Khoái “đù” – tức Đoàn Văn Tô – một tướng cướp khét tiếng khắp miền Bắc Việt Nam những năm 80 hiện giờ đang làm gì? Ở đâu? Chuyện tình – chuyện đời – chuyện giang hồ của Khoái “đù” dần được hé lộ sau 3 ngày trò chuyện với PV.
Khoái (bên phải) khi còn là lính biệt động
Tôi không biết mình đã viết bao nhiêu bài báo, nhưng chưa bao giờ cảm thấy bắt đầu một bài viết nào khó như bài viết này. Viết về câu chuyện của một tướng cướp khét tiếng, tướng cướp ấy lại một thời là lính biệt động kiên gan chí bền. Để rồi, một ngày người lính ấy lầm lỡ đi “chệch” đường thành… cướp.
Nghe tiếng Khoái “đù” Đoàn Văn Tô khét tiếng giang hồ, lại là bạn và là đàn anh của trùm xã hội đen Năm Can nên chúng tôi phải nhờ đến một người bạn là nghệ sỹ nhiếp ảnh Đồng Khắc Thọ kiêm Trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử ATK Định Hóa – Thái Nguyên để “mò” ra địa chỉ mà Khoái “đù” đang ở.
Ngôi nhà hai tầng rưỡi cũ kỹ tại Chùa Hang – Đồng Hỷ – Thái Nguyên, mà nghe đâu đó là ngôi nhà tầng đầu tiên được xây dựng tại thị trấn này. Khoái “đù” ra mở cửa, người đàn ông thấp đậm, da sạm đen nhưng ánh mắt sáng và sắc như dao hiện ra trước mặt chúng tôi
“Tôi là người lính”
Và câu chuyện được bắt đầu bên tách trà Thái tinh khiết lẫn những tiếng ồn ào của phố xá tàu xe. Giữa nghi ngút những khói thuốc, Khoái “đù” cất giọng: “Trước khi làm cướp, tôi là người lính, lính biệt động của cách mạng”.
Khoái “đù” tên thật là Đoàn Văn Tô, sinh năm 1948 trong một gia đình có 7 anh chị em tại xã Phong Chương – Phong Điền – Thừa Thiên Huế. Tên Tô được đổi thành Khoái khi có ông thầy bói đến nhà chơi và nói với bố mẹ cậu bé rằng: “Thằng này có tướng làm chuyện động trời, nhưng số phận long đong bươn trải, vào tù ra tội”. Bố mẹ Tô sợ con phải khổ nên đổi tên thành Khoái, ai ngờ, số phận đã định sẵn.
Ngôi nhà hai tầng rưỡi của Khoái “đù”
Vì là người Huế nên khi nói chuyện với chúng tôi, Khoái “đù” vẫn giữ nguyên giọng nói nhè nhẹ nhưng trầm buồn và có lúc như hứng khởi của một người đầy khoáng đạt: “12 tuổi, cái tuổi quá nhỏ để hiểu nghĩa cuộc đời, thế mà mình đã làm liên lạc viên cho bộ đội”.
12 tuổi cũng là cái mốc cho cuộc đời “võ nghệ” của Khoái “đù”. Khoái lang thang hết các lò luyện võ để học, hết thầy này đến thầy khác, cuối cùng Khoái theo chân võ sư Võ Thanh Quả để học hỏi hết các thế võ liên hoàn tổng hợp.
Dường như Khoái sinh ra để làm võ sĩ, nên chỉ một thời gian, các võ sinh theo học hàng chục năm đều bị Khoái “đo ván” bằng những quái chiêu hiểm ác. Khoái nổi tiếng từ đó.
Cũng vì nổi tiếng và lanh lẹ thông minh nên ở tuổi 12, Khoái đi theo cách mạng làm liên lạc viên cho các chiến sĩ “tàu không số”, rồi sau này chính thức vào biệt động thành thuộc đơn vị C125 Quân khu Trị Thiên. 13 tuổi, Khoái đã trở thành nỗi kinh hoàng, là khắc tinh của địch. 14 tuổi Khoái đã đánh chìm tàu chiến địch trên sông Cô Lâu (thuộc huyện Phong Điền).
Tiếng tăm anh lính Khoái ngày càng nổi như cồn, như tiếng hổ gầm bên vách núi và khôn ngoan như một con rắn độc. Cách hạ tàu địch của lính Khoái vