5 thói quen tốt giúp thận luôn khỏe mạnh bạn cần biết

Thói quen sinh hoạt khoa học chính là “bài thuốc” tốt nhất để phòng ngừa các bệnh lý về thận. Dưới đây là một số thói quen tốt giúp thận của bạn luôn khỏe mạnh.

Thận là cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu, nằm ở khoang bụng sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống. Chúng nằm ngang đốt ngực T11 đến đốt thắt lưng L3. Thận phải nằm thấp hơn thận trái một chút. Ngoài chức năng lọc máu và đào thải độc tố theo đường niệu đạo dẫn đến bàng quang và thải ra ngoài, thì thận còn giúp tái hấp thu nước, các acid amin và glucose. Ngoài ra, thận có chức năng nội tiết, là nơi sản xuất các hormone như: calcitriol, renin, và erythropoietin.

Thói quen giúp thận luôn khỏe mạnh

Thường xuyên vận động vừa sức

Tập thể dục không chỉ cần thiết với những người bình thường, mà đối với những người bị bệnh thận cũng cần duy trì vận động. Việc luyện tập thể thao điều độ không những giúp tăng cường sự dẻo dai cho các cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch, giúp khí huyết được lưu thông tốt hơn mà còn giúp ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides), tăng cường sức khỏe tim mạch. Đây là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa sự tổn thương của thận. Vì vậy, thói quen tốt cho thận này cần được duy trì thường xuyên.

Tuy nhiên, đối với những người thận bị yếu cần chú ý: loại bài tập, thời gian tập luyện, cường độ và thời gian tập luyện. Với đối tượng này nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga, earobic… Với những người mới tập luyện nên tập từ từ, rồi tăng dần thời gian lên, nên duy trì 30-45 phút/ngày, tập ít nhất 3 ngày/tuần. Tùy vào sức khỏe mỗi người mà có cường độ tập khác nhau, tập vừa với sức của mình. Khi thấy mệt, khó thở, tim đập nhanh, đau bụng… thì cần dừng lại ngay.

Uống đủ nước

Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể, và đặc biệt với những người bị thận yếu thì cần đặc biệt lưu ý. Các bác sĩ khuyến cáo, người bị bệnh thận không nên uống quá nhiều hay quá ít nước, vì uống nhiều nước sẽ tạo áp lực lên cho thận. Song, cũng không được uống ít nước sẽ làm tăng nguy cơ thận bị nhiễm độc, do thận sẽ không đủ nước để co bóp đẩy cặn bã và độc tố ra ngoài. Vì vậy, chỉ cần uống một lượng nước vừa đủ mỗi ngày.

Hạn chế sử dụng rượu bia, và ngưng hút thuốc lá

Đây là hai yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể, trong đó có thận. Nếu thường xuyên uống quá nhiều bia rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận làm việc hết công suất mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính. Đồng thời, uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận.

Kiểm soát đường huyết

Với những người bị bệnh tiểu đường, hoặc có nguy cơ có lượng đường huyết cao là những đối tượng dễ làm tổn thương thận. Một khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng hết đường trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Điều này xảy ra trong thời gian dài có thể làm nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bản thân kiểm soát đường trong máu thì có thể giảm được nguy cơ gây hại cho thận. Bên cạnh chế độ tập luyện và dinh dưỡng hợp lý thì cần thăm khám định kỳ. Khi phát hiện sớm, bác sĩ có cách để giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương ở thận.

Duy trì cân nặng phù hợp

Những người thừa cân hoặc béo phì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao có thể làm hỏng thận. Vì vậy, cần theo dõi và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức phù hợp. BMI là chỉ số thể dùng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số BMI được tính cho người trưởng thành bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Một người có chỉ số khối cơ thể bình thường dao động trong khoảng 18,6-24,9. Nếu vượt qua chỉ số này vượt quá 25, cơ thể đang bị thừa cân béo phì. Để làm được điều này, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học.

Theo Đời sống
back to top