Không thể vượt qua bức tường cao của nhà tù nên chi bộ xác định tù nhân sẽ bỏ trốn khi ra ngoài lao động khổ sai.
Kế hoạch vượt ngục
Ông Nguyễn Văn Trân, cựu tù nhân nhà tù Sơn La, người từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của Chính phủ kể cho chúng tôi nghe về cuộc vượt ngục huyền thoại 74 năm trước mà ông là một trong những người vượt ngục theo kế hoạch đề ra.
“Anh thanh niên Thái đưa chúng tôi đến đây là hết phận sự. Chúng tôi cùng anh từ biệt bùi ngùi cảm động. Thuyền xa, chúng tôi còn nhìn theo người thanh niên Thái và khắc tên Giá của anh vào lòng…”, trích “Hai lần vượt ngục” của đồng chí Trần Đăng Ninh.
“Trước khi vượt ngục, để đảm bảo thành công, chi bộ nhà tù Sơn La đã đề ra kế hoạch và chuẩn bị kế hoạch ấy một cách tỉ mỉ và chu đáo. Vì trước đó, hai đồng chí vượt ngục không thành, một thì mất tích, một thì đã bị chúng bắt được và xử chặt đầu”, ông Trân cho biết.
Chi bộ đề ra tiêu chuẩn vượt ngục cho một số đồng chí: Tinh thần kiên định, mưu trí, sức khỏe tốt; những đồng chí có năng lực và tín nhiệm mà Đảng đang rất cần, nhất là những đồng chí xuất thân từ thành phần giai cấp công nhân; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thận trọng.
Anh Lò Văn Giá, người dẫn đường cho cuộc vượt ngục ngày 3/8/1943.
Dựa vào tiêu chuẩn đó, đợt 1 chi bộ lựa chọn được 12 đồng chí dự định sẽ vượt ngục vào mùa hè năm 1943 nhưng kế hoạch bị hủy bỏ. Chi bộ nhận định, kế hoạch sẽ không thành công nếu như không có người dẫn đường.
Sau một thời gian, chi bộ quyết định chọn anh Lò Văn Giá, một thanh niên người Thái hoạt động trong tổ chức “Mú nóm chất mương”, tức Thanh niên cứu quốc. Lò Văn Giá là người rất thông minh, giỏi cả tiếng Mông và thông thuộc địa hình khắp Tây Bắc. Không chỉ có thế, Lò Văn Giá còn dũng cảm, gan dạ, coi thường cái chết.
Vậy là danh sách 3 đồng chí Nguyễn Tuấn Đáng (tức Trần Đăng Ninh), Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu (tức Lưu Quyên) được duyệt. Ông Trân cho biết, ngoài những tiêu chuẩn mà chi bộ duyệt thì ông và anh Hiểu biết nói tiếng Thái và có quan hệ chặt chẽ với tổ chức Thanh niên cứu quốc Mường La.
Sắp đến ngày vượt ngục, đồng chí Sao Đỏ (tức Nguyễn Lương Bằng) đề nghị chi bộ xin vượt ngục. Những lời gan ruột của đồng chí Sao Đỏ đã được chi bộ chấp thuận và chuẩn bị cho một kế hoạch hoàn hảo.
Ngày 3/8/1943
Đó là ngày ấn định để các đồng chí trong danh sách mà chi bộ nhà tù Sơn La đã đề ra. Theo kế hoạch, khi tù nhân đi ra bên ngoài để lao động khổ sai thì sẽ trốn luôn và gặp anh Lò Văn Giá đứng đợi ở bên ngoài.
Thẻ tù chính trị của nhà tù Sơn La.
Đoàn tù vượt ngục, đến bến Tạ Chan để vượt sông Đà sang tỉnh Yên Bái đi về chiến khu Vần – Hiền Lương (Phú Thọ). Nhưng khi đến được bờ sông Đà thì nước sông dâng to buộc đoàn tháo chạy phải đổi hướng theo đường 41 (nay là quốc lộ 6 – PV).
