Chuyện chưa kể về nhà tù Sơn La – Kỳ 4: Xóa “Cấm vượt ngục”

Cấm vượt ngục” là một chủ trương của chi bộ nhà tù Sơn La đề ra sau cuộc vượt ngục bất thành của 2 người tù chính trị. Thế nhưng, đồng chí Tô Hiệu đã dũng cảm xóa bỏ chủ trương này.

Có lẽ, không chỉ với riêng tôi mà với tất cả những ai đến thăm nhà tù Sơn La khi lướt qua cánh cổng Giám binh Pháp rồi vào khuôn viên nhà tù xưa, ngoài những thứ đá tảng, gạch vỡ lẫn với cùm sắt thì thứ đầu tiên nhìn thấy là cây đào Tô Hiệu.

Cây đào Tô Hiệu.

“Cây đào Tô Hiệu” đã trở thành một thuật ngữ, một thành ngữ không phải để chỉ về một giống cây thường tình. Đó là máu, là hình ảnh, là ý chí của anh Tô Hiệu gầy còm, lao phổi ngày nào đang lê lết bên bức tường nhà lao trên đồi Khau Cả.

Chuyện về anh Tô Hiệu thì nhiều người đã viết, người ta gọi đấy là “tinh thần Tô Hiệu”. Nhưng quả thật, tinh thần của anh không chỉ gói gọn ở phạm trù cây đào kia. Tinh thần của anh còn là tinh thần tập thể, dám nói dám làm và làm thật quyết liệt.

Chuyện cũ nhắc lại

Lặng ngồi bên gốc cây đào cạnh bức tường đá cao của ngục Sơn La, tôi không khỏi băn khoăn về những tranh luận trước đây, rằng đó có thực sự là cây đào do anh Tô Hiệu trồng hay không? Nhưng không quan trọng lắm về chi tiết ấy. Chỉ biết rằng, ngay kề bên gốc đào là phòng giam anh Tô Hiệu.

“Mình biết chắc mình sẽ chết sớm hơn mọi người, vì vậy mình phải tranh thủ thời gian để chiến đấu phục cụ cho Đảng”, lời anh Tô Hiệu nói với các đồng chí trong chi bộ nhà tù Sơn La.

Phòng giam thiết kế lạ. Lạ mà tàn ác. Lạ mà ghê tởm. Phòng giam ấy thực chất là một xà lim có hình tam giác, rộng chưa đầy 4m2. Xà lim kiên cố, bức tường nặng chình chịch những đá với gạch. Gờ cánh cửa sắt vẫn còn đấy, bệ xí nổi cũng vẫn còn như xưa. Nhìn thế, tận mắt thấy chẳng ai không lặng đi về những gì anh đã phải chịu đựng khi bệnh tật.

Đây chính là phòng giam anh Tô Hiệu.

Chuyện về anh, ở nhà ngục Sơn La này chẳng ai rõ hơn cụ Lò Văn Sôn. Cụ Sôn biết rõ những tháng ngày anh Tô Hiệu chịu giam cầm vì khi ấy, cụ là lính cai ngục nhà tù Sơn La. Cụ là người Thái, vẫn nằm trong kế hoạch “lấy người Việt trị người Việt” của thực dân nên cụ được sung vào đội quân cai tù.

Có những buổi, cai Sôn được lệnh thượng cấp đưa anh Tô Hiệu ra ngoài phơi nắng. Từ đây, những buổi chuyện trò dù đứt quãng hay liền mạch cũng được cai Sôn nhớ rõ.

Cai Sôn biết rõ người tù mà mình đang canh giữ kia hơn mình chục tuổi, từng bị kết án khổ sai 4 năm ở Côn Đảo. Từng bị giam cầm trong hầm xay lúa với một người cũng nổi tiếng không kém là Tôn Đức Thắng. Chính tại thời gian ở Côn Đảo, anh Tô Hiệu đã bị nhiễm bệnh lao phổi.

Mãn hạn 4 năm trở về quê hương. Thực dân Pháp những tưởng người thanh niên trẻ tuổi đã không còn ý chí tranh đấu. Nhưng không, anh vẫn tiếp tục hoạt động khắp nơi. Khi bị bắt, Pháp mới tá hỏa khi biết anh đang giữ chức Bí thư thành ủy Hải Phòng và là Xứ ủy viên Bắc Kỳ.

