Theo quan niệm dân gian, người có bệnh, ốm yếu, trẻ em, phụ nữ mang bầu… tốt nhất là kiêng không nên đến đám tang.
Vệ khí kém dễ bị tà khí tấn công
Theo Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam, trong cơ thể người khí và huyết là hai yếu tố song hành nếu điều hòa tốt sẽ phòng bách bệnh. Huyết là một dịch thể hữu hình, trong khi khí là cái vô hình nhưng lại vô cùng quan trọng bởi “khí sinh huyết, khí hành thì huyết hành, khí trệ thì huyết ứ là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh tật”.
Nói về khí, cơ thể người có lớp vệ khí bảo vệ bên ngoài, tránh khỏi sự tấn công của các yếu tố ngoại tà, hay còn gọi là tà khí từ môi trường bên ngoài. “Gọi là tà nghĩa là xấu, là các khí xấu, ảnh hưởng không tích cực đến con người, chứ không nên hiểu là tà ma, hay gì đó mang tính mê tín dị đoan”, lương y Nguyễn Văn Sử giải thích. Khi cơ thể đau yếu, người có bệnh, sức khoẻ kém là lúc vệ khí yếu khó có thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của tà khí nên tà khí dễ xâm nhập làm cho người đau yếu càng dễ đổ bệnh nặng hơn.
Trong khi đó, ở các đám tang tà khí thường rất nặng nề, mà theo dân gian vẫn nói nôm na là “lạnh”, người ốm yếu, phụ nữ mang bầu, trẻ em, người có sức khoẻ kém đến những nơi đó sẽ dễ nhiễm hơi lạnh, khí lạnh.
Thực chất, là vì ở người chết quá trình oxy hoá chấm dứt, nhiệt độ cơ thể mất đi, thi thể lạnh và bắt đầu biến đổi do bị phân hủy; quá trình này khiến cho vi trùng, vi khuẩn và ký sinh trùng sẽ sinh sôi nhanh chóng và phát tán vào môi trường.
Không khí trong phòng tang lễ lúc này có thể nói là tăng sinh vi khuẩn và mầm bệnh. Vì vậy, việc những người có sức đề kháng yếu, đặc biệt những người có bệnh ảnh hưởng hệ miễn dịch, là những người mà theo Đông y đều có nguyên khí hoặc vệ khí kém thì nên tránh xa là có cơ sở khoa học.
Trong Tây y không có những kiêng cử như vậy, có thể vì ngày nay công nghệ hiện đại, người quá cố được giữ trong nhà lạnh và khi đưa ra tổ chức tang lễ cũng chỉ trong một vài tiếng nên việc phát sinh vi khuẩn, vi trùng hay mầm bệnh không quá ảnh hưởng đến môi trường, trừ những trường hợp qua đời do bệnh tật đặc biệt hoặc cơ thể đã hoại tử, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Tuy nhiên, nói chung, người ốm yếu cũng vẫn nên tránh những nơi môi trường kém trong lành, sạch sẽ, lại đông người, rất ồn ào, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.
BS Nguyễn Văn Hùng (nguyên bác sĩ Bệnh viện 105)
Tinh dầu diệt trừ vi khuẩn, xua tan tà khí
Trong dân gian có kinh nghiệm cho rằng khi phải đi dự đám tang, hoặc đưa tiễn người mất về nơi an nghỉ ở nghĩa trang, tốt nhất nên mang theo người củ tỏi hay quả bồ kết. Một số nơi đặt sẵn ở góc nhà một lò than đốt vỏ bưởi và quả bồ kết để trừ uế khí.
Hoặc nếu nhà có vườn rộng thì thường đốt đống lửa ở góc vườn, đặt nồi nước lá bưởi, lá chanh, lá ngũ vị để mọi người rửa, hơ liên tục, hoặc phun tinh dầu sả cho hơi nóng và hương thơm lan tỏa. Lương y Nguyễn Văn Sử cho rằng, thực chất những biện pháp hóa giải này cũng có cơ sở chứ không phải như nhiều người vẫn đơn giản chỉ nghĩ là mẹo trừ tà ma.
Xét về tính năng, hơi nóng của than và mùi vỏ bưởi, lá chanh, bồ kết có thể hỗ trợ sát khuẩn môi trường, làm giảm khả năng lây nhiễm; hoặc củ tỏi, quả bồ kết nướng có nhiều tinh dầu, hơi nóng và hương thơm của những thảo dược này cũng giúp diệt khuẩn, xua đi tà khí. Tuy nhiên, nếu không thích mùi tỏi thì có thể thay bằng dầu gió hay tinh dầu cũng có tác dụng tương tự.
Ngoài ra, với những người có con nhỏ, tốt nhất sau khi đi đám tang về nên hơ qua lửa (cả mặt, tay và vùng thân trước), rửa mặt mũi sạch sẽ, thay quần áo rồi mới bế trẻ. Cách làm này cũng có tác dụng xua đi tà khí, tẩy trùng, để cơ thể sạch sẽ mới tiếp xúc với trẻ, tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, vi trùng hay mầm bệnh cho trẻ.
Đức Anh