Vua Thái kỳ cuối: “Vua Thái” kết bạn với Tản Đà

Dòng họ Cầm thuộc dòng dõi “vua Thái” đất Sơn La rất nổi tiếng thời cuối triều Nguyễn và thời bảo hộ. Nhưng lại rất hiếm những ghi chép về dòng họ này. Chúng ta cần nhìn lại lịch sử mà xét đến những đóng góp của “vua Thái” và dòng họ Cầm cho đất nước”, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương.

Tác giả và nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương.

“Trước hết, tôi rất hoan nghênh báo KH&ĐS đã tìm hiểu và biên chép lại những chuyện liên quan đến dòng dõi “vua Thái” Cầm Văn Thanh ở Sơn La. Phải khẳng định là trước đây, Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng đã cho người in khắc về dòng họ Cầm nhưng rồi thất lạc mất nhiều. Từ thuở nhỏ, tôi đã nghe cha tôi là nhà thơ Tản Đà kể về “vua Thái” với bao nhiêu công trạng”, ông Xương cho hay.

“Vua Thái” chuộng tài

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, con trai trưởng của cố thi sĩ Tản Đà, năm nay ông Xương đã ở tuổi 96 nhưng vẫn còn nhớ được những chuyện về “vua Thái” Cầm Oai qua lời kể của người cha.

“Xét về gia đình họ Cầm ở khía cạnh lịch sử thì mới thấy rõ những công lao với đất nước. Đầu tiên là “vua Thái” Cầm Văn Thanh, một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương. Tiếp theo là Cầm Oai, trị vì giữ yên bản làng. Tiếp đó là Cầm Văn Dung với nhiều công lao hoạt động cách mạng”.

— Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương —

Ông Xương vì mộ tài, mộ tiếng của dòng họ Cầm nên sau này kết bạn với ông Cầm Văn Dung, bố chánh Mai Sơn và cũng là con trai “vua Thái” Cầm Oai. Cho nên, những chuyện được coi là thâm cung bí sử về dòng họ Cầm cũng được ông Xương thông tỏ.

“Nhà thơ Tản Đà trước có kể cho tôi nghe chuyện ông gặp “vua Thái” Cầm Oai. Vốn là Cầm Oai nghe tiếng văn thơ Tản Đà đã lâu nhưng không có dịp gặp gỡ. Nhân chuyến xuôi Hà Nội, Cầm Oai có một người bạn cũ làm án sát dưới quyền Tổng đốc Sơn Tây. Người này là bạn Tản Đà nên họ đã giới thiệu gặp gỡ nhau.

Tôi không rõ họ uống với nhau bao nhiêu bữa rượu, nhưng sau thấy Tản Đà cứ nhắc tới ông Cầm Oai suốt. Bố tôi bảo, Cầm Oai là vua của một vùng mà không hách, lại là một chân tài thực học và biết biệt nhỡn liên tài. Nhờ tầm nhìn xa trông rộng và ngoại giao mà cả một vùng Mai Sơn được yên ổn giữa thời binh loạn rối ren.

Thư chứng nhận công lao của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Bản thân ông Cầm Oai cũng là một nhà văn không danh. Ông viết sách răn người bằng tiếng Thái. Lại có những triết lý rất hay. Trong cuốn sách “Quan Xỏm Côn” tức “Lời người răn người” đã chứng tỏ tính nhân văn của “vua Thái” Cầm Oai.

Vốn chuộng tài nên sau này ông Cầm Oai còn kết giao với nhiều văn sĩ khác ở khắp nơi. Những đợt đi kinh lý dưới vùng xuôi, bao giờ ông Cầm Oai cũng cho lính đi mời bạn bè trí thức tụ họp ở một nơi nào đó.

Tôi nhớ khoảng những năm 1930, khi ấy ông Cầm Oai cũng yếu lắm rồi. Đận ấy có việc qua Hà Nội và gặp Tản Đà, ông Cầm Oai có hứa nếu ông giời còn để cho được sống thì nhất định ông sẽ cung tiền cho mấy anh em dưới Hà Nội mở tòa báo. Đến năm 1933, tờ An Nam tạp chí bị đình bản, cũng là năm ông Cầm Oai qua đời”, ông Xương cho biết.

Ông Dung là người có công

Vốn mến mộ dòng họ Cầm của “vua Thái” nên sau này, khi ông Nguyễn Khắc Xương tham gia vào Ban tuyên truyền xung phong do nhà báo Nguyễn Hữu Đang phụ trách và có thời gian lên Tây Bắc đã gặp gỡ ông Cầm Văn Dung.

