“Vua” sáo Mông

Từ mười mấy năm trước, Lê Văn Quảng ở Chiềng Sinh – Tp Sơn La, tỉnh Sơn La đã vang danh khắp vùng Tây Bắc bởi tiếng sáo Mông vừa ngọt vừa ấm lại vừa da diết, phóng khoáng. Anh được phong tặng danh hiệu nghệ nhân không chỉ bởi tài thổi sáo mà còn là người chế tác sáo Mông nổi tiếng nhất Sơn La.

“Gọi tôi là A Quảng”

Thực tình nghe danh “vua” sáo Mông Lê Văn Quảng đã lâu, nhưng vừa rồi qua sự giới thiệu của một nhà nghiên cứu dân tộc học, chúng tôi mới có dịp gặp anh tại Sơn La.

A Quảng đã có 45 năm gắn bó với sáo Mông

Đầu câu chuyện, Lê Văn Quảng đã bảo: “Gọi tôi là A Quảng, mình tuy không phải người Mông nhưng phong tục người Mông đã đi vào lòng mình từ lâu lắm rồi, không nhớ nữa”.

Thì ra, A Quảng không phải người Mông, càng không phải người Sơn La bản địa. Anh sinh ra ở đất Tổ Hùng Vương rồi cuộc sống mưu sinh khiến anh “dạt” đến Sơn La như là duyên phận.

Khi đến Chiềng Sinh, Quảng bắt đầu tìm việc kiếm cơm sống. Từ nghề kiếm củi bán cho người thành phố, đến bẫy chim, tìm lan rừng… anh đều kinh qua. Công việc hàng ngày giúp anh có cơ hội tiếp xúc nhiều với bà con dân tộc Mông. “Họ có một nghị lực ghê gớm, lòng quyết tâm, sự chịu khó thì không phải bàn. Còn phong tục tập quán cùng cung cách sống của người Mông là một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất mà tôi có thể cảm nhận được”, A Quảng thổ lộ.

Một trong những kho tàng ấy mà Quảng yêu thích là tiếng sáo Mông. Hàng ngày vào rừng, Quảng được nghe những giai điệu vừa vui vừa buồn, lúc nhanh lúc chậm, có khi nỉ non ai oán, nhưng có lúc rộn ràng gấp gáp lạ. Nghe nhiều thành quen rồi đến “nghiện”, có những ngày không được nghe tiếng sáo, Quảng như lên cơn “vật”.

Anh quyết định đi tìm cho mình một báu vật sống, ấy là tự luyện sáo Mông sao cho thuần thục. Nhưng rồi “không thầy đố mày làm nên”, cậu bé Quảng cứ mò mẫm với cây sáo đôi (một sáo to và một sáo nhỏ dính vào nhau – đặc điểm của sáo Mông – PV) mà chỉ được vài nốt nhạc không đầu không cuối.

Cuối cùng, Quảng tìm cách kết bạn với người Mông và nhờ họ truyền dạy. Cứ thế, ngày qua ngày, Quảng dần thuộc làu những điệu nhạc mà người Mông hay thổi cho nhau nghe. Anh miệt mài luyện tập sao cho tiếng sáo trở nên thật ngọt ngào, vang vọng, có hồn và truyền tải được những thông điệp buồn – vui cũng như những đặc sắc của người Mông ra khắp vùng Tây Bắc.

Những ngày nhàn rỗi, Lê Văn Quảng cơm đùm cơm gói ngao du khắp các bản làng miền sơn cước. Một phần để thổi sáo cho người ta nghe, phần nữa để giao lưu học hỏi những cao thủ khác vùng Tây Bắc. Để đến một ngày, bỗng anh giật mình khi đâu đâu cũng tự đổi tên cho anh là A Quảng.

“Có ai nghe thấy một tiếng vọng”

Câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Trần Lê Văn: “Có ai nghe thấy một tiếng vọng/Thì thả con thuyền sang với tôi” đã ám ảnh A Quảng rất nhiều. Anh cho rằng, người thổi sáo mà không để lại tiếng vọng trong lòng người nghe thì tiếng sáo mới chỉ đơn thuần là tiếng động.

A Quảng cũng là thợ chế tác sáo nổi tiếng

A Quảng bảo: “Làm sao cho người khác biết rằng, đó không chỉ là tiếng sáo của đồng bào dân tộc Mông, tiếng sáo của văn hóa Mông mà để người khác cảm nhận được âm điệu đặc biệt ấy và giữ lại trong lòng như một kỉ niệm đẹp”.

