Ăn uống cần thanh đạm để phòng bệnh.
Vào mùa hè thì quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người diễn ra mạnh mẽ, dương khí phát ra ngoài, âm khí tiềm ẩn bên trong, mồ hôi tiết ra nhiều để điều hòa thân nhiệt do đó tà khí cũng dễ xâm nhập vào trong cơ thể.
Đông y cho rằng, thử (nóng) chủ khí mùa hè (hạ), dễ hao tổn khí, nếu không kịp thời bù đắp sẽ làm tổn thương nguyên khí, biểu hiện triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, ngại nói, say nắng.
Vì vậy, mùa hè nên ăn nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, lợi niệu, trừ thấp như dưa hấu, mướp đắng, bí đao, dưa chuột, đậu xanh, đậu đen, bột sắn dây, trà nhân trần, trà vối, trà hoa cúc…
Khi dùng chú ý liều lượng cho phù hợp với cơ thể từng người và điều kiện tự nhiên môi trường.
Tránh lạm dụng làm tổn thương tỳ vị, tạo điều kiện cho thấp tà gây bệnh bên trong.
Mồ hôi là dịch của tâm, khi mồ hôi ra quá nhiều phải dùng đồ ăn, thức uống có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, như chè đậu đen, nước hoa quả, nước ép ngó sen, cháo hạt sen, ý dĩ, nước mơ mặn, nước ép quả dâu chín.
Ngoài việc thanh nhiệt, giải thử dưỡng âm, ăn uống trong mùa hè là tránh làm tổn thương tỳ vị, các thực phẩm có tác dụng kiện tỳ, hóa thấp, đều trực tiếp, gián tiếp đến tác dụng nâng cao công năng của tỳ vị như cháo đậu xanh, đậu cô ve, củ mài, trà hoắc hương…
Nhưng cũng cần thêm thức ăn đồ uống có vị chua, ngọt, cay thơm để khai vị, kích thích cảm giác thích ăn, thích uống để bảo vệ phế khí.
Đông y có luận điểm “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Mùa hạ nóng nực ta phải dùng nhiều đồ ăn uống có tác dụng thanh nhiệt, nhưng vẫn cần lấy ôn ấm làm chính để trợ giúp khí dương.
Mùa hạ tuy dương thịnh bên ngoài, nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong, nên “trời đang nóng chớ tham mát”, nếu không biết giữ gìn dương khí trong mùa hạ thì mùa đông dễ sinh bệnh.
Lương y Chu Văn Tiến (Hội Đông y Vĩnh Tường)