Mặc ấm, đi tất... chân tay vẫn lạnh cóng
Lạnh, cước tay chân và tai là bệnh thường gặp trong mùa đông. Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh cước là do khí độc ở ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Các loại khí độc này là hàn (lạnh) và thấp (ẩm ướt) khí. Bệnh nhân sống ở vùng ẩm ướt, hay tiếp xúc với nước lạnh (đồng ruộng, chế biến thực phẩm đông lạnh mà không dùng găng, ủng), khí hậu lạnh lẽo, hay đi chân đất, nằm ngồi hoặc ngủ dưới đất lâu ngày hàn và thấp khí xâm nhập vào da thịt, gân mạch mà sinh bệnh.
Vào mùa mưa hoặc mùa lạnh thì bệnh thường phát nặng hơn. Bệnh gặp ở rất nhiều người (đặc biệt là phụ nữ, người già, người gầy yếu, người bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém…). Mặc dù đã đi tất, mặc quần áo ấm nhưng chân tay vẫn bị lạnh cóng, tê cứng, thậm chí còn đau nhức.
Nguyên nhân không phải chỉ do thời tiết mà chủ yếu là do: khí huyết không lưu thông hoặc lưu thông kém khi nhiệt độ xuống thấp do các mạch máu trong cơ thể bị co lại, khi đó các khu vực nằm xa trái tim như tay hoặc chân bị thiếu máu nên dễ bị lạnh, trở nên nhợt nhạt, tai tái.
Cũng có thể do hệ tuần hoàn bị trục trặc, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể, đặc biệt là lượng máu cung cấp cho bàn tay, bàn chân. Ngoài ra, những người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, suy tuyến giáp... cũng thường có biểu hiện chân tay lạnh.
Ngâm chân nước ấm giúp khí huyết lưu thông chống chân tay giá lạnh - Ảnh minh họa |
Chữa trị sớm tránh ảnh hưởng cuộc sống
Hội chứng chân tay lạnh thường gặp ở những người thể trạng hư hàn hoặc mắc các bệnh lý thuộc về chứng dương hư và khí hư. Ở những trường hợp này, ngoài các biểu hiện chân tay thường xuyên bị lạnh thì còn dễ bị cảm lạnh, dễ đầy bụng, đi ngoài do nhiễm lạnh.
Để cải thiện chứng chân tay lạnh, bệnh nhân nên bổ sung một số loại thực phẩm có tính chất ôn ấm nhằm tăng dương khí như: thịt dê, thịt chim sẻ, cá ngựa, tắc kè, tôm. Về các loại rau và gia vị thì chúng ta nên ưu tiên sử dụng như là gừng, hạt tiêu, đinh hương, tỏi, rau hẹ.
Có thể uống rượu với liều lượng vừa phải (chỉ được phép uống từ 20 đến 30ml rượu) vì rượu trắng có tác dụng đại nhiệt, giúp cho cơ thể dự phòng chứng chân tay lạnh cũng như là phòng, chống cảm lạnh rất là tốt.
Y học cổ truyền cũng có một số bài thuốc giúp trị chứng chân tay lạnh, bao gồm thuốc xoa bên ngoài và uống bên trong.
Rượu thuốc xoa chân: Đó là ngâm rượu gừng, rượu quế, rượu đậu khấu, rượu nhân sâm...Các loại rượu này có thể vừa dùng để xoa xát bên ngoài chân tay, vừa có thể uống một chén nhỏ, đặc biệt là trước khi ra ngoài trời lạnh.
Thảo dược ngâm chân: Để chân tay đỡ lạnh, khí huyết lưu thông, chúng ta có thể áp dụng biện pháp ngâm chân. Nước ngâm chân chỉ cần là nước muối nóng hoặc có thể dùng một số loại dược liệu như ngải cứu, lá lốt, củ gừng, quế... đem sắc lấy nước và ngâm chân. Người bệnh nên chú ý nhiệt độ nước để tránh bị bỏng và lau khô chân ngay sau khi ngâm xong.
Chà sát tay chân: Mỗi sáng thức dậy hoặc trước khi đi ngủ, bạn nên chà sát lòng bàn tay, bàn chân vào với nhau khoảng 50 đến 100 lần. Điều này làm cho kinh mạch lòng bàn tay, bàn chân được ôn dưỡng, khí huyết lưu thông do đó, giúp cho chân tay đỡ bị lạnh.
Bên cạnh đó, có thể tập luyện một số môn như yoga, khí công, ngồi thiền, thái cực quyền...Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh phải tập luyện kiên trì trong một thời gian dài thì các triệu chứng chân tay lạnh mới được cải thiện. Việc vận động sẽ giúp điều hòa khí huyết, giúp máu lưu thông đến các chi tốt hơn và làm ấm cơ thể:
Nếu tình trạng bàn chân và bàn tay lạnh bất kể tình trạng thời tiết đi kèm với các triệu chứng như ngón chân, ngón tay thay đổi màu sắc hoặc khó thở, thì bạn cần nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một số biện pháp giúp giữ ấm chân, tay:
Nhìn chung tê tay chân là biến chứng thường gặp của nhiều bệnh, dễ tái phát và khó chữa dứt. Để cải thiện, ngoài dùng thuốc, cần chú ý:
- Luôn mặc ấm, giữ kín cổ, đội mũ, đeo găng tay, đi tất khi thời tiết lạnh. Hạn chế mặc quần áo quá bó sát.
- Uống nhiều nước ấm để giảm độ nhớt máu, ngăn huyết khối, cải thiện tuần hoàn.
- Ngâm tay và chân trong nước ấm (40 độ C) có thể cho thêm chút muối và vài lát gừng tươi trong khoảng 20 phút. Trong khi ngâm, có thể kết hợp với mát-xa bàn chân và tay để tăng cường tuần hoàn máu.
- Tập thể dục hàng ngày để cải thiện tình trạng lưu thông máu và làm ấm cơ thể hiệu quả; Đối với những người ngồi văn phòng lâu, cần tăng cường hoạt động, tập một số động tác thể dục tại chỗ để tăng cường tuần hoàn máu.
- Sử dụng túi sưởi để giữ ấm cơ thể khi ngủ; nên mang tất và găng tay cả trong khi ngủ.
- Chà xát, mát xa tay và chân để làm tăng lưu thông máu, làm ấm nóng gan bàn chân tay.
- Bổ sung cho cơ thể vitamin B1, B2, F và những thực phẩm có nhiều calo, chất béo, chất sắt để cung cấp thêm năng lượng làm ấm nóng cơ thể; Ăn những thực phẩm như sữa, trứng, thịt lợn, bơ, các loại hạt và ngũ cốc…
- Ngủ đủ giấc, tránh stress: Nghỉ ngơi, thư giãn và ngủ đầy đủ sẽ giúp cơ thể giữ ấm tốt hơn.
- Kiểm tra huyết áp, mỡ máu thường xuyên, điều trị nếu có bất thường.
- Nếu tê tay chân kéo dài, hãy đến bệnh viện kiểm tra, không tự ý điều trị.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Nguyên chủ nhiệm khoa Đông Y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)