Tảo nở hoa khiến ngứa da khi tắm biển

Gần đây người dân, du khách liên tục phản ánh tình trạng nổi mẩn ngứa sau khi tắm biển Đà Nẵng. Theo các chuyên gia, dù nước biển không bị biến màu nhưng khả năng lớn là các vi khuẩn tảo nở hoa gây nên tình trạng mẩn ngứa.

Nhiều người dân và du khách bị ngứa sau khi tắm biển. Ảnh minh họa

Ngứa khắp người sau khi tắm biển

Anh T.Đ.H.N (người dân địa phương) cho biết, ngày 1/7 cả gia đình đi tắm tại bãi Phước Mỹ (quận Sơn Trà) về thì nổi mẩn đỏ khắp người. Đặc biệt con nhỏ của anh bị ngứa nên rất lo lắng. Rất nhiều người dân và du khách gặp phải tình trạng tương tự.

Ông Đặng Quang Vinh (Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng) cho biết, có nhận được thông tin người dân nổi mẩn ngứa sau khi tắm biển. Các cơ quan chức năng đã cử người đi lấy nước biển để kiểm tra. Khu vực xảy ra tại các bãi tắm phía biển Đông từ quận Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, thời gian gần đây có xuất hiện sinh vật là sao biển và sứa ở các khu vực bãi tắm.

GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuất sau khi xem những hình ảnh bị mẩn ngứa của người dân thì nhận định nhiều khả năng do các vi khuẩn tảo độc nở hoa. Ngay cả khi nước biển không có màu lạ, không chuyển hồng hay xanh thì khả năng tảo độc nở hoa vẫn xảy ra.

Nếu mật độ tảo nở hoa dưới 1000 tế bào/lít nước thì sẽ không có màu đặc trưng, nhưng vẫn gây ra hiện tượng ngứa, dị ứng cho người tiếp xúc. Chỉ cần lấy mẫu nước đi làm xét nghiệm, soi dưới kính hiển vi là có thể biết ngay có phải do tảo độc nở hoa hay không. Trường hợp do tảo độc thì tình trạng này cũng sẽ không kéo dài, chỉ vài ngày tảo sẽ tự hết.

“Đây là mùa cao điểm của tảo độc nở hoa. Hơn nữa thời tiết lại khá thất thường, tạo điều kiện thuận lợi để tảo độc phát trienr. Do đó cần phải hết sức thận trọng khi tắm biển, đặc biệt là các bãi biển hoang sơ, vắng vẻ. Ngược lại, ở những bãi biển quá đông người, chen chúc chật chội, cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về vệ sinh”, GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết.

Không nên tắm ở bãi biển quá đông người

GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết, trong nước biển thông thường có hàng trăm các loài vi tảo, trong đó nhiều loài là tảo độc. Chúng chỉ sinh sôi khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi. Bình thường, chúng vô hại với con người. Các loài vi tảo độc hại với con người cũng có rất nhiều, do đó khi tắm biển trong điều kiện thời tiết bất thường, người dân cần đề phòng, chú ý. Nếu thấy có cá hay ngao, sò chết ở khu vực biển đó thì nhất thiết không xuống tắm.

TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, khả năng bị ngứa do sứa cũng có. Người tắm biển nếu đụng phải sứa trắng chỉ gây ngứa chút xíu nhưng đụng phải sứa lửa – những con sứa có tua màu xanh, đỏ – thì gây ra rát bỏng, sau đó da bị phồng, rộp lên.  Thời điểm giao mùa, thời tiết nắng nóng nên sứa thường nổi lên mặt nước.

Do đó những ai tắm biển vào buổi sáng và buổi trưa thường đụng phải sứa lửa. Ngay sau khi bị sứa “đụng”, cần rửa sạch vết thương rồi dùng những cọng lá rau muống biển mọc trên bãi nhai dập, đắp vào vết thương. Cây muống biển có tác dụng làm dịu mát vết bỏng rát. Sau đó về nhà dùng các loại kem chữa bỏng hay uống thuốc để chữa vết thương.

 “Nước biển thông thường rất sạch vì có hàm lượng muối cao. Tuy nhiên, nếu bãi tắm quá đông, mỗi người không có ý thức giữ gìn vệ sinh, nước biển sẽ chưa nhiều vi khuẩn, thậm chí là virus gây bệnh, rất có hại cho hệ hô hấp, da dẻ.

Nước biển khi đó chứa quá nhiều thành phần khác nhau, nước biển không thể diệt khuẩn được hết. Do đó, tốt nhất là không nên tắm ở các bãi biển quá đông đúc, chật chội. Ngược lại cũng phải đề phòng các bãi biển quá hoang vắng”, GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết.

Theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, ngoài nguyên nhân tảo độc nở hoa thì việc các sinh vật biển như sao biển, sứa cũng có thể gây mẩn ngứa. Tuy nhiên, việc hàng loạt người bị di ứng, mẩn ngứa thì phải có một lượng sứa, sao biển xuất hiện nhiều. Có thể do vệ sinh bãi biển chưa tốt, bãi tắm quá đông làm nước bị ô nhiễm.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top