Cũng nhờ tiếng sáo Mông mà A Quảng đã lấy được cô vợ đẹp nhất bản làng Sơn La. Từ tiếng sáo Mông của chàng thanh niên miền xuôi, cô gái bản tuyệt vời ấy đã rung động trái tim để rồi “nghiện” tiếng sáo. Vợ A Quảng bảo tôi: “Tiếng sáo Mông mà A Quảng thổi như ma mị, như có bùa mê, vì thế anh mới được người Mông gọi là “vua sáo”.

Quả thật, người Mông khắp các bản làng Sơn La từ già đến trẻ hầu như ai cũng biết A Quảng. Họ bảo, A Quảng được trời sai xuống để an ủi con người. Nhưng ít ai biết rằng, để có được tiếng sáo ma mị ấy, A Quảng đã phải khổ công rèn luyện đến mức cứng môi không ăn được gì. Anh luyện đến mức quên ăn quên ngủ, thậm chí bị hàng xóm la rầy hoặc tệ hơn nữa là cạch mặt.

Tính đến nay, A Quảng có 45 năm gắn bó với mảnh đất Chiềng Sinh, cũng ngần ấy thời gian anh sống với người Mông, gắn bó với tiếng sáo như một định mệnh.

Lớp sáo nhí

Không giữ những bí kíp ma mị ấy cho riêng mình, A Quảng đã tìm cách truyền thụ kiến thức sáo Mông cho tất cả những ai muốn học và tìm hiểu văn hóa dân tộc.

A Quảng đang dạy 1 học sinh thổi sáo

Anh mở lớp luyện sáo Mông cho rất nhiều học sinh khắp các vùng miền. Anh dạy không theo một giáo án nào ngoài cách “cầm tay chỉ việc”, vì vậy học trò của anh chỉ sau một tháng miệt mài đã thể hiện được những ca khúc đơn giản nhất.

Những đệ tử sáo Mông mà A Quảng dạy đến từ khắp nơi, có em ở tận Điện Biên, Lai Châu… tìm đến, ăn ở tại nhà và học bất cứ lúc nào A Quảng có thời gian.

Hẳn nhiều người còn nhớ tiếng sáo của Thào A Tùng và Thào A Vàng đoạt giải nhất cuộc thi các trường nghệ thuật toàn quốc năm 2007. Nhưng ít ai biết rằng, đó là hai “đệ tử ruột” mà A Quảng phải ra sức đào tạo một cách rất vất vả.

Trong những năm qua, A Quảng đã góp công truyền thụ tiếng sáo cho hàng nghìn con em dân tộc, chủ yếu là các em ở ngưỡng tuổi…nhí. Khắp các bản làng người Mông, tiếng sáo ấy như càng tăng thêm cho Tây Bắc vẻ đẹp và sự kỳ bí từ những ca khúc mà chỉ sáo Mông mới thể hiện được một cách hoàn hảo.

Không chỉ là một nghệ nhân sáo, A Quảng còn đa mang làm thợ chế tác sáo Mông. Mấy chục năm nay, người ta đã thấy A Quảng lặn lội xách dao vào rừng tìm chọn những khúc lứa, đoạn trúc đẹp nhất, chuẩn nhất để làm sáo.

Anh tỉ mỉ đến từng chi tiết, những cây sáo đôi, sáo bầu, sáo nhỏ, sáo to đều được anh tính toán, đo đạc sao cho phù hợp với từng lứa tuổi và đối tượng. Như sáo mỏng dành cho những người mới tập sáo, hay những cây sáo nhỏ dành cho học sinh.

Để hoàn chỉnh được một cây sáo Mông, phải mất ít nhất 2 ngày nên A Quảng không làm được nhiều, chỉ khi màn đêm buông xuống anh mới bắt tay vào làm như một thú vui và cũng là trách nhiệm của một nghệ nhân dân tộc học.

“Tiếng sáo chỉ sống trong lòng người khác khi người ta cảm nhận được sự ngọt ngào hoặc day dứt. Tôi đã cố gắng làm sao cho tiếng sáo của mình có được điểm riêng, có được sự phóng khoáng. Sáo Mông không dễ học, càng không dễ thổi nên để tiếng sáo hay, phải rất kiên nhẫn và miệt mài rèn luyện”, nghệ nhân Lê Văn Quảng tâm sự.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top