Theo thông tin từ Phòng khám Đa khoa Medlatec Thanh Hóa, bệnh nhân P.T.T, 79 tuổi (Đông Sơn, Thanh Hóa), đến khám với triệu chứng đau bụng vùng hố chậu trái. Cơn đau âm ỉ, liên tục suốt 2 ngày, không lan tỏa, không kèm sốt, nôn hay khó thở.
Bệnh nhân cho biết đại tiện phân nát, tiểu tiện bình thường và chưa dùng thuốc trước khi khám.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân T. có tiền sử đái tháo đường type 2, đang điều trị đều đặn. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bà tỉnh táo, da niêm mạc hồng, không sốt, mạch 80 lần/phút, nhiệt độ 37°C, BMI 28.1 kg/m² (thừa cân). Vùng hố chậu trái ấn đau rõ, bụng mềm, không có dấu hiệu viêm phúc mạc.
BSCKI. Lê Thị Hoàng - Khoa Nội chỉ định xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu (WBC): 9.2 Giga/L (bình thường 3.5-10.5 Giga/L). Bạch cầu trung tính: 6.36 Giga/L (bình thường 2.0-6.9 Giga/L). CRP (protein phản ứng C): 11.87 mg/L (bình thường 0-5 mg/L), gợi ý tình trạng viêm nhẹ. Các chỉ số hồng cầu, tiểu cầu, chức năng gan thận đều trong giới hạn bình thường.
![]() |
Hình ảnh siêu âm phát hiện khối tăng âm có viền giảm âm quanh tại vị trí cạnh hố chậu trái |
Trên hình ảnh siêu âm bụng, kết quả phát hiện một cấu trúc tăng âm hình bầu dục cạnh đại tràng sigma, kích thước khoảng 1.5-3.5 cm, không có tín hiệu mạch trên Doppler màu, kèm viền giảm âm xung quanh.
![]() |
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính đại tràng sigma cạnh bờ trước ngoài |
Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng không tiêm thuốc cản quang cho thấy cấu trúc hình trứng, tỷ trọng mỡ nằm cạnh đại tràng sigma với viền tăng tỷ trọng, kích thước 36x14 mm, xung quanh có thâm nhiễm mỡ - hình ảnh đặc trưng của viêm bờm mỡ.
Dựa trên triệu chứng đau khu trú, không sốt, CRP tăng nhẹ, cùng kết quả siêu âm và chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ kết luận bệnh nhân T. mắc viêm bờm mỡ đại tràng sigma - một tình trạng lành tính nhưng cần được phát hiện sớm.
Từ kết quả chẩn đoán trên, bác sĩ Hoàng đưa ra hướng điều trị nội khoa với phác đồ gồm men tiêu hóa và thuốc giãn cơ.
Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân tái khám và cho biết không còn đau bụng, không sốt, đại tiện bình thường.
Triệu chứng của viêm bờm mỡ đại tràng
Theo các bác sĩ, viêm bờm mỡ đại tràng là một bệnh lý thuộc hệ tiêu hóa, thường không được chú ý do những biểu hiện khá mờ nhạt. Mặc dù không gây nguy hiểm tức thời, nhưng bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng tiềm tàng nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Triệu chứng của viêm bờm mỡ đại tràng có thể xuất hiện với nhiều mức độ và biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Thông thường, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở vùng bụng do sự cọ xát của bờm mỡ đại tràng với các cơ quan xung quanh. Viêm bờm mỡ đại tràng có những triệu chứng như:
Đau bụng: Vùng đau thường xuất hiện ở khu vực bụng giữa và dưới, tập trung nhiều ở bên trái. Cảm giác đau có thể từ nhẹ nhàng, âm ỉ đến dữ dội, đặc biệt đau nhiều khi ấn mạnh vào bụng hoặc trong khi thở sâu. Cơn đau cũng có thể nhiều hơn khi người bệnh bị chướng bụng.
Buồn nôn: Một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng buồn nôn, gây khó chịu kéo dài.
Sốt nhẹ: Có thể gây ra sốt nhẹ, thường không kéo dài.
Chán ăn: Người mắc bệnh thường mất cảm giác thèm ăn, dẫn đến tình trạng chán ăn và suy nhược.
Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy có thể xuất hiện trong một vài trường hợp, tuy nhiên, triệu chứng này không phải là điển hình và không thường gặp ở mọi bệnh nhân.
Cần lưu ý rằng, các triệu chứng của viêm bờm mỡ đại tràng có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác về đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng. Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, bệnh nhân cần thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm bờm mỡ đại tràng
Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm bờm mỡ đại tràng mà bạn có thể tham khảo:
Kiểm soát cân nặng: Việc duy trì cân nặng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự hình thành các mô mỡ quanh đại tràng. Theo dõi chỉ số cơ thể thường xuyên và xây dựng lối sống khoa học giúp giảm thiểu nguy cơ mắc viêm bờm mỡ đại tràng.
Kiểm soát lượng thức ăn: Hạn chế ăn uống quá đà giúp giảm áp lực lên hệ tiêu hóa, đặc biệt là đại tràng. Việc ăn vừa đủ, không để thức ăn bị tích tụ sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng tích tụ mô mỡ xung quanh đại tràng.
Tăng cường vận động: Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn giúp cải thiện hệ tiêu hóa và duy trì cân nặng ổn định. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh viêm bờm mỡ đại tràng.
Ăn uống khoa học: Đảm bảo ăn uống đúng giờ và đủ bữa giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa, từ đó ngăn ngừa nguy cơ gây ra các vấn đề cho đại tràng.
Điều trị bệnh lý đường tiêu hóa: Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như viêm đại tràng, viêm túi thừa hay các bệnh lý đường tiêu hoá khác, việc điều trị kịp thời và dứt điểm sẽ giúp hạn chế khả năng phát sinh viêm bờm mỡ đại tràng.