Thuốc cổ bổ thận
Thận cội nguồn của các tạng phủ
“Thận” trong y học hiện đại là để chỉ cơ quan bài tiết nước tiểu, còn trong Đông y thì “thận” không chỉ là cơ quan bài tiết nước tiểu mà còn là một trung tâm chức năng trong hệ thống chức năng hoàn chỉnh của cơ thể gồm 5 trung tâm là tim, gan, tỳ, phổi, thận.
Theo Hải thượng Lãn ông, thận là cội nguồn của tạng phủ, là gốc rễ của 12 kinh mạch, là cơ sở của sinh mệnh, là bể chứa của tinh huyết, tinh thần của tâm, khí của phế, sự quyết đoán của can đảm, sự thu nạp và vận hóa của tỳ vị, sự truyền – tống của đại – tiểu tràng, sự hóa khí của bàng quang; sự thăng giáng của tam tiêu. Tất cả đều phải nhờ vào một điểm “chân dương” của thận làm chủ trì. Ngũ tạng khi bị tổn thương, cuối cùng sẽ liên lụy đến thận… Tất cả các kinh mạch đều bắt nguồn từ thận. Gặp chứng hư yếu quá thì phải kịp thời giữ gìn Bắc Phương (vì thận tương ứng với quẻ Khảm trong Dịch học – ở phương Bắc), để bồi đắp cho sinh mệnh. Vậy thì chân “dương có bỏ qua được chăng?”. Trong cuốn “Y Trung quan kiện” ông nói: “Gặp chứng hư thì kịp giữ thận để bồi bổ sinh mệnh. Đó thật là cái gương muôn đời soi sáng cho chỗ mờ tối”.
Thực tế, trong toàn bộ quan niệm của người xưa về thận, thấy toát lên một điều lý thú là xem vấn đề tuổi già, sự hóa già sớm là do thận suy yếu gây ra. Tuổi già, thận tạng kém đi nên cơ thể hao mòn, răng tóc rụng, xương khớp đau mỏi, mắt mờ, tai nặng. Trong suốt quá trình hằng ngày, hằng năm, y học cổ truyền đã luôn luôn tìm kiếm những phương thuốc chống lại quá trình lão hóa bằng đường bổ thận, phục hồi nguồn sinh lực cho người già, để xuất ra nhiều bài thuốc khác nhau, trong đó có nhiều bài có giá trị còn được lưu truyền cho tới ngày nay.
Sâm nhung bổ thận
Các thuốc chống già, hạn chế quá trình lão hóa của y học hiện đại, phần nhiều chú trọng đến tác dụng phòng ngừa và chống lại bệnh xơ vữa động mạch hoặc chú trọng đặc biệt đến từng mặt của sự lão hóa. Tuy chưa có phương thuốc nào hoàn hảo nhưng các phương thuốc cổ truyền cũng góp phần cải thiện từng bước sức khỏe cho người già hiện nay, làm giảm bớt những nỗi đau khổ về bệnh tật do tuổi tác gây nên. Vì vậy, trong nhiều biện pháp cải thiện tình trạng sức khoẻ cho người già, hiện nay dùng thuốc vẫn còn là phương pháp đem lại kết quả quan trọng. Đó cũng là mỗi quan tâm của nhiều người, kể cả nhà nghiên cứu lẫn bệnh nhân.
Những bài thuốc “bổ thận, chống già” thời cổ đại không chỉ có phương Đông mà ngay cả những bài thuốc cho người già ở thời La Mã hay thời trung cổ Ai Cập, theo sự hiểu biết ngày nay, đều là những loại thuốc có tác dụng lợi tiểu nhẹ và thông mật, chống táo. “Sâm nhung bổ thận” là bài thuốc gồm nhiều dược liệu bổ, bao gồm: Nhân sâm 12,5%, nhung hươu 6,4%, đẳng sâm 8,3%, câu kỷ tử 8,3%, hoài sơn 8,3%, ba kích 4,2%, viễn chí 4,2%, bách hợp 4,2%, phục linh 8,3%, liên tử 8,3%, thục địa 8,3%, bạch truật 8,3%, ngũ vị tử 2,1%, cam thảo 4,2%.
Công dụng của bài thuốc: Bổ tỳ thận, ích tinh huyết, tráng yêu tất, chỉ di tiết. Trị cơ thể suy nhược, tinh thần bất túc, ăn uống không được, mộng tinh, di tinh, lưng đau, gối mỏi… Trong bài thuốc cổ này có những vị mà ngày nay người ta biết là nó còn mang những nhân steroit (ba kích, nhung hươu…) có khả năng kích thích sự hoạt động hồi phục một phần nội tiết tố nam và tuyến thượng thận của người già. Viễn chí có tác dụng hạn chế các triệu chứng kích thích viêm phế quản tuổi già. Một số vị khác có tác dụng tiêu hóa, làm tăng quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể nói chung.
GS.TS Hoàng Tuấn
(nguyên Giám đốc Bệnh viện 19/8)