Chuyện chưa kể về nhà tù Sơn La – Kỳ 2: Chiếc quan tài mở nắp

Trong tài liệu của mật thám Đông Dương lưu trữ tại Cục Lưu trữ tài liệu TW Đảng, Công sứ Xanh Pu Lốp dọa các tù nhân: “Nếu ở Hỏa Lò, các anh lo đối phó với Chính phủ thì lên tới Sơn La các anh phải lo đối phố với sốt rét”. Vì thế, ngục Sơn La được ví như chiếc quan tài mở nắp, chỉ chờ tù nhân tắt thở là đem chôn.

Mỗi phòng giam được thiết kế một kiểu khác nhau.

Lam sơn chướng khí

Đúng như lời trong bức thư mật mà Công sứ Xanh Pu Lốp gửi cho Thống sứ Bắc Kỳ, Sơn La được mệnh danh là nơi “lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc”. Địa bàn Sơn La xưa chủ yếu là rừng núi, không chỉ là nỗi kinh hoàng của tù chính trị bị đày lên đây mà còn là nỗi ám ảnh đối với chính quân Pháp.

Mùa đông với bốn bề núi đá, rừng sâu khiến cho cả vùng đất Pá Giang tê cóng đóng băng. Cái rét của chốn rừng rú không đơn thuần như cái lạnh miền xuôi, các tù nhân lại phải nằm nhà đá, thiếu thốn quần áo chăn màn, nên để chống chọi giữ lại mạng sống qua mùa đông quả là vấn đề khó khăn.

“Ngục Sơn La có những phòng giam được thiết kế cách âm một cách tuyệt đối. Đây mới là sự tàn ác tột bậc khi tù nhân bị giam trong căn phòng này sẽ bị khủng hoảng và nhanh chóng bị thủ tiêu mất ý chí. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh không ra Gốc Ổi đã có hiệu quả, và suốt thời kỳ này không đồng chí nào phải gửi xương nơi nghĩa địa Gốc Ổi”, bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Còn mùa hè, thì đỉnh điểm nhất của cái nóng lại chính là đồi Khau Cả – nơi đặt nhà tù Sơn La. Với độ cao nhỉnh hơn hẳn mặt bằng chung, nhà tù Sơn La trơ trọi giữa cái nắng gắt. Phòng chật, không cửa sổ, không lỗ thông hơi khiến cho “địa ngục trần gian” trở thành hỏa ngục thực sự.

Khí hậu khắc nghiệt đã khiến không chỉ các tù nhân mà ngay cả những người dân thường cũng mắc phải các chứng bệnh phù thũng, kiết lỵ, thương hàn và đặc biệt là bệnh sốt rét.

Thực dân Pháp đã lợi dụng khí hậu để tiêu diệt dần sinh lực và giết dần giết mòn tù nhân. Khi bệnh sốt rét hoành hành, không có thuốc men, không được chữa trị là lúc “chiếc quan tài mở nắp”. Chỉ cần tù nhân tắt thở là chúng đem chôn.

Ông Lò Văn Sôn (cai Sôn), người được các tù nhân giác ngộ cách mạng.

Nhà tù quái gở

Có đến ngục Sơn La, tận mắt thấy những phòng giam chật chội đã bị phá hủy vài phần, đối chiếu với những bức hình xưa còn sót lại của Sở mật thám mới thấy nơi đây là một nhà tù quái gở và đầy rẫy nỗi kinh hoàng do bọn thực dân quái thai thiết kế.

Những bức hình mà bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La cho chúng tôi xem thì các phòng giam không khác gì những “lỗ chuột”. Chúng chật chội, ẩm thấp, tối tăm và bẩn thỉu.

Tất cả các phòng giam, không phòng nào giống nhau. Mỗi cái một kiểu kỳ dị. Phòng thì hình tam giác, phòng hình vuông, phòng hình chữ nhật, phòng khác lại hình bát giác. Tất cả đều tối, nằm thì không vừa thân mà đứng thì không vừa đầu.

Toàn bộ nhà tù được xây bằng đá cùng một phần gạch, không có trần. Chúng còn gắn hệ thống cùm sắt dọc theo sàn nhà. Trong mỗi phòng giam đều có hệ thống hố xí nổi thiết kế theo kiểu tự hoại không có nắp đậy và không có nước dội.

Với lối thiết kế như vậy, mùa hè thì gió Lào, mùa đông thì sương muối đã khiến môi trường ngột ngạt tanh tao phát sinh dịch bệnh. Đồng chí Trần Huy Liệu từng trải những tháng ngày cầm tù trong ngục Sơn La đã viết hai câu thơ: “Nằm bên nhà xác xa vài bước/Ngửi cứt cầu tiêu đủ bốn mùa”.