“Khi ấy ông Dung đã trốn khỏi nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội và về Tây Bắc hoạt động cách mạng. Sau 1945, tôi và ông Dung gặp nhau tại Sơn La. Không ai tin một bố chánh như Cầm Văn Dung lại bị Pháp bỏ tù. Cũng ít người tin một bố chánh của dòng dõi “vua Thái” lại chịu ra tay hợp tác giúp Đại tướng Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh và những người tù chính trị thoát ngục.

Ông Sơ và Huân chương kháng chiến của người cha.

Sau này khi đã quen thân, tôi có hỏi ông Dung: Nếu không có cách mạng, ông có làm bố chánh Mai Sơn nữa không? Ông Dung trả lời: “Làm vua, làm quan đâu phải việc xấu. Như ông nội tôi Cầm Văn Thanh là vua một vùng mà bất hợp tác với Pháp, theo vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Quang Bích giết giặc. Nếu không có cách mạng thì tôi sẽ vẫn làm bố chánh. Nhưng cách mạng đến rồi thì sao lại không tham gia mà làm cho Tây Bắc phồn thịnh”.

Thế rồi sau này, khi tôi về Hà Nội, rồi Thái Bình và Vĩnh Phú hoạt động thì ông Dung vẫn ở Tây Bắc. Với uy tín của dòng họ Cầm, ông Dung thuyết phục được khá nhiều người tham gia Việt Minh. Lúc thì ông hoạt động công khai, lúc thì hoạt động bí mật. Có thời gian ông Dung còn giữ chức chủ tịch khu tự trị Tây Bắc.

Năm 1970, tôi gặp lại ông Cầm Văn Dung lần cuối. Tôi có hỏi ông về quá khứ, về cuộc sống hiện tại, ông không nói gì nhiều, chỉ bảo hoạt động cách mạng là để góp phần nhỏ bé vào công cuộc đất nước thanh bình, thoát cảnh nô lệ. Hình như ông làm việc không bao giờ để người khác phải nhớ đến, để báo đáp hay tri ân.

Đừng để người có công phải tủi

Theo thông tin từ ông Cầm Văn Kẻo, con trai ông Cầm Văn Dung, thì mặc dù là người tổ chức cho các tù chính trị vượt ngục tại Hỏa Lò (Hà Nội), rồi tham gia cách mạng. Thậm chí, ông Cầm Văn Dung còn là một trong những nhân vật góp phần thuyết phục bố chánh Mộc Châu – Sa Văn Minh, “vua Mèo” Vương Chính Đức đi theo cách mạng.

Tuy nhiên, hầu như những công lao mà ông Cầm Văn Dung không được nhớ tới. Thậm chí, khi con cháu ông Dung làm hồ sơ liên quan đến chính sách người có công thì cũng không được duyệt.

Ngay cả những bức thư của Đại tướng Văn Tiến Dũng xác nhận cũng không có tác dụng. Theo ông Kẻo: “Người ta cho rằng, ông Dung là bố chánh, là chức sắc chế độ phong kiến. Làm cái gì đâu mà quen biết với Đại tướng Văn Tiến Dũng. Làm gì đâu mà tổ chức cho các tù chính trị vượt ngục”.

Và mặc dù ông Cầm Văn Dung qua đời vào năm 1978 khi đang đương nhiệm chức danh ủy viên Ủy ban TW MTTQ, Phó chủ tịch UB MTTQ tỉnh Sơn La. Lễ tang của ông Cầm Văn Dung được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức tại trụ sở Ủy ban MTTQ tỉnh Sơn La trên đồi Khau Cả.

Tại lễ tang ông Dung có rất nhiều đoàn thể, cán bộ trung ương và địa phương đến phúng viếng, tưởng nhớ một người có công với cách mạng. Ấy vậy, ngày nay những công lao ấy vẫn như bị phủ mờ.

Ông Kẻo cho rằng: “Có lẽ, bố tôi từng là bố chánh, lại là con của hai thủ lĩnh người Thái Tây Bắc, phụng sự cho chế độ phong kiến nhà Nguyễn nên người ta giữ quan niệm thủ cựu, làm khó dễ cho gia đình”.

“Ông Dung đã giúp đỡ các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh trong thời gian bị tra tấn rất tàn khốc trước khi bị kết án. Ông đã tranh thủ được các tên gác của Sở mật thám bằng đãi ăn, uống, tiền đánh bài thường vào buổi tối khi bọn Pháp hết giờ về nhà” (Trích thư của Đại tướng Văn Tiến Dũng).

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top