Để không bị nghi ngờ, đoàn chia ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm ăn mặc khác nhau. Đồng chí Sao Đỏ và Trần Đăng Ninh mặc quần áo người Kinh mang thẻ thuế thân người Kinh. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu và anh Giá mặc quần áo Thái với thẻ thuế thân người Thái. Hai nhóm đi cách nhau 100m.
Hai nhóm thống nhất với nhau một câu trả lời với bọn phìa tạo địa phương khi chúng xét hỏi: “Chúng tôi từ Phù Yên đi Tạ Khoa đến Mộc Châu để mua hàng của bà Cả Thịnh”.
Trong khi nhóm của ông Trân đi trót lọt thì nhóm của đồng chí Sao Đỏ bị phìa Yên Châu hỏi thẻ thuế thân và các giấy tờ đi đường khác. May mắn có giấy tờ đầy đủ và trả lời rành rọt từng câu hỏi mà hai đồng chí mới thoát khỏi Yên Châu và theo kịp nhóm trước.
Qua Yên Châu, Mộc Châu, đến ngày thứ 5 cuộc hành trình, đoàn đến đèo Pu Luông. Ngay hôm đó, lệnh truy nã 4 tù nhân vượt ngục của thực dân Pháp cũng về tới Pu Luông.
Chiếc hộp đựng tiền của chi bộ nhà tù Sơn La.
Cuộc truy lùng 4 tù nhân của chính quyền địa phương ngày càng ráo riết. Trên đường đi tới Suối Rút, đến Bản Bông thì đoàn bị tên tạo Mộc Hạ chặn đường hỏi: “các anh đi đâu? Giấy tờ hộ thân đâu? Mọi người bình tĩnh xuất trình giấy tờ. Thấy bản truy nã ghi 4 người mà nhóm lại có những 5 người nên tên tạo Mộc Hạ không nghi ngờ lắm, hắn cho qua.
Kiên trung Lò Văn Giá
Ông Trân nhớ lại, sau khi đoàn đến nơi tập kết, năm anh em biết là đã thoát nạn đã ôm nhau vui mừng và mở một bữa tiệc nhỏ ăn mừng chiến thắng.
Ăn uống xong, ông Trân và ông Hiểu tập trung tiền, thuốc men trao lại cho anh Lò Văn Giá, khuyên anh Giá không nên về nhà vội mà hẵng tạm lánh lên vùng rẻo cao để dạy học cho đồng bào Mông một thời gian. Theo ông Trân, sở dĩ làm vậy vì trước đó anh Giá làm hương sư dạy ở vùng cao.
Các đồng chí trong chi bộ nhà tù Sơn La bàn kế hoạch vượt ngục.
Anh Giá bình tĩnh trả lời: “Các anh cứ yên tâm, không phải lo cho tôi. Tôi đã có cách xử lý, chỉ mong các anh đi trót lọt là tôi mừng”.
“Phút chia tay giữa chúng tôi và anh Giá rất cảm động, đúng như lời của đồng chí Trần Đăng Ninh đã viết: Chúng tôi còn nhìn theo người thanh niên Thái và khắc tên Giá của anh vào lòng”, ông Trân chia sẻ.
Anh Lò Văn Giá vừa quay lại Sơn La đã bị Pháp bắt ngay lập tức. Chúng tra tấn anh rất dã man nhưng anh không hề hé răng nói nửa lời. Biết rõ anh là người đã dẫn đường cho 4 đồng chí trốn thoát nhưng vì không có bằng chứng để kết án anh Giá nên chúng đã lén lút thủ tiêu anh.
“Anh Lò Văn Giá được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân Sơn La rất tự hào có anh Lò Văn Giá, người con ưu tú của bản làng đã dũng cảm, mưu trí đóng góp sức mình vào sự thành công của cách mạng”, bà Vũ Thị Linh, Giám đốc Bảo tàng tình Sơn La.
(còn nữa)
Trần Hòa