Chúng kết án anh 5 năm khổ sai và chọn ngục Sơn La để quyết tâm thủ tiêu mọi ý chí đấu tranh của một người cộng sản kiên trung nhất.

Xóa “Cấm vượt ngục”

Chủ trương “Cấm vượt ngục” do chi bộ nhà tù Sơn La đưa ra sau một sự kiện gây chấn động lúc bấy giờ. Đó là sự kiện vượt ngục không thành công của hai người tù chính trị người tỉnh Cao Bằng là Đàm Văn Lý và Đàm Văn Sàng.

Nhớ lại lời của Công sứ Sơn La Xanh Pu Lốp nói với những người tù cộng sản: “Đừng tìm cách trốn thoát, bởi thổ dân sẽ đem đầu các anh về để đổi lấy muối” và chúng treo giải cho người địa phương rằng, ai lấy được đầu một tù nhân cộng sản trốn thoát sẽ được thưởng 20 đồng bạc trắng và 5 tạ muối.

Tấm bia đá mang tên anh Tô Hiệu do các tù chính trị khắc năm 1944.

Thủ đoạn mị dân tàn bạo này của chúng đã có tác dụng khi hai tù chính trị vượt ngục. Sau khi vượt ra khỏi ngục Sơn La, anh Đàm Văn Sàng mất tích, anh Đàm Văn Lý bị chúng bắt đem về chặt đầu và để 3 ngày trên một cái hòm hòng làm nhụt chí những tù nhân chính trị đang bị giam hãm trong tù.

Nhận thấy chủ trương “Cấm vượt ngục” mà chi bộ đề ra không hợp lý lại có phần “dính bẫy” thủ đoạn của thực dân nên anh Tô Hiệu đã xóa bỏ chủ trương này.

Anh Tô Hiệu nói với mọi người: “Vượt ngục là điều rất cần, không đưa được ra nhiều thì đưa ra ít, có thất bại thì ta làm lại, còn hơn là ngồi im, biến nhà tù Sơn La thành trường học, nhưng cung cấp cán bộ cho phong trào lúc này là rất cấp bách…”

Từ khi chủ trương “Cấm vượt ngục” được xóa bỏ, các anh em tù chính trị không ngừng tìm khe hở và những cách tốt nhất, hiệu quả nhất để có thể vượt ngục thành công. Đó cũng là tiền đề cho một cuộc vượt ngục huyền thoại sau này mà tôi sẽ kể sau.

10 giờ sáng 7/3

Dù thân mang bệnh nặng nhưng anh Tô Hiệu vẫn không nề hà bất cứ một trọng trách nào mà chi bộ nhà tù Sơn La giao phó. Đối với anh em tù chính trị lúc bấy giờ, anh Tô Hiệu gần như thủ lĩnh tinh thần. Anh giúp đồng đội vực dậy tinh thần và ý chí chiến đấu.

Từ tháp canh, lính coi ngục bao quát toàn bộ nhà tù để kiểm soát tù nhân.

Qua lời kể của cụ Lò Văn Sôn, dù anh Tô Hiệu bị bệnh nặng nhưng anh vẫn đấu tranh đến cùng mà không sợ đòn roi của cai ngục. Một con người gầy còm, thân mang bệnh, nhiều khi lết đi không nổi lại khiến chính những người lính canh ngục phải nể phục.

Tháng 2/1944 sức khỏe của anh quá yếu nên chi bộ đã đấu tranh đưa anh vào trong một kho xép gần trại ba gian để tiện chăm sóc và để anh gần gũi đồng đội trong những ngày cuối đời.

Đúng 10 giờ ngày 7/3/1944, anh Tô Hiệu trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của những người đồng chí. Những giọt nước mắt tiễn đưa anh về nơi an nghỉ khiến chính những lính ngục người Việt cũng phải xúc động rưng rưng. Họ biết rằng, người tù trọng bệnh đã ra đi nhưng tinh thần sáng chói ấy vẫn còn mãi mãi trong địa ngục tăm tối này.

Chế độ ăn uống của tù nhân do Thống sứ Bắc Kỳ quy định một ngày là 2 lạng thịt; 7,5 lạng gạo nhưng chế độ này bị bớt từ nhà thầu bớt xuống, đến tù nhân chỉ còn một nắm cơm nếp nấu nhão lẫn trấu và sạn. Ngày lễ, Tết mỗi người được vài miếng thịt lợn luộc chấm muối, không có bát đũa nên anh em phải bốc để ăn.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top