Lính khố xanh ở nhà tù Sơn La.
Và nhà tù Sơn La, một hang ổ của tội ác, kìm kẹp và bất nhẫn. Thực dân Pháp đã lợi dụng quyền Bảo Hộ để áp đặt, giam cầm, đánh đập, thủ tiêu những người tù chính trị. Tội ác ấy đã bị chúng bịt kín mỗi lần đoàn báo chí và nhân quyền quốc tế ghé qua.
Năm 1952, để hoàn toàn xóa sạch những dấu vết tội ác, chúng cho máy bay ném bom phá hủy nhà tù. Nhưng tội ác vẫn còn đấy, những bức tường đổ nát vẫn luôn là nhân chứng sống mãi với thời gian.
“Hành động của chúng ta”
Ngày 12/3/1945 Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đó là kim chỉ nam cho mọi hành động trong cao trào kháng Nhật cứu nước dẫn tới những thắng lợi trực tiếp của Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Tại nhà tù Sơn La, những người tù cộng sản theo dõi chặt chẽ những diễn biến của quân Nhật. Mặc dù Pháp cố bưng bít, nhưng tin Nhật đảo chính Pháp vẫn lọt vào nhà ngục. Trước tình hình đó, những người tù cộng sản họp lại thống nhất phương án thoát ngục.
“Trong 1013 lượt tù nhân bị giam cầm ở nhà tù Sơn La, hiện Bảo tàng Sơn La đã sưu tầm và lưu giữ được 250 hồ sơ gốc của tù nhân, danh sách 63 liệt sĩ, danh sách 978 tù nhân, danh sách 121 người đã được rèn luyện thử thách ở nhà tù Sơn La và sau này giữ chức vụ cao của Đảng, Nhà nước, và các bộ ngành”, bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La.
Tiếp xúc với một số lính cai ngục có cảm tình, những người tù cộng sản biết rõ âm mưu của Pháp là biến nhà tù Sơn La thành lực lượng chiến đấu chống Nhật lâu dài.
Sau khi phân tích tình hình, thẩm định nguồn tin báo từ các cơ sở bí mật của Sơn La, chi bộ nhà tù đã thống nhất: Hợp tác với Pháp để chống Nhật nhưng tranh thủ thời cơ tự do, tìm cách về với phong trào cách mạng; yêu cầu thực dân Pháp thả toàn bộ tù chính trị.
Đại diện nhà ngục đã cử 18 đồng chí làm nhiệm vụ “hợp tác” với Pháp. Pháp đã dùng 18 người này vào nhiệm vụ quân báo đi trước điều tra tình hình Nhật. 18 đồng chí đã lần lượt lợi dụng điều ấy, khéo léo thoát khỏi sự kiểm soát của Pháp về với cách mạng.
Dù cố gắng phá hủy nhà tù nhưng chúng không thể xóa hết những gì đã gây ra.
Di chuyển tù nhân
Trước tình hình sôi sục trong cả nước, chiều 17/3/1945 Giám ngục Lơ Bông buộc phải thông báo lệnh di chuyển tù nhân. Tuy ngoài mặt Lơ Bông tuyên bố với ban đại diện nhà ngục sẽ thả tự do cho các tù chính trị nhưng âm mưu thâm độc bên trong là chuyển toàn bộ tù Sơn La về trại giam Nghĩa Lộ.
Trên đường đi đến đỉnh đèo Khâu Phạ, nghe tin các tù nhân Nghĩa Lộ đã phá còng tự giải thoát, Giám ngục Lơ Bông và tên Tây Đoan sợ hãi bỏ chạy để đoàn tù hoàn toàn tự do.
Tình hình trước mắt dao động, nhưng ban đại diện nhà tù Sơn La trấn an mọi người và thống nhất không ai được bỏ đội hình. Các tù chính trị được phân công gặp gỡ để tuyên truyền và thuyết phục binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Ai theo cách mạng thì mang súng đi cùng, ai không theo thì trao súng cho cách mạng và được tự do.
Đến Tú Lệ, ban đại diện tuyên bố từ đây tất cả tù nhân đã thoát khỏi ngục tù. Các nhóm được cử người bắt liên lạc với Xứ ủy và các tổ chức địa phương. Gần 200 Đảng viên đã về với cơ sở gây dựng phong trào tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Trân, cựu tù nhân nhà tù Sơn La nhận xét: “Chi bộ Đảng nhà tù Sơn La đã trở thành nơi ươm mầm những hạt giống đỏ đầu tiên của phong trào cách mạng. Từ nhà tù này, ánh sáng cách mạng đã tỏa sáng khắp núi rừng Tây Bắc”.
Xóa dấu vết
Bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La dẫn chúng tôi đi một vòng quanh những bức tường mà mấy chục năm trước đã thành những đống gạch. Bà Linh bảo: Nhà tù Sơn La 2 lần bị ném bom. Lần 1 là Pháp muốn xóa đi tội ác trước dư luận thế giới. Lần 2 do đế quốc Mỹ ném bom năm 1965 hòng phá hủy thị xã Sơn La”.
Trên đường di chuyển tù nhân từ Sơn La sang Nghĩa Lộ, khi biết các tù nhân Nghĩa Lộ đã phá còng, Giám ngục Lơ Bông và Tây Đoan chạy về Sơn La. Tại đây, Lơ Bông nhận được mật lệnh của Công sứ Sơn La phải phá hủy toàn bộ nhà tù trên đồi Khau Cả.
Sau khi bàn bạc, Lơ Bông cho máy bay ném bom phá hủy nhà tù. Nhưng vì tình hình lúc bấy giờ rối ren, quân Pháp đang rúm róm sợ quân Nhật nên chỉ làm cho qua. Dù chúng muốn xóa đi dấu vết tội ác – địa ngục trần gian, nhưng vài quả bom không thể xóa hết những khối đá kiên cố của nhà tù.
Bà Linh cho biết, năm 1980 Bảo tàng Sơn La tiến hành phục chế lại nhà tù, san lấp hố bom, xây lại một số đoạn tường rào bao quanh. Năm 1994 phục chế lần hai đã hoàn thành hai tháp canh, nhà bếp, trại giam lớn, gia cố lại tầng hầm.
“Chúng tôi muốn phục chế lại toàn bộ đúng nguyên trạng ban đầu nhưng không thể sưu tầm được đầy đủ hồ sơ và những bản vẽ chi tiết. Khi không đủ cơ sở khoa học để khôi phục lại nguyên trạng thì đành để các bức tường đổ nát để khách tham quan có thể hình dung được cấu trúc của toàn khu ngục Sơn La”, bà Linh cho biết.
Ngắm kỹ lại chợt nghĩ để nguyên trạng như hiện giờ lại hóa hay. Khách trong và ngoài nước đến với di tích nhà tù Sơn La sẽ dễ dàng hình dung được quang cảnh của một địa ngục trần gian ngày ấy, mà còn tự hiểu được bản chất của thực dân xâm lược khi cố tình xóa đi dấu vết tội ác đã gây ra.
Xin thành kính thắp nén nhang trước đài tưởng niệm để tỏ lòng biết ơn các anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập.
“Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa việc đó lại chứng tỏ rằng, chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng. Mà trái lại, nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn”, (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về những người tù Cộng sản bị giam cầm trong nhà tù Sơn La).
Trần Hòa