Thăm làng phong Văn Môn, Thái Bình.
Chúng tôi theo một đoàn từ thiện tới thăm Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn (Thái Bình) mà nhiều người vẫn quen gọi là làng phong. Tới đây, mới thấy, ngoài những thiếu thốn về vật chất thì mặc cảm về bệnh tật, cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn… cũng rất nặng nề, những cuộc đời bị đánh cắp.
Thật ngại khi trao quà mà các cụ 70 – 80 lại cứ xưng là con. Phải nói đi nói lại là chúng tôi chỉ đáng tuổi con cháu các cụ thôi. Nhưng dường như đó là sự mặc cảm về thân phận của những người sống ở đây quá lâu rồi.
Hiện nay bệnh phong đã được chữa khỏi, điều trị xong thì về với cộng đồng. Những người sống ở làng phong đều vào từ những năm 70 – 80, tuy khỏi bệnh nhưng những di chứng vẫn rất nặng, người mất chân, mất tay…
Dù được nhà nước và nhiều tổ chức từ thiện giúp lắp chân giả, cấp nhưng đôi dép đặc biệt để đi lại, nhưng phần đông họ đều đã yếu, không đủ sức để trồng rau. Nhất là ở khu bệnh nhân nặng, nhiều cụ 80-90 tuổi, không đi lại được, phải có phục vụ tận giường.
Bà Phạm Thị Kha, 70 tuổi, trước khi thay mặt cho các bệnh nhân lên hát đã nói, vì sắp đến Tết mà lâu không được về thăm quê nên chỉ biết bày tỏ nỗi nhớ qua bài hát. Nghe thật thương.
Bà Kha vào đây từ năm 1980 sau khi bố mẹ mất cả. Ở quê thì cũng vẫn còn anh chị em, nhưng mặc cảm bệnh tật nên hầu như không có liên hệ gì. Đó cũng là tình cảm chung của các cụ ở đây, giống như những cuộc đời bị đánh cắp.. Có người có gia đình, con cái, nhưng bỏ cả lại để vào đây vì không muốn ảnh hưởng đến người thân. Có người may mắn như bà Lý, hôm chúng tôi tới thì có con cháu vào thăm.
Thật kinh khủng khi cứ hình dung ra rằng đáng lẽ những con người này đã có một cuộc sống khác hẳn, cũng vẫn vất vả vì lo toan, tất bật vì công việc, nhưng ít ra thì cũng có một mái ấm với con cháu.
Vậy mà chỉ vì một căn bệnh, vì sự xa lánh của người đời, đã khiến cho cuộc đời họ thay đổi, phải sống trong cô đơn, mặc cảm, trong sự lãng quên của những người thân. Sống đấy mà cứ như đi lề cuộc sống của những người khác. Có cảm giác như cuộc đời họ đã bị đánh cắp.
Dù rất nhiều sự quan tâm của những nhà từ thiện, nhưng chẳng thể nào xóa được nỗi đau của họ.
Nhận thức của xã hội đã thay đổi, những người bệnh mới không còn phải chịu cảnh bỏ rơi như thế nữa. Có lẽ đây là những con người đau khổ cuối cùng.
Minh Anh