Chọn thực phẩm giảm cholesterol ngừa bệnh tim

Cholesterol (mỡ máu) là nguyên nhân tử vong do tai biến tim mạch và thúc đẩy các rối loạn chuyển hóa khác: đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì…Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do chế độ ăn, uống, lựa chọn thực phẩm không đúng.
cholesterol

Ảnh minh họa.

Nguy cơ tử vong do tim mạch là do chế độ ăn

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, các bệnh tim mạch ngày càng gia tăng, nhất là ở các nước phát triển kể cả đang phát triển. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 1/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu là do các bệnh tim mạch (15,3 triệu ca). Đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, chiếm 86% DALY (năm cuộc sống điều chỉnh theo sự tàn tật) là do bệnh tim mạch.

Nguy cơ làm tăng bệnh tim mạch là do các hành vi ăn uống không hợp lý, hoạt động thể lực không đầy đủ và tiêu thụ thuốc lá gia tăng, do điều kiện làm việc tĩnh tại, công nghệ sản xuất hiện đại, chế độ ăn nhiều chất béo, muối, carbonhydrat tinh chế, ít rau quả, dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì, huyết áp cao, rối loạn lipit máu, đái tháo đường…

Các bệnh tim mạch hay gặp là: huyết áp cao, các bệnh mạch vành, vữa xơ động mạch, rối loạn chuyển hóa lipit, rối loạn tuần hoàn não, các bệnh van tim, cơ tim, nhịp tim…

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cảnh báo, tình trạng rối loạn mỡ máu thể hỗn hợp bao gồm vừa tăng cholesterol và triglycerid đang trở nên ngày một phổ biến trên mọi đối tượng. Nguy cơ nguy hiểm nhất của bệnh là các biến chứng tim mạch và các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Nguyên nhân của tình trạng này là do ăn quá nhiều chất béo bão hòa gây tăng cholesterol máu. Các chất béo bão hòa có trong các thức ăn có mỡ, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt mỡ, bơ, hai loại dầu thực vật là dầu dừa và dầu cọ, hầu hết các loại thức ăn rán, các loại bánh như báng quy và ga tô…

Thừa cân (béo phì), uống nhiều rượu và ăn thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu. Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, đột quỵ do làm tăng lượng triglycerid và huyết áp… Không nên uống quá 20-30g ethanol/ngày đối với nam giới và 10-20g ethanol/ngày với nữ giới.

Thực phẩm làm giảm cholesterol

PGS.TS Trần Đáng phân tích, vận chuyển cholesterol từ máu đến tổ chức là do Lipoproteine có tỷ trọng thấp (LDL) và vận chuyển cholesterol từ tổ chức đến gan để thoái hóa là do Lipoproteine có tỷ trọng cao (HDL). Cholesterol cao sẽ gây vữa xơ động mạch, tăng nguy cơ động mạch vành. LDL tăng sẽ làm tăng cholesterol.

Tác hại của LDL là làm tăng ngưng tụ tiểu cầu, kích thích tăng sinh cơ trơn thành mạch, thúc đẩy vữa xơ động mạch, dễ làm hẹp vòng mạch. Khẩu phẫn ăn có nhiều axit béo no (thức ăn động vật: não, tim, bầu dục, lòng đỏ trứng… đồ mặn, ngọt, dầu mỡ, đồ rán, bơ sữa toàn phần) sẽ làm tăng LDL và cholesterol. Khẩu phần ăn nhiều axit béo không no (chế độ ăn nhiều rau, trái cây và các sản phẩm thực vật…) sẽ làm giảm LDL.

Đối với HDL, nếu tăng sẽ làm giảm cholesterol do đó làm giảm nguy cơ động mạch vành và giảm vữa xơ động mạch. Các axit béo không no và chế độ ăn nhiều rau quả, sản phẩm thực vật sẽ làm tăng HDL. Các thực phẩm bổ sung các axit béo không no (MUFA, PUFA) và các sản phẩm chế biến từ thực vật sẽ có tác dụng làm giảm LDL và làm tăng HDL, từ đó làm giảm cholesterol.

PUFA có hiệu quả hơn MUFA. Axit béo không no một nối đôi quan trọng hơn axit Oleic, có nhiều trong dầu oliu, canola và trong quả hạch (quả hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hồ đào, quả mắc ca, hạt phỉ, quả hạch Braxin…). Axit béo chưa no có nhiều nối đôi quan trọng là axit Linoleic, có nhiều trong dầu đậu nành và dầu hướng dương.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng Thư Ký Hội Tim Mạch Học Việt Nam khuyên, để phòng ngừa cholesterol và ngăn cholesterol gây nguy cơ tim mạch nên thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít cholesterol, hạn chế tối đa chất béo không bão hòa dạng trans.

Tốt nhất nên ăn nhiều rau, hoa quả (nhiều lần trong ngày); Ăn các loại ngũ cốc thay đổi và chế biến thô (bánh mì đen, gạo thô…); Uống sữa không béo; Thịt nạc hoặc thịt gia cầm không da; Cá béo (nhiều dầu) ăn ít nhất 2 lần/tuần; Đậu và đậu Hà Lan; Các loại hạt (số lượng hạn chế 4 – 5 lần/tuần); Dầu thực vật không bão hòa (ô liu, hướng dương, đậu nành…), nhưng không ăn bơ thực vật chế biến từ chúng.

Nhật Hà

Theo Đời sống
back to top