Để làm giảm đi các triệu chứng do nhiệt miệng gây ra, người bệnh có thể dùng các loại nước ép từ nguyên liệu thiên nhiên thay vì dùng thuốc có thể gây tác dụng phụ. Có rất nhiều loại trái cây, rau củ có tính mát, vậy nhiệt miệng uống nước gì thì nhanh lành vết thương và mau khỏi bị nhiệt miệng?
Nhiệt miệng là bệnh khá thường gặp, dù không nguy hiểm song tình trạng đau, sưng ở bên trong miệng gây không ít phiền toái và khó khăn trong việc ăn uống.. Ảnh minh họa |
Bột sắn dây
Uống bột sắn dây là một cách hữu hiệu để chữa nhiệt miệng. Không chỉ giúp thanh lọc cơ thể từ bên trong, việc uống bột sắn dây còn giúp làm dịu mát vết loét nhanh chóng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng loại bột này có tính hàn nên bạn không nên uống nhiều hơn 1 ly/ngày. Ngoài ra, cần pha bột sắn dây bằng nước nóng để làm chín bột, hạn chế nguy cơ bị đau bụng, tiêu chảy.
Nước cam
Khi nhiệt miệng, nhiều người thường chọn nước cam bởi chúng có hàm lượng vitamin C cao, có lợi trong việc thúc đẩy hệ thống miễn dịch, chống oxy hóa, kháng viêm.
Nước cam còn chứa chất folate, loại vitamin B đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành của các tế bào mới, thúc đẩy quá trình làm lành các vết thương, vết lở loét. Với đặc tính này, nước cam rất có ích khi bị nóng trong người.
Có thể thêm một chút đường nếu như nước cam quá chua và uống một lần mỗi ngày để khắc phục sớm tình trạng khó chịu này.
Nhân trần
Nhân trần vị hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng thanh nhiệt, lợi mật, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp. Nếu mắc chứng nhiệt miệng có thể uống nước nhân trần pha nước lọc có chút mật ong để uống.
Tuy nhiên, người trưởng thành không nên uống quá nhiều nhân trần hằng ngày. Do nhân trần có tác dụng lợi tiểu, có khả năng đào thải nhiều nước và các chất dinh dưỡng ra ngoài. Tình trạng này kéo dài khiến dễ mất nước và mệt mỏi.
Rau má
Rau má thuộc họ hoa tán có tính hàn, khả năng làm mát cơ thể. Trong cây rau má có chứa chất triterpenoids, có tác dụng làm lành vết thương, vết lở loét rất nhanh, tăng cường chất chống oxy hóa tại vị trí vết thương, vết lở loét.
Nếu bị nhiệt miệng có thể giã nhuyễn rau má, vắt lấy nước uống, sử dụng đều đặn hằng ngày, tình trạng bệnh sẽ phục hồi nhanh chóng.
Lưu ý không nên sử dụng rau má quá 6 tuần và không nên dùng cho người có tiền sử mắc bệnh gan, ung thư.
Rau diếp cá
Rau diếp cá có vị cay, hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Loại rau này cũng có tính kháng khuẩn, tiêu diệt ký sinh trùng nên có tác dụng trong việc điều trị nhiệt miệng. Bạn có thể giã nhuyễn, vắt lấy nước uống hoặc xay làm sinh tố, ăn cả bã rau diếp cá sẽ rất tốt cho việc điều trị và làm mát cơ thể.
Duy trì mỗi ngày một cốc nước ép rau diếp cá, tình trạng nhiệt miệng sẽ được cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, rau diếp cá có mùi hơi tanh nên cân nhắc trước khi dùng loại nước ép này.
Nước chè tươi
Kháng sinh tự nhiên và các chất chống oxy hóa trong nước chè tươi có tác dụng chống lại sự tấn công của vi khuẩn rất tốt.
Nước dừa
Để trị loét miệng, có thể uống nước dừa 2 lần/ngày, vào buổi sáng sớm và chiều tối. Để giúp nước dừa thẩm thấu nhanh hơn vào các vết loét, nên uống trước khi ăn, uống liên tục từ 2 đến 3 ngày sẽ giảm đau và đẩy nhanh quá trình hồi phục, đồng thời ngăn chặn các nguyên nhân gây hôi miệng.
Tuy nhiên, do nước dừa có tính hàn, nên những người mới ốm dậy, người bị thấp khớp, người bị huyết áp thấp, cảm lạnh hoặc suy nhược cơ thể nên hạn chế uống nước dừa.
Thói quen ăn uống tốt phòng ngừa nhiệt miệng
Nếu bạn thường xuyên bị nhiệt miệng, có thể chế độ ăn uống và sức khỏe của bạn đang không tốt nên cần xem xét loại bỏ các thói quen xấu, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
Hạn chế thực phẩm ít cay, ít gia vị, ít nóng dễ ăn và ít gây tổn thương cho miệng hơn.
Hạn chế ăn các món quá khô, quá cứng hoặc quá giòn sẽ làm tổn thương niêm mạc miệng gây ra nhiệt miệng, thay vào đó nên chọn các thức ăn mềm, dễ ăn.
Tránh thực phẩm, thức uống nhiều cồn hoặc các chất gây nóng người, tích tụ độc tố.
Tránh các món chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn chứa nhiều chất gây hại cho sức khỏe và khoang miệng.
Ngoài chế độ ăn uống trên, để tránh nhiệt miệng bạn cũng cần chăm sóc răng miệng thường xuyên, súc miệng nước muối sát khuẩn và có thói quen ăn chậm, nhai kỹ, tập trung vào bữa ăn.