Vật nuôi ăn đạm giả rất nguy hại cho con người.
Nguy hại từ “bột dinh dưỡng cao đạm”
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản về việc phát hiện một số doanh nghiệp sử dụng hoá chất trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua thanh tra đột xuất một số công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide trong “Bột dinh dưỡng cao đạm” để đưa bổ sung vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm.
Tuy nhiên, việc nâng cao độ đạm này không có tác dụng về mặt dinh dưỡng (đạm giả), mặt khác gây tồn dư trên động vật và gây các bệnh về thận cho động vật và con người khi dùng sản phẩm có chất này.
Hiện chưa rõ thông tin về tác dụng của các chất này đối với vật nuôi và mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm động vật có chứa các chất trên.
Tới đây cần làm rõ trên thế giới, có những nước nào cho phép sử dụng, cấm hoặc không sử dụng các chất trên. Tổng cục Thuỷ sản rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đảm bảo không sử dụng các chất trên, thẩm định và chỉ định Phòng kiểm nghiệm đối với chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide phục vụ cho việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Nghiên cứu đề xuất việc đưa các chất trên vào danh mục chất cấm sản xuất, kinh doanh trong thức ăn chăn nuôi.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, hóa chất Cyanuric Acide thường được dùng nhiều cho việc tẩy rửa, đặc biệt là làm sạch bể bơi. Chất này cũng có cấu trúc tương tự melamine, nên khi thịt động vật còn tồn dư những chất này, con người ăn vào sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Chất dicyandiamide chủ yếu được sử dụng để xử lý nước thải cho ngành dệt, in, nhuộm, làm giấy, khai thác mỏ, mực, xử lý nước thải với kích hoạt, tính axit và phân tán thuốc nhuộm.
Nó cũng có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất giấy và bột giấy. Dùng Dicyandiamide 99.5% min pha loãng với 10-40 lần nước và sau đó đổ vào nước thải trực tiếp. Sau vài phút, nó có thể được kết tủa hoặc lọc để có được nước sạch.
Không được dùng trong thực phẩm
Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, đây là những chất hóa học phổ biến không được phép dùng trong thực phẩm. Nếu con người ăn phải sẽ độc hại khôn lường. Chất hóa học này không hề có thành phần dinh dưỡng gì, nên không thể có tên là đạm.
“Phân đạm cũng là một loại đạm, nhưng không ai ăn phân đạm và bảo nó là đạm dinh dưỡng cả. Các chất kể trên vốn là các dẫn xuất của melamine, khi kiểm nghiệm nó lại giải phóng ra nitơ toàn phần khiến các thiết bị xét nghiệm nhầm đó là đạm, nhưng thực chất đó là đạm giả và không có tác dụng về dinh dưỡng với vật nuôi, thậm chí rất độc hại”.
PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, Hội KHCN Lương thực Thực phẩm cho rằng, về nguyên tắc trong chăn nuôi và trồng trọt, bất cứ chất gì không an toàn với người thì cũng không an toàn để sử dụng cho vật nuôi và cây cối. Các hóa chất này khi vật nuôi ăn phải, sẽ hấp thụ vào thịt, tác hại xấu cho con người.
Hiện nay có xu hướng không sử dụng đạm vô cơ cho vật nuôi và cây trồng mà chỉ sử dụng đạm hữu cơ. Không nên có tư duy cho rằng vật nuôi ăn vào sẽ giải phóng hết chất độc. “Cái gì là độc với người thì cũng độc với vật nuôi, nên những hóa chất lạ, không được phép sử dụng dưới bất cứ hình thức nào”, PGS.TS Nguyễn Kim Vũ cho biết.
Theo các chuyên gia, con người ăn phải những hóa chất này sẽ tổn hại thận, bàng quang do có thể phải đào thải ra bên ngoài. Đây là những chất độc đối với cơ thể.
Theo các chuyên gia, việc nhận biết thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, có bị nuôi bằng “đạm giả” hay không, gần như là rất khó. Bởi chất này không có mùi, cũng không có màu đặc trưng ở thịt để nhận biết. Việc cấm chất này là việc cần phải làm của các cơ quan chức năng.
Bảo Khánh