Đông y trị chứng hấp thu kém do tỳ, thận dương hư

Người già do tỳ vị kém nên chỉ hấp thụ được 30% tổng số thức ăn đã ăn vào để nuôi cơ thể. Việc không tiêu hóa hết thức ăn cũng gây tổn thương thận và gây nhiều bệnh cho cơ thể. Điều trị tỳ, thận sẽ giúp người già ăn uống tôt và khỏe mạnh.
tỳ vị kem

Thuốc chữa tỳ vị kem (Ảnh minh họa).

Nguyên nhân:

Trong Đông y Tỳ là tuyến tụy, đóng vai trò quan trọng trong vận hóa tinh chất của đồ ăn thức uống nuôi dưỡng cơ thể.

Tỳ còn có nhiệm vụ thống nhiếp huyết, có nghĩa là hướng dẫn huyết đi vào trong mạch máu, không để huyết đi tràn lan mà sinh chứng chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, đối với phụ nữ thì rong kinh, băng huyết…

Tuổi già làm tỳ vị kém, nên ăn uống kém, sự hấp thụ thức ăn của tỳ vị ở người cao tuổi kém, thường chỉ hấp thụ được 30% tổng số thức ăn đã ăn vào để nuôi cơ thể.

Vì tỳ dương kém không tiêu hóa hết thức ăn chuyển hóa thành tinh chất nạp vào thận, nên thận dương cũng bị tổn thương, vì thiếu tinh khí và sinh bệnh.

Triệu chứng lâm sàng:

Bệnh nhân cơ thể gầy còm, đối với phụ nữ có thể béo phì theo kiểu bệnh tật, cơ thể lạnh, tay chân lạnh, lưng đau mỏi bụng dưới lạnh mà đau, đại tiện lỏng, có khi đi ra cả thức ăn chưa tiêu.

Có khi mắc chứng ngũ canh tả, tiểu tiện nhỏ giọt không thành bãi, đêm đi tiểu nhiều lần, có trường hợp mặt và tay chân phù, bệnh để lâu ngày nặng hơn, có thể biến thành cổ chướng.

Đối với nam giới thì liệt dương, di tinh, phụ nữ thường mắc chứng bào cung lạnh, nếu còn tuổi sinh đẻ thì không thụ thai…

Điều trị:

Do tỳ thận dương yếu, không tiêu hóa được thủy cốc sinh chứng tiết tả:

Triệu chứng: Tiết tả lâu ngày, phân lỏng, đại tiện ra thức ăn chưa tiêu hóa. Nếu do thận dương hư thì tiết tả vào lúc tảng sáng, bụng dưới lạnh mà đau, sợ lạnh, tay chân lạnh…

Điều trị: Ôn bổ phần dương của tỳ thận.

Bài thuốc: “Phụ tử lý trung thang” phối hợp với bài “ Ngũ vị tử tán”: Nhân sâm 12g ,cam thảo 6g, bạch truật 12g, hắc phụ tử chế 8g , ngụ vị tử 8g , ngô thù du 8g.

Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói, tùy chứng có thể gia giảm.

Do tỳ thận dương hư hàn, tấu lý không kín mà sinh bệnh lỵ:

Triệu chứng: Lỵ kéo dài không dứt, bụng dưới lạnh trệ, đau, phân có màu trắng như phân vịt, có nhiều chất nhầy. Điều trị: Ôn bổ tỳ thận chỉ lỵ, cố thoát.

Bài thuốc: Trần bì 12g, đinh hương 6g , phục linh 12g, thương truật 8g, mộc hương 6g, bạch truật 12g, hoắc hương 8g, bán hạ chế 8g, nhục quế 6g, hoa tiêu 12g, hồng linh đơn 2g (đây là vị thuốc độc khi dùng phải chú ý, sau khi sắc thuốc rót để nguội mới cho vào uống, thuốc kỵ nóng).

Ngày một thang, sắc uống 3 lần sau khi ăn.

Do tỳ thận dương hư, thủy ẩm không hóa thành tân dịch mà biến thành tà thủy sinh phù thũng:

Triệu chứng: Đầu mặt tay chân, toàn thân phù thũng, từ lưng trở xuống nặng hơn, sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng lạnh, đau ê ẩm, tiểu tiện ít, mạch trầm ở cả 6 bộ. Điều trị: Ôn tỳ bổ thận.

Bài thuốc “Phục nguyên đan”: Phụ tử chế 8g, bạch truật 12g, nhục quế 6g, mộc hương 6g, ngô thù du 8g, thục tiêu 8g, tiểu hồi 12g, hậu phác 12g, trạch tả 12g, phục linh 12g, thảo quả nhục 12g, sinh khương bì 12g.

Uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

Do tỳ thận dương hư sinh chứng cốt nuy (loảng xương):

Do tỳ vị hư nhiệt, khi trung tiêu mắc bệnh thì hạ tiêu lấn thận “thổ khắc thủy” Thận không sinh ra cốt tủy, sinh chứng cốt nuy.

Triệu chứng: Hai chân đi lại khó khăn, thậm chí không đi lại được, hai tay yếu, chân lạnh, tinh thần mệt mỏi, mặt trắng bệch, hai my mắt sưng, ăn uống hay nghẹn. Điều trị: Ôn bổ tỳ thận.

Bài thuốc: “Quy tỳ thang” phối hợp “Hữu quy hoàn”: Nhân sâm 10g , hoàng kỳ 12g, chích thảo 6g, đại táo 2 quả, bạch truật 12g, mộc hương 4g, sinh khương 3 lát, hắc táo nhân 12g , thục địa 12g, lộc giác giao 16g, hoài sơn 12g , kỷ tử 12g, phụ tử chế 8g, sơn thù 8g, đỗ trọng 12g, đương quy 12g, thỏ ty tử 12g, nhục quế 6g.

Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.

Do tỳ khí hư hàn, dương khí của thận bị hạ hãm, đại, tiểu tiện ra máu:

Triệu chứng: Đại tiện táo bón, thường có huyết màu đen, nếu máu từ vị xuống thì phân ra như màu sơn đen. Chứng này thường gọi là “Viễn huyết” người mệt mỏi, tay chân lạnh, môi nhợt, mạch tế vô lực.

Điều trị: Ôn bổ tỳ thận, dưỡng huyết, cầm máu. Bài thuốc: “Hoàng thổ thang”: A giao 12g, bạch truật 12g,  hoàng cầm 8g, chích thảo 8g, táo tâm hoàng thổ 50g, can địa hoàng 12g, phụ tử chế 8g.

Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày.

TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

(Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top