1. Canh ốc nấu với hành
Ốc đồng 10 con. Làm sạch và ướp gia vị (bột nêm, hành, đường, tiêu) trong 10 phút. Hành nguyên cây 50g, cắt thành khúc dài khoảng 3cm.
Bắc một chiếc nồi lên bếp. Cho ít dầu ăn vào nồi. Bỏ hành băm nhuyễn vào, tao lên cho thơm. Cho ốc vào, xào sơ qua. Thêm ít nước mắm ngon vào. Chế 1 lít nước vào. Khi ốc gần chín, thêm hành, ngò vào cùng ít bột nêm.
2. Nước lá sống đời
Giã nát 9 lá sống đời. Thêm nước lọc vào. Lọc lấy nước cốt và uống. Một ly nước lá sống đời có thể giúp cho người quá chén tỉnh táo lại phần nào.
3. Nước rau cần
Cho 100g rau cần vào cối và giã nát. Thêm nước lọc vào. Lọc lấy nước uống. Nước từ rau cần giúp giảm triệu chứng nhức đầu do uống nhiều rượu bia. Trong buổi tiệc rượu, món ăn có rau cần cũng có tác dụng giúp cho thực khách tỉnh táo hơn.
4. Nước dưa hấu
Dưa hấu 200g. Bỏ hạt. Ép lấy nước uống. Đây cũng là thức uống giải rượu rất tốt.
5. Nước cam
Hai quả cam ép lấy nước. Cho vào ly cùng với một ít đường. Nước cam ép cũng là thức uống giải rượu.
6. Nước đậu xanh
Đậu xanh 70g. Cho vào nồi cùng với 1 lít nước. Đun sôi cho đến khi đậu xanh chín. Uống nước và ăn đậu. Nước đậu xanh cũng là bài thuốc dân gian giải rượu, giải độc.
7. Nước ép dưa hấu, rau cần
Cho 200g dưa hấu và 80g rau cần vào máy ép lấy nước uống. Nước giải khát này có thể sử dụng sau buổi tiệc rượu. Nếu sáng hôm sau, còn cảm giác nặng đầu cũng có thể tiếp tục sử dụng.
8. Nước ép dưa hấu, cà chua
Cho 150g cà chua, 200g dưa hấu vào máy ép lấy nước uống. Nước giải khát này có thể sử dụng sau tiệc rượu hoặc vào buổi điểm tâm ngày hôm sau.
9. Cùi quả sấu
Cho 10g cùi quả sấu vào ly nước. Chế nước sôi vào. Ủ khoảng 15 phút trước khi uống. Nước quả sấu cũng là bài thuốc giải rượu khá hiệu quả. Quả sấu có nhiều ở miền Bắc. Nếu ở trong Nam, có thể dùng mứt sấu, ô mai sấu thay thế.
10. Trứng
Trứng chứa nhiều acid amin, trong đó có cystein. Nhiều tác giả cho rằng acid amin này có tác dụng làm giảm tác dụng có hại của rượu bia lên cơ thể. Trong các buổi tiệc rượu đừng nên bỏ qua món ăn được làm từ trứng.
11. Củ cải
Vào ngày hôm sau của buổi tiệc rượu, nhiều người vẫn cảm thấy bị nặng đầu, không tỉnh táo. Trong trường hợp này, có thể sử dụng nước ép củ cải, hoặc dùng củ cải nấu canh với thịt.
12. Chuối
Khi chúng ta sử dụng rượu hoặc bia đến một ngưỡng nào đó sẽ có cảm giác cơ thể nóng bừng, mặt và thân mình đỏ lựng lên, chảy mồ hôi nhễ nhại. Hiện tượng trên là do các mạch máu ngoại biên giãn ra. Điều này khiến cơ thể chúng ta bị mất nước và các chất điện giải. Vào buổi sáng sau đêm tiệc, việc sử dụng vài trái chuối sẽ cung cấp cho cơ thế nhiều chất bổ dưỡng và chất điện giải kali.
13. Nước dừa
Vào sáng hôm sau đêm tiệc tùng quá chén, khi thức dậy, cảm giác đầu tiên của mọi người là sự khát nước và cảm giác miệng họng khô rốc. Nước dừa cũng là một trong những thứ nước giải khát tuyệt vời, giúp làm dịu cơn khát đồng thời cung cấp các chất điện giải cho cơ thể.
Ở phương Tây, người ta thường sử dụng nước dừa đóng trong chai. Nhiều người ca ngợi nước dừa như là nước giải khát có tác dụng “giải rượu” hiệu quả, giúp họ tỉnh táo để bắt đầu một tuần làm việc mới sau một đêm tiệc tùng.
14. Món cháo trai sông với nấm
Chuẩn bị 10 con trai sông. Cạy miệng, lấy thịt, bỏ vỏ. Làm sạch thịt trai rồi ướp với gia vị (nước mắm, bột nêm, hành, đường, tiêu) trong 10 phút. Bắc chảo bếp, cho một ít dầu ăn vào. khi dầu sôi, cho hành băm nhuyễn vào tao lên. Sau đó, cho thịt trai vào xào sơ qua rồi tắt bếp.
Bắc nồi nước với 50g gạo lên bếp. Khi gạo nở bung ra, cho thịt trai vào nồi cùng với 100g nấm hương. Khi cháo chín, cho thêm ít bột nêm, hành, ngò, tiêu vào.
Thịt trai ngoài tác dụng bổ dưỡng còn có thể giải nhiệt trong người. Món ăn này hết sức thích hợp cho mùa hè.
BS Hồ Đăng Khoa