Hàng ngày các tù nhân cộng sản đều họp bàn đấu tranh “không ra Gốc Ổi”.

Mị dân bằng muối

Các tù nhân chính trị tại ngục Sơn La không chỉ bị đày đọa và thể xác và tinh thần. Để thủ tiêu ý chí đấu tranh và ý định vượt ngục ra với bên ngoài, thực dân Pháp còn lợi dụng triệt để trình độ dân trí thấp của người dân địa phương để mị dân hòng chia rẽ, tạo hằn thù dân tộc.

Bộ phận tuyên truyền của thực dân Pháp tại Sơn La ngày ngày đến các bản làng rêu rao rằng, tù nhân cộng sản là những thảo khấu chuyên cướp của giết người. Vì dưới xuôi không có một nhà tù nào đủ sức giam giữ chúng nên phải đem lên đây quản lý.

Cụ Lò Thị Phính, 88 tuổi ở thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) cho biết: “Hồi đấy tôi còn nhỏ, vẫn nghe các thầy bên bảo hộ đến thông báo cộng sản là cướp là phỉ nên ai cũng sợ. Thậm chí họ còn nói, nếu có ai lạ nói tiếng khác với người bản địa thì phải báo ngay cho các thầy. Sẽ có thưởng bằng muối và bạc trắng”.

Giá mỗi cái đầu của tù cộng sản được Pháp đưa ra cho người dân là 20 đồng bạc trắng và 5 tạ muối. Tự tin về chiến thuật mị dân của mình, tên Công sứ Pháp nói với các tù nhân: “Đừng bao giờ tìm cách trốn, thổ dân sẽ đem đầu các anh về đổi lấy muối”.

Một bệ xí nổi của phòng giam nhà tù Sơn La.

Đấu tranh không ra… Gốc Ổi

Trước sự dã man của nhà tù Sơn La, không biết bao nhiêu tù thường phạm và cả những tù chính trị phải gửi xương ở nghĩa địa Gốc Ổi. Đây là một nghĩa địa lớn, chuyên chôn cất những tù nhân của nhà tù Sơn La, và đó cũng là nỗi ám ảnh của các tù nhân trong ngục tối đồi Khau Cả này.

Từ những năm 1936, những người tù cộng sản trong ngục Sơn La đã ra một khẩu hiệu đấu tranh vỏn vẹn 6 chữ là “Đấu tranh không ra Gốc Ổi”, nghĩa là đấu tranh để sống trong hàng ngũ, sống với Đảng, với phong trào. Cuộc đấu tranh lúc này cũng là để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ và rèn luyện cán bộ cho phong trào cách mạng sau này.

Cụ Lò Văn Sôn, dân tộc Thái, từng là lính cai ngục thời Pháp, được chi bộ nhà tù Sơn La giác ngộ theo cách mạng cho biết: “Anh em tù nhân thời bấy giờ đấu tranh ghê gớm lắm. Không chỉ đấu tranh bằng ý chí, bằng trí tuệ mà còn đấu tranh bằng phép ngoại giao, tư tưởng”.

Cùm chân tù nhân.

Theo cụ Sôn, các tù nhân đều rất yếu sức nên họ phải rèn luyện sức khỏe trong nhà tù. Nhường cơm cho nhau, chia nhau từng mảnh áo manh quần. “Bởi vì nếu không đùm bọc nhau trong trong cơn hoạn nạn tàn khốc, thì chắc chắn sẽ không một ai sống sót mà ra khỏi ngục Sơn La.

Lúc bấy giờ, tù nhân cộng sản chỉ có hai con đường để chọn: Sống hoặc ra Gốc Ổi. Sống thì buộc phải đấu tranh, bằng mọi giá và bằng mọi cách. Ra Gốc Ổi thì đơn giản, cứ buông xuôi cho cái đói cái khát, cho bệnh tật thì chỉ dăm ngày là xong”, cụ Sôn cho hay.

Tháng 5/1936 Mặt trận Dân chủ nhân dân Pháp và Đảng Cộng sản Pháp giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Hàng ngàn tù chính trị ở Đông Dương thoát khỏi nhà tù đế quốc. Ngục giam tù chính trị ở Sơn La chỉ còn một số người bị kết án nặng với 20 năm khổ sai như đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phạm Quang Lịch và một số tù Quốc dân đảng.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top