Dinh dưỡng phong phú
TS.BS Hoàng Thị Kim Thanh, nguyên chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, trong 100g giá đỗ chứa 5,5g protid, 5,3 glucid, 38g Ca, 91mg P, 1,4mg Fe, 0,2mg vitamin B1, 0,13mg vitamin B2, 0,75mg vitamin PP, 0,09mg vitamin B6, 10mg vitamin C. Lượng vitamin E trong giá đỗ lên tới 15 – 25mg, lượng calo là 44 calo. So sánh chất dinh dưỡng của giá đỗ với với đỗ xanh, lượng Vitamin B2 tăng 2-4 lần, caroten tăng 2 lần, vitamin C tăng 40 lần, vitamin B12 tăng 10 lần, nhóm B tăng 30 lần.
Giá đỗ nhiều dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, giá đỗ còn chứa nhiều khoáng chất amino acid, protein và chất có nguồn gốc thực vật (phytochemicals) rất bổ dưỡng. Vì chứa nhiều vitamin E nên giá đỗ có khả năng giúp phụ nữ thụ thai, hỗ trợ chữa bệnh hiếm muộn, chữa yếu sinh lý. Giá đỗ có thể dùng để hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, cholesterol máu, ung thư (đặc biệt là ung thư vú và ung thư trực tràng), thoái hóa khớp, parkinson, alzheimer…
Đặc biệt trong giá đỗ chứa một mật độ tế bào tăng trưởng và các nguyên tố vi lượng rất cao, đặc biệt là kẽm, omega 3, chất chống oxy hóa rất tốt cho sự phát triển của nội tiết tố nữ. Ăn nhiều giá đỗ cơ thể con người có thể sản sinh ra lượng estrogen (nội tiết tố sinh dục nữ) cao giúp phụ nữ chống lại quá trình lão hóa và mãn kinh, điều trị rối loạn kinh nguyệt…
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương giá đỗ có tính năng thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát, hạ hỏa, thông tiểu, tiêu thực, sinh tân dịch nên dùng để giải khát rất tốt. Đông y thường dùng để trị bệnh đầy bụng, phân sống, khan tiếng, giải độc kim loại, giải rượu… Đặc biệt, nhờ những hoạt chất khử gốc tự do, giá đỗ có một công dụng kỳ diệu là giải được nhiều loại chất độc của cơ thể trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, kể cả thạch tín.
Dùng sai hại tiêu hóa
Tuy nhiên, Ths.Bs Nguyễn Thị Tuyết Lan cũng cho biết, giá đỗ có tính giải độc nên có thể làm phân giải tác dụng của một số loại thuốc. Vì thế nếu đang uống thuốc điều trị bệnh thì không nên ăn giá đỗ gần với khi uống thuốc. Theo Đông y, giá đỗ có tính hàn gây lạnh nên những người thể hàn, chân tay lạnh thiếu lực, đi ngoài phân lỏng không nên ăn.
Người yếu mệt ăn giá đỗ với số lượng lớn, nhất là giá sống sẽ khiến khí huyết ngừng trệ, lạnh bụng, người mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, tỳ vị yếu, rối loạn đường tiêu hóa. Không ăn nhiều giá sống khi đói sẽ gây đau bụng, không tốt cho dạ dày. Bên cạnh đó, thân giá là một loại mầm cây non giàu nước và khoáng chất nên rất dễ bị phân hủy, dễ nhiễm độc và là môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển. Giá rất nhanh bị thối nhũn ở nhiệt độ thường nên là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật, vi khuẩn, nấm mốc độc hại phát triển. Do vậy, nên ăn giá ngay sau khi thu hoạch, không nên để lâu. Khi có biểu hiện bị thối rễ, đen, hỏng, tuyệt đối không ăn.
TS.BS Hoàng Kim Thanh cũng cho biết, giá đỗ là món ăn quen thuộc có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm nhưng không phải loại thực phẩm nào cũng phù hợp. Khi ăn giá đỗ nên nhặt bỏ phần rễ là nơi vi sinh vật thường trú ngụ xâm nhập đầu tiên. Ăn giá sống nếu chưa rửa sạch, ngâm qua nước muối có thể sẽ nhiễm vi sinh vật bởi nước ngâm giá chưa chắc là nước sạch.
Gan và giá là hai thực phẩm tránh kết hợp.
Tốt nhất là nên trần giá qua nước sôi trước khi ăn. Giá nhiều dưỡng chất nhưng tính hàn nên không nên ăn sống quá 500g/ngày. Trong giá đỗ cũng có rất nhiều vitamin C, khi xào nấu với gan lợn, gan gà, sắt và đồng có nhiều trong gan sẽ oxy hóa làm mất công dụng vitamin C và một số chất bổ trong gan, thậm chí còn tạo ra một số chất độc hại cho cơ thể. Tốt nhất là nên kết hợp giá với thịt nạc, đậu phụ, nấm, dưa chuột, cà rốt, nộm gà, canh thịt băm… sẽ cho dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.
Đức Vinh