7 loại giun sán ký sinh trong người cô gái: Bác sĩ khuyến cáo gì?

Mới đây, bác sĩ Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 26 tuổi ở Quảng Bình bị ngứa da lâu năm chữa đủ mọi cách không khỏi, xét nghiệm phát hiện bệnh nhân dương tính với 7/9 loại giun sán phổ biến.

Theo các bác sĩ, số lượng ca nhiễm ký sinh trùng trong thời gian gần đây có xu hướng tăng lên. Ngoài môi trường sống, thói quen ăn uống, tiếp xúc với đất, cát làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân mắc các bệnh giun sán, ký sinh trùng

Bệnh ký sinh trùng dễ xâm nhiễm khi có các yếu tố thuận lợi, nhất là tại các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện tốt cho các loài ký sinh trùng dễ phát tán, sinh sôi. Ngoài ra, tập tục sinh hoạt cũng tạo điều kiện cho ký sinh trùng có cơ hội “tấn công” con người.

Tại Việt Nam do điều kiện khí hậu và tập tục sinh hoạt của một số địa phương còn lạc hậu dễ tạo điều kiện cho các loại ký sinh trùng phát triển. Điển hình như việc lấy phân động vật bón cho cây trồng như rau, cây ăn trái chưa qua xử lý, tạo điều kiện ký sinh trùng xâm nhiễm. Ngoài ra, nhiều người không tuân thủ ăn chín, uống sôi.

Đặc biệt ký sinh trùng có thể tồn tại trong thức ăn nấu chưa chín như thịt bò, thịt heo, cá, cua, ếch hay rau sống… là nguồn mang rất nhiều mầm bệnh giun sán, đặc biệt là sán dây hay sán dải. Đáng lo ngại khi theo quan niệm của nhiều người, những thức ăn bổ dưỡng tươi sống như thịt tái, “ăn thuận tự nhiên” không qua chế biến sẽ tốt nhưng thực ra nó ẩn chứa mầm bệnh ký sinh trùng rất cao.

Tỉ lệ mắc bệnh giun sán, ký sinh trùng cũng tập trung theo vùng miền. Ví dụ vùng Tây Bắc, Sơn La, người dân thường ăn gỏi, ăn đồ sống chưa qua chế biến hay cư dân miền biển, ăn nhiều món hải sản tươi sống nên tỉ lệ mắc bệnh thường cao hơn.

Biến chứng khi bị nhiễm ký sinh trùng

Bệnh do ký sinh trùng nếu như không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: giun đi lạc chỗ đến cơ quan quan trọng, tắc ruột, tắc ống mật, viêm màng não, rối loạn tim mạch, viêm phổi, viêm ruột, thiếu máu, suy dinh dưỡng.

Đặc biệt, với người bệnh suy giảm miễn dịch thì hậu quả nặng nề, có thể biến chứng tử vong nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời.

Phòng ngừa ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể

Để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng, con người cần thay đổi thói quen hàng ngày, tuân thủ ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay, để chủ động phòng tránh ký sinh trùng.

Rèn luyện thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân

Cần cắt móng tay gọn gàng, sạch sẽ, bỏ thói quen ngậm hay mút tay, sờ tay lên vùng mắt, mũi miệng, vùng vết thương hở.

Rửa tay thường xuyên và đều đặn mỗi ngày, cần rửa tay trước khi ăn, khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh…

Dùng bộ đồ vệ sinh cá nhân riêng: bàn chải đánh răng, khăn mặt, lược chải đầu…

Thực hiện ăn chín uống sôi, không nên ăn thực phẩm tươi sống chẳng hạn như gỏi cá sống, thịt tái,…

Thường xuyên vệ sinh đồ dùng cá nhân

Đồ dùng cá nhân không vệ sinh thường xuyên sẽ có nguy cơ là nơi khu trú, sinh sống của ký sinh trùng gồm: đồ chơi, quần áo, vật dụng cá nhân. Do đó, chúng ta phải vệ sinh đồ dùng, đồ chơi bằng cách tẩy rửa, khử trùng, đặc biệt là đồ chơi cho trẻ nhỏ. Trẻ hay cầm nắm, chơi đùa, cho vào miệng từ đó tạo cơ hội giun, sán xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng.

Ăn uống hợp vệ sinh

Người lớn cần hạn chế thói quen ăn đồ tái, sống phổ biến như: tiết canh, cá sống, các loại rau xanh…. và tránh ăn uống tại các hàng quán không đảm bảo vệ sinh.

Tẩy giun định kỳ

Tẩy giun định kỳ cho trẻ em và người lớn là cách phòng ngừa bệnh do ký sinh trùng hiệu quả. Chúng ta cũng được chuyên gia khuyến cáo cần tẩy giun định kỳ, ngoại trừ trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Trang bị kín khi đi khám phá những nơi hoang dã

Nhiều loài ký sinh trùng nguy hại sinh sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là vùng hoang dã, khí hậu ẩm ướt. Khi chúng ta đi du lịch đến những nơi này cần trang bị quần áo, tắm rửa, khử khuẩn sạch sẽ đồ đạc cá nhân thường xuyên, tránh nguy cơ ký sinh trùng có thể bám vào quần áo, bám trên da, vết thương hở… từ đó có cơ hội đi vào cơ thể.

Theo Đời sống
back to top