Cây đại thụ trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam
Thế hệ trước sẽ biết về GS Phong Lê nhiều hơn. Ông sinh năm 1938 tại Sơn Trà, vùng quê nghèo thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sinh ra ở vùng đất hiếu học, bố ông là thầy giáo nên từ bé ông đã được học hành tử tế, được tiếp cận với nhiều sách vở, tạo nên nguồn cảm hứng cho riêng ông đối với văn học.
Năm 1956, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông thi đỗ vào trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, trở thành sinh viên khóa đầu của trường đại học. Tốt nghiệp đại học, ông được nhận về Viện Văn học vừa mới thành lập. Tại đây ông học tập được rất nhiều từ bậc trưởng lão đi trước như Viện trưởng Đặng Thai Mai, Viện phó Hoài Thanh, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan…
Từ đó ông trưởng thành nhanh chóng, sau này trở thành cán bộ cốt cán rồi Viện trưởng Viện Văn học VN. Ông là giáo sư nổi tiếng trong nghiên cứu, phê bình văn học, đặc biệt văn học VN thế kỷ 20. Nghiên cứu của ông gắn liền với các tác gia văn học lớn như Hồ Chí Minh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…
Ông là tác giả của 30 cuốn sách in riêng và hàng chục công trình tập thể do ông chủ biên được đánh giá cao, nhận được nhiều giải thưởng uy tín. ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn lao động miệt mài, là Chủ tịch Hội Kiều học năm (2015).
Hội có nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị, tinh hoa về văn học nghệ thuật, về văn hóa – xã hội, kết tinh hội tụ trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Có được thành công ngày hôm nay phải kể đến bệ phóng của ông là gia đình, đặc biệt là người cha có học thức và cái nhìn sâu sắc.
GS. Phong Lê bên khối tài liệu lịch sử cuộc đời đồ sộ
Lớn lên từ sự dõi nhìn của người cha
8000 tài liệu ông gửi lại Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN, đáng chú ý có một bức thư cha ông gửi vào năm 1957, khi đó ông đang là sinh viên. Cha ông viết: ở nhà ta vẫn được thường cả. Sinh hoạt vẫn như lúc Sừ (tên thật của ông) ở nhà.
Tình hình học tập mỗi ngày một khó nhưng không được bỏ một giờ chết. Học bổng cần cho gia đình ta. Nó chi phối một phần, gia đình sẽ cố lo cho con theo học. Không nên đặt hy vọng mà thất vọng nhiều. Ta cứ bình tĩnh chờ kết quả. Cần thường xuyên viết thư về gia đình để thầy theo dõi kết quả, giúp đỡ. Gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất. Hàng tháng, mồng 10-15 viết về. Bất thường viết thêm…
Thấm đẫm lời dạy của cha, GS. Phong Lê đã trưởng thành, vững bước, gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp, công danh. Hào quang trong sự nghiệp nhưng cuộc sống của ông vô cùng giản dị. Ông bắt đầu với căn nhà được phân 11m2 ở Viện Văn học, sau đổi sang nhà 24m2 rồi 40m2 ở Thái Hà.
Gần đây ông mới chuyển ra căn nhà rộng hơn ở Võng Thị cùng con trai và các cháu nội. Nghèo vật chất nhưng giàu về tinh thần. Ông truyền lại cho con cháu và những đồng nghiệp xung quanh cách định vị cuộc đời vô cùng thú vị. Theo ông, ở đời nên biết đến 3 quên. Quên bệnh tật, quên giận hờn, quên thời gian.
Ông đã chung sống mấy chục năm với bệnh tật, có những lần cơn hen lên suýt chết, rồi mọi sự cũng qua. Ông cho rằng, không nên giận hờn. Cuộc sống lãi nhất là cuộc sống tử tế, thân thiện. Càng sống lâu càng phải biết quên thời gian để được sống khỏe, sống thọ.
Nhìn GS Phong Lê và người bạn đời của ông, GS Thanh Vân trong ngày hai ông bà trao lại toàn bộ hiện vật lịch sử cuộc đời cho TT Di sản các nhà khoa học VN mới thấy niềm vui đong đầy. Bạn bè, đồng nghiệp, học trò, con cháu của ông cho rằng, ông khỏe, ông mạnh mẽ như vậy là nhờ phương châm sống của ông. Phương châm sống ấy đang được nhân rộng ra những người xung quanh ông.
Minh Hoa