Hai cha con làm bố chánh
Thời thuộc Pháp, tỉnh Sơn La thuộc quản lý của triều đình Huế, có dinh công sứ Pháp ở thủ phủ tỉnh. Đứng đầu quan tỉnh là tổng đốc, bố chánh, án sát, dưới có các quan phủ và huyện, tri châu. Trong thời gian sau phong trào Cần Vương khi “vua Thái” Cầm Văn Thanh qua đời, Cầm Oai nối ngôi vẫn giữ chức tri châu Mai Sơn.
Tranh truyền thần bố chánh Cầm Oai.
Nhưng sau này, vì những biến động lịch sử vùng Tây Bắc, Pháp muốn hất cẳng “vua Thái” khỏi quyền trị vì dân chúng vì không lấy được người Thái đi lính trong quân đội Pháp. Thực ra, “vua Thái” vốn có quân đội riêng để bảo vệ lãnh thổ vùng biên cương, nhưng Pháp muốn có số đông người Việt trong quân đội theo sách lược “dùng người Việt trị người Việt” nên Cầm Oai khước từ cung cấp người cho Pháp.
Dăm lần bảy lượt, công sứ Pháp muốn phế bỏ Cầm Oai nhưng không thành. Với thế lực hùng mạnh, từ một tri châu, Cầm Oai trở thành bố chánh một vùng rộng lớn. Không chỉ có vậy, con rể của ông là Sa Văn Minh cũng nhậm chức bố chánh Mộc Châu.
Hai cha con cùng làm bố chánh, lại có mối giao hảo lâu đời với các thủ lĩnh và tù trưởng Tây Bắc nên Cầm Oai càng xây dựng cho mình được thế lực mạnh hơn bất cứ ai trong vùng. Sa Văn Minh sau này đã trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đôi điều về Sa Văn Minh
Sa Văn Minh vốn là thủ lĩnh người Thái ở Mộc Châu, sau này để tình hữu hảo được thắm đượm nên đã kết duyên với con gái “vua Thái” Cầm Oai. Hai cha con chia quyền quản lý ở hai vùng rộng lớn ở Sơn La.
Ngày 26/8/1945, Việt Minh tổ chức mít tinh trên đồi Khau Cả. Tin khởi nghĩa thắng lợi dồn dập bay về làm cho Mộc Châu sôi động. Tầng lớp thống trị ở địa phương hoang mang lo sợ. Lợi dụng lúc giao thời, tổ chức Đại Việt quốc gia liên minh giả danh Việt Minh kéo đến bao vây nhà bố chánh Sa Văn Minh định cướp chính quyền và giết chết bố chánh.
Bố chánh Mộc Châu, ông Sa Văn Minh.
Tuy nhiên, được tin mật báo từ Việt Minh lại có lực lượng vũ trang rất mạnh trong tay nên Sa Văn Minh kiên quyết không đầu hàng. Đến đầu tháng 9/1945, khi lực lượng quân khởi nghĩa do Đinh Công Đốc (một người bạn của Sa Văn Minh) từ Hòa Bình lên Mộc Châu giải cứu.
Quân khởi nghĩa của Đinh Công Đốc được lệnh rút về Hòa Bình nhận nhiệm vụ mới, nên ở Mộc Châu bố chánh Sa Văn Minh vẫn nắm chính quyền cai trị. Ngày 28/9/1945, Tổng bộ Việt Minh lên Mộc Châu thuyết phục Sa Văn Minh theo cách mạng. Sa Văn Minh trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên đại diện cho tỉnh Sơn La về Nhà hát Lớn Hà Nội dự họp.
Khu mỏ của “vua Thái”
Lời đồn về sự giàu có của “vua Thái” Cầm Oai quả là không ngoa. Ngoài các khoản tiền do triều đình viện trợ, Cầm Oai còn kiếm tiền từ các khu khai thác mỏ trên địa bàn Mai Sơn.
