Chân tay lạnh... cẩn thận bệnh nguy hiểm

Nếu tình trạng chân tay lạnh diễn ra thường xuyên, ngay cả khi thời tiết ấm áp, bạn nên cẩn trọng vì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm.

Chân tay lạnh chưa chắc do trời lạnh

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Viện y học Phóng xạ và ung bướu Quân đội cho biết, chân và tay thường có nhiệt độ thấp hơn các bộ phận khác. Vì vậy, vào mùa đông, chân tay thường là vị trí dễ bị lạnh nhất.

Hiện tượng chân tay lạnh do không giữ ấm là điều bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chân tay lạnh diễn ra cả năm, ngay cả khi thời tiết ấm áp thì đó là dấu hiệu cần chú ý.

Chân tay lạnh cẩn thận bệnh nguy hiểm - Ảnh minh họa

Chân tay lạnh cẩn thận bệnh nguy hiểm - Ảnh minh họa

Chân tay lạnh do thiếu máu: Chân tay lạnh có thể là biểu hiện của thiếu máu do thiếu sắt. Chuyên gia dinh dưỡng Alyssa Tucci, từ New York (Mỹ) giải thích rằng các tế bào hồng cầu cần sắt để mang oxy vào máu. Khi lượng sắt thấp, gây ra tình trạng thiếu máu với biểu hiện rõ nhất là gan bàn tay, gan bàn chân luôn ở trong trạng thái lạnh.

Phong thấp: Hội chứng Raynaud cũng là một nguyên nhân khiến cho chân tay bị lạnh. Người mắc hội chứng này sẽ có phản xạ tự điều tiết của cơ thể ở trạng thái quá nhạy cảm, quá mẫn với sự thay đổi nhỏ của nhiệt độ bên ngoài. Khi đó, ngón tay, ngón chân dễ bị lạnh và tím tái. Khi trời lạnh, các bộ phận này trở nên sưng đỏ.

Thận hư theo đông y: Thận hư cũng là một trong những nguyên nhân khiến tay chân bị lạnh. Biểu hiện suy thận thường xảy ra đột ngột khiến người bệnh có cảm giác ớn lạnh như bị một cơn gió lạnh bất ngờ thổi qua. Người bệnh có thể cảm thấy chân tay bị lạnh buốt ngay cả giữa mùa hè. Cảm giác lạnh có thể lan tới đầu gối, khuỷu tay.

Ngoài ra, người bị suy thận còn có một số biểu hiện như đi tiểu nhiều lần , đau thắt lưng, mỏi gối, mệt mỏi, mất ngủ.

Tai biến: Ở giai đoạn đầu của tai biến, trúng gió , có thể có các triệu chứng vã mồ hôi lạnh , chân tay lạnh nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa , đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn có thể hôn mê, chân tay co cứng…

Tay chân lạnh có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm cả về thể chất và tinh thần - Ảnh minh họa
Tay chân lạnh có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm cả về thể chất và tinh thần - Ảnh minh họa

Nhiều bệnh nguy hiểm cả về thể chất và tinh thần

Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y dược TP HCM cho biết, tay chân lạnh ngắt không thể coi thường bởi có thể nó là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm.

Thiếu máu và tuần hoàn kém: Thiếu máu cục bộ ở các đầu ngón tay, ngón chân thường gây ra co thắt, da nhợt nhạt, yếu và bàn tay lạnh.

Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng: Đói, thiếu i ốt, chế độ ăn kiêng quá khắt khe, không đảm bảo chất dinh dưỡng, thiếu vitamin B12 - vitamin có vai trò quan trọng trong việc hình thành các tế bào máu đỏ dẫn tới thiếu máu, thiếu sắt, lượng hồng cầu trong máu hạ thấp làm cho chân tay lạnh và có cảm giác tê buốt như bị kim châm.

Suy giáp: Tuyến giáp là tuyến nhiệt chủ yếu trong cơ thể chúng ta. Khi bị suy giáp, cơ thể sẽ vô cùng mệt mỏi, tóc rụng nhiều, trí nhớ giảm sút và chân tay dễ bị lạnh vào mùa đông.

