đấu tranh để họ chấp nhận những yêu cầu của tập thể tù nhân) …

Mặc dù bị giam cầm trong bốn bức tường của địa ngục Hoả Lò, nhưng đồng chí Đỗ Mười cùng anh em tù cộng sản vẫn tìm mọi cách để nắm bắt và  theo dõi tình hình cách mạng bên ngoài: Tin quân đội Liên Xô đã giành thắng lợi quyết định trên chiến trường Đông Âu; tin phát xít Đức sắp đến ngày tận số; tin phát xít Nhật đang lung lay tận gốc…càng làm đồng chí và cho anh em tù chính trị phấn khởi và tin vào cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Cách mạng càng phát triển thì vấn đề vượt ngục của các chiến sĩ cộng sản ở nhà tù Hỏa Lò lại càng trở nên cấp bách. Đồng chí Đỗ Mười và anh em tù chính trị ngày đêm chuẩn bị mọi mặt để khi có thời cơ là nhanh chóng trở về với Đảng, với nhân dân.

Mong muốn của đồng chí Đỗ Mười và anh em tù chính trị đã trở thành hiện thực. Tối ngày 9 tháng 3 năm 1945, súng nổ vang trời, đèn điện thành phố vụt tắt, ngoài sân nhà tù tiếng chân người chạy huỳnh huỵch.

Anh em tù nhân đập vào tường gọi nhau: Nhật, Pháp bắn nhau rồi! Nhật, Pháp bắn nhau rồi! Lập tức ở các buồng giam, đều có những cuộc trao đổi ý kiến giữa các đảng viên cộng sản với anh em kiên trung để nhận định tình hình.

Tất cả anh em tù chính trị đều thống nhất: Triệt để tranh thủ tình hình còn rối ren, Nhật chưa đứng vững chân, mọi tổ chức của chúng còn rời rạc, lỏng lẻo phải khẩn trương tạo cơ hội để vượt ngục.

Ngày 10 tháng 3 năm 1945, khi quân Nhật vào mở cửa trại giam, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng 8 đồng chí khác nhanh chóng ra phòng thuốc, giả vờ ốm, nằm đắp chăn và lợi dụng quân Nhật sơ hở các đồng chí sang được trại giam thường phạm.

Ngay trong đêm hôm đó, cuộc vượt ngục bằng cách trèo tường được thực hiện nhưng không thành công, đồng chí Trần Đăng Ninh và một số đồng chí thoát được, số còn lại bị quân Nhật  phát hiện, bắt lại.

Kế hoạch trèo tường vượt ngục bị lộ, đồng chí Đỗ Mười và anh em tù chính trị suy nghĩ là dù có phải vất vả phải hi sinh cũng phải tìm mọi cách để thoát ra cho bằng được.

Trưa ngày 11 tháng 3 năm 1945, lợi dụng tình hình nhà tù đang nhốn nháo, đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Trần Tử Bình, đồng chí Nguyễn Văn Cử, đồng chí Nguyễn Huy Hòa, đồng chí Nguyễn Cao Đàm và một số đồng chí khác đã kịp thời trà trộn vào đám tù thường, tìm quần áo của tù nhân gửi trong kho mặc vào, lấy vải che đầu lẻn sang trại J (trại giam trẻ em) và vô tình phát hiện ra một nắp cống.

Các đồng chí hội ý nhanh và cử hai đồng chí Hoà và Cử chui xuống lòng cống thăm dò, các đồng chí còn lại đứng trên canh phòng. Độ 30 phút sau hai đồng chí lên cho biết là ở dưới ấy tối lắm nhưng cũng tìm thấy được lối ra.

Kế hoạch chui cống được sắp xếp, bàn bạc bạc kỹ lưỡng, đúng 19giờ 30 phút, ngày 12 tháng 3 năm 1945, đồng chí Trần Tử Bình hạ lệnh mở nắp cống, cuộc vượt ngục tập thể của tù chính trị nhà tù Hoả Lò bắt đầu. Nhóm đi đầu tiên gồm 4 đồng chí Trần Tử Bình, Trần Quang Hoà, Nguyễn Tuân, Phan Lang. Đồng chí Đỗ Mười được phân công đi nhóm thứ hai cùng với đồng chí Trần Văn Cử, Nguyễn Cao Đàm.
Việc chui cống vô cùng khó khăn và vất vả, nước trong cống đen đặc, hôi thối, đầy rác rưởi, có đoạn bị thu hẹp lại, đồng chí Đỗ Mười và các đồng chí cùng đi phải lách mình mới qua được.

Lên khỏi cống, nhóm của đồng chí Đỗ Mười đi nhanh ra phía bờ sông, băng qua bãi pháo của Nhật, men theo đường đê và đi thẳng về nhà đồng chí Đỗ Mười ở Đông Phù, Thanh Trì. Tại đây, các đồng chí chuẩn bị và phân công nhau tìm liên lạc với Đảng.

Đồng chí Đỗ Mười được phân công tìm về làng Vạn Phúc để bắt liên lạc với cơ quan Xứ ủy, tại đây đồng chí gặp được đồng chí Nguyễn Văn Trân và bắt tay ngay vào tuyên truyền vận động quần chúng và chỉ đạo cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945.

Cuộc vượt ngục bằng đường cống ngầm trước sân Trại J - nhà tù Hỏa Lò của tập thể tù chính trị trong đó có đồng chí Đỗ Mười đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm tiêu diệt những người cộng sản, tiêu diệt phong trào cách mạng của nhân dân ta.

Thắng lợi của cuộc vượt ngục này là thắng lợi của ý chí cách mạng kiên cường, của lòng quả cảm và sáng tạo của các chiến sỹ cộng sản trong ngục tù thực dân.

Kết quả của cuộc vượt ngục có tác dụng to lớn trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ lãnh đạo của Đảng trong Khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.

-----------------------

Nguồn: Di tích lịch sử Nhà tù Hoà Lò 

- Dấu ấn thời gian - Hồi ức trong ngục tù đế quốc, Ban Tuyên giáo, Phòng Văn hóa thông tin, Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Thanh Trì, 2003.
- Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Diệu Ân, Nxb Dân Trí, 2011.
- Những chiến sỹ cộng sản ưu tú và cơ sở cách mạng của Hà Nội, tập 1), Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2006.
- Trần Đăng Ninh, con người và lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, 2006.

Theo infonet.vn
back to top