Theo ông Cầm Văn Kẻo, cháu gọi Cầm Oai là ông nội thì “vua Thái” có những khu mỏ vàng và bạc. Nhưng chính Cầm Oai cũng không quan tâm đến điều ấy mà giao cho người dưới quyền cai quản và khai thác. Cầm Oai nhậm chức bố chánh nên rất bận bịu, ngoài việc công cán ông còn phải lo thu xếp cho quân lính và đối phó với những mưu tính của Pháp.
Mộ “vua Thái” Cầm Oai bị đào bới tìm kho báu.
Nhiều tiền, lại có quan hệ rộng khắp nên con cái của “vua Thái” đều được học những trường danh tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ. Riêng căn nhà của ông ở bản Ban xã Tú Nang được xây dựng 2 tầng gồm 24 phòng, có khu để xe ngựa, xe ô tô và xe nai.
Ông Vi Văn Vần (96 tuổi) ở bản Ban còn xác nhận, trẻ con ngày xưa đi tắm suối còn nhặt được những thỏi bạc nén. Phía bên dưới còn khắc ký hiệu gia đình Cầm Oai.
Đám ma “vua Thái”
Năm 1933, ngót nghét sau 4 thập kỷ kế tục người cha trị vì Mai Sơn, “vua Thái” Cầm Oai qua đời. Một thời thịnh trị bởi những công lao đem lại yên bình cho nhân dân địa phương khiến nhiều người kéo đến phúng viếng suốt cả tháng trời.
Ông Vi Văn Vần là người được dự đám ma ấy. Cái chết của “vua Thái” khiến người Pháp đặc biệt quan tâm, họ phái những công sứ đến chia buồn và phái nhiếp ảnh gia ghi lại thời khắc tiễn biệt thủ lĩnh kiên cường của tộc người Thái Tây Bắc.
Khắp Tây Bắc, các tù trưởng kéo về. Một số nước phái đại sứ đến chia buồn. Đám ma kéo dài một tháng nên người ta phải chọn một cây gỗ lớn khoét thành quan tài. Bên trong có rải dược liệu ướp xác nên sau một tháng, thi thể “vua Thái” vẫn không phân hủy.
“Người các châu xứ Thái kéo về nườm nượp, theo tập tục hàng ngày đều giết trâu bò lợn để cúng. Các châu Mường cũng kéo về phúng viếng đem theo lễ vật thuốc phiện”, ông Vần nhớ lại.
Nhiếp ảnh gia người Pháp lúc bấy giờ là bà Conali, một nhà khảo cổ Đông Dương học có nhiều đóng góp cho khảo cổ Việt Nam đầu thế kỷ 20 ghi lại. Những tấm hình về đám ma “vua Thái” được Conali trưng bày trong một bảo tàng bên Pháp. Con cháu “vua Thái” sau này mới sưu tầm và giữ lại được cho đến ngày nay.
Sau một tháng trời phúng viếng, con cháu mới đem quan tài “vua Thái” đi hỏa táng. Tro cốt Cầm Oai được chôn gần một bờ suối bản Ban. Trên mộ ông có một cột đá cao 2m hình tứ giác ghi lại công trạng và những gì ông đã làm được trong suốt thời gian trị vì.
Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có ra nơi chôn cất “vua Thái” Cầm Oai. Chị Lò Thị Bính, người trông coi mộ dẫn chúng tôi đến. Vườn cà phê đã phủ kín khu mộ những bà vợ của Cầm Oai. Riêng mộ Cầm Oai, cột đá tứ giác bị đổ xuống. Chị Bính bảo: “Mấy kẻ xấu nghĩ dưới mộ có kho báu nên vừa rồi chúng đào trộm”.
Một trong những cuốn sách do “vua Thái” Cầm Oai viết có tên “Quan Xỏm côn” (tức Lời răn người – PV) vẫn được cộng đồng người Thái sử dụng, trong đó có những câu như sau: “Nha khửn hươn pì noong lặc sáo tê kìn/Nha pìn hìn pìn phà bón hiển/Nha xiểng tan quam lài” (dịch nghĩa: Ðừng lên nhà bạn bè, anh em trộm cắp, kiếm ăn/Ðừng leo trèo núi cao hiểm trở/Ðừng nói xấu xúc xiểm người khác).
(Còn nữa)
Trần Hòa