Huyết áp thấp: Những người khỏe mạnh nhưng có huyết áp thấp thường tập trung dòng máu vào phần thân mình, khiến các đầu ngón tay, chân bị lạnh.

Tâm lý lo lắng và căng thẳng quá độ: Căng thẳng hay lo lắng cao độ cũng là nguyên nhân khiến chân tay lạnh. Cơ thể của người thường xuyên lo lắng có một phản ứng khá tự nhiên là sản xuất ra hormone adrenaline, làm giảm lưu lượng máu đến các vùng ngoài cùng của cơ thể. Từ đó, dẫn đến hiện tượng bị tắc nghẽn mạch, không đủ nuôi dưỡng tế bào trên cơ thể, đặc biệt là ở phần tay và chân.

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường: Người bị đái tháo đường (tiểu đường) có lượng đường trong máu cao. Điều này khiến mạch mạch bị thu hẹp, giảm lượng máu cung cấp đến các tế bào. Không chỉ bị lạnh chân, người bệnh còn có các triệu chứng khác như: bị ngứa ran hoặc có cảm giác như bị kim châm, tê hoặc đau rát ở bàn chân và các ngón chân.

Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau, bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường là một trong số đó. Nó đi kèm với các triệu chứng tê đối xứng ở các chi, trong đó tê chi dưới là phổ biến nhất.

Xoa bóp, ngâm chân giúp chân tay bớt lạnh - Ảnh minh họa

Xoa bóp, ngâm chân giúp chân tay bớt lạnh - Ảnh minh họa

Thoái hóa đốt sống cổ: Thường xuyên bị tê ở một tay có thể do thoái hóa đốt sống cổ. Chủ yếu là do tăng sản xương cổ lâu ngày, thoát vị đĩa đệm,… dẫn đến chèn ép rễ thần kinh cột sống cổ hoặc động mạch đốt sống, dẫn đến hàng loạt rối loạn chức năng. Gần 70% triệu chứng tê tay là do bệnh lý rễ đốt sống cổ gây ra.

Nhồi máu não: Nếu tình trạng tê ngón tay xuất hiện ở một bên chi, còn bên kia hoàn toàn bình thường, kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt thì bạn nên cảnh giác với bệnh nhồi máu não. Tình trạng tê chân tay do bệnh này gây ra thường cấp tính và bạn phải nhanh chóng đi khám.

Bệnh gout: Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy khoảng 1% bệnh nhân tê tay là do bệnh gút, nguyên nhân có thể là do sự kết tủa của axit uric ở dây thần kinh giữa.

Bệnh về tim mạch: Khi nhiệt độ bên ngoài thay đổi, khả năng lưu thông máu tới các chi của những người mắc một số bệnh về tim mạch có thể bị giảm.

Bệnh Lupus: Căn bệnh này có thể tấn công các mạch máu nhỏ trong da của bàn tay và bàn chân và ngăn ngừa sự di chuyển máu bình thường. Kết quả là bàn tay, bàn chân bạn bị lạnh hoặc ra mồ hôi.

Một số biện pháp hạn chế tình trạng lạnh tay chân

Ngâm chân: Ngâm chân trong nước ấm 10-15 phút có thể giúp máu lưu thông tốt hơn tới bàn chân, giảm cảm giác lạnh chân. Việc này nên thực hiện hằng ngày trước khi đi ngủ.

Lưu ý, người bị tổn thương thần kinh ngoại biên do tiểu đường nên cẩn trọng khi ngâm chân bằng nước ấm vì cảm giác về nhiệt độ của họ không được chính xác, dễ bị bỏng.

Đi tất và giày ấm: Người bị lạnh chân nên giữ ấm bằng cách đi tất và đi giày ấm. Ngay cả khi ở trong nhà, việc mang tất và đi dép hoặc sử dụng các loại thảm trải sàn cũng là giải pháp tốt để chân bớt lạnh.

Dùng túi sưởi: Túi sưởi là biện pháp giữ ấm cho cả tay và chân hiệu quả trong mùa đông. Hiện nay, có nhiều loại túi sưởi, máy sưởi nhỏ gọn để người dùng có thể mang đi sử dụng ở bất cứ đâu.

Theo Đời sống
back to top