Mùa lạnh cẩn thận chân, tay hoại tử vì tắc động mạch

Có bệnh nhân bị liệt, hoại tử ngón chân hoặc phải cắt bỏ cả chi mới biết mình bị bệnh tắc động mạch chi chứ không phải đau xương khớp. Mùa đông lạnh, ẩm gây co thắt mạch máu khiến bệnh gia tăng từ 10 - 15%.

Nhiều khi phải cắt cụt chi khẩn cấp để cứu tính mạng

Ông Nguyễn Văn T. (60 tuổi, Hà Nội) hơn 1 tháng nay bị đau chân đi lại khó khăn. Ông đi bệnh viện khám, được chẩn đoán thoái hóa khớp. Ông điều trị thuốc cơ xương khớp 2 tuần nhưng bệnh không đỡ, đau tăng lên, hai chân tê bì và lạnh.

Tiền sử ông có rất nhiều bệnh lý nền: Tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá... khi đi kiểm tra lại, ông được các bác sĩ cho siêu âm hệ động tĩnh mạch và phát hiện tắc hoàn toàn động mạch đùi chi dưới.

BSCKII Nguyễn Thế Huy, Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E T.Ư cho biết, may mắn ông T. phát hiện bệnh kịp thời, được tiến hành can thiệp nong mạch và đặt stent động mạch nên ngay sau đó ông đã hết đau và tê bì, đi lại bình thường.

tac-chi.jpg
Hình ảnh phim chụp tắc các động mạch chi của bệnh nhân

Nhiều người không được điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng khiến chân có thể mất chức năng vận động vĩnh viễn. Rất nhiều bệnh nhân khi thấy chân tím đen, hoại tử ngón mới đến viện thì không can thiệp được nữa mà phải cắt cụt chi.

PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, bệnh tắc động mạch chi dưới ngày càng xuất hiện nhiều. Trước đây mỗi tháng Viện Tim mạch chỉ tiếp nhận vài ba bệnh nhân. Hiện nay, bệnh nhân đến nhập viện ngày càng nhiều, tăng lên cả chục lần. Điều đáng nói, hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng vì tự chẩn đoán hoặc được chẩn đoán nhầm là do bệnh cơ xương khớp, do đau thần kinh ngoại vi, hoặc do tuổi già… nên việc điều trị rất khó khăn, nhiều trường hợp phải cắt bỏ chi.

BSCKII Nguyễn Thế Huy phân tích, bệnh động mạch chi chủ yếu do xơ vữa động mạch hẹp tắc lòng mạch dẫn đến thiếu máu và có thể hoại tử các bộ phận như ngón chân hoặc bàn chân. Bệnh chủ yếu gặp ở chi dưới, nhưng cũng có thể gặp ở chi trên trong các bệnh cảnh khác nhau.

Bệnh gặp chủ yếu ở người > 60 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Các yếu tố thuận lợi làm cho bệnh phát triển như khí hậu lạnh và ẩm kéo dài (do gia tăng phản ứng co thắt mạch máu), nghiện thuốc lá, ăn uống thiếu các vitamin. Bệnh gia tăng trên nhóm các đối tượng có kèm các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu.

Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân thường không có triệu chứng rõ ràng, sau đó xuất hiện đau, mỏi và co cứng bắp chân, đùi, hoặc mông khi đi bộ, phải dừng lại, ngồi nghỉ một lúc mới có thể tiếp tục đi được. Hiện tượng đó lặp lại sau một khoảng cách đi bộ nhất định. Khoảng cách đó ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên.

Tiếp đến, bệnh nhân đau bàn, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ. Bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân. Da chân tái và lạnh, xuất hiện loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân, kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng. Toàn trạng bệnh nhân suy sụp nếu bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, phải cắt cụt chân khẩn cấp để cứu tính mạng.

tac-chi-1.jpg
Mùa lạnh cẩn thận chân, tay hoại tử vì tắc động mạch - ca can thiệp tại bệnh viện E

Khó điều trị, dễ biến chứng tử vong

BSCKII Nguyễn Thế Huy cho biết, việc điều trị tắc động mạch chi rất khó khăn và cần phối hợp nhiều chuyên khoa tim mạch. Bên cạnh điều trị nội khoa bao gồm các thuốc chống đông, giảm đau, giãn mạch, các biện pháp mới như can thiệp nong bóng, đặt khung giá đỡ kim loại (stent) hoặc phẫu thuật bắc cầu nối mang lại nhiều hiệu quả giúp phục hồi tốt hơn cho người bệnh.

Phẫu thuật cắt cụt chi bị viêm tắc động mạch là biện pháp cuối cùng, khi tình trạng chi đã hoại tử không thể cứu vãn có thể nguy hiểm đến tính mạng...

Vì vậy, BSCKII Nguyễn Thế Huy khuyên, những người có yếu tố nguy cơ cao dễ mắc bệnh động mạch chi gồm: Hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, ít vận động, béo phì… nếu xuất hiện các dấu hiệu như đau tức chân nhiều, cảm giác đau tức tăng khi vận động, tím lạnh 2 chi dưới, nổi phỏng nước, mất vận động… cần đến các cơ sở chuyên sâu về mạch máu đề khám và điều trị.

Không nên bỏ qua các triệu chứng hay tự điều trị tại nhà sẽ gây ra một số biến chứng như là huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối động mạch phổi, nhồi máu não… gây khó khăn cho điều trị hoặc nặng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Cách phòng bệnh là loại bỏ các yếu tố kích thích gây co thắt mạch máu như lạnh, ẩm. Không hút thuốc. Tránh tình trạng căng thẳng kéo dài về tâm, sinh lý. Chế độ ăn uống đầy đủ các chất và vitamin.

Cùng với các bệnh lý tim mạch khác, về mùa đông, tắc động mạch chi thường tăng thêm 10 – 15%. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh ẩm gây co mạch và trời lạnh người dân ít hoạt động khiến bệnh phát triển.

Theo Đời sống
Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Dị vật đường ăn rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn, nuốt đau, nuốt khó, không ăn uống được cho bệnh nhi, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng tạo ổ mủ trong thực quản nếu dị vật bị sót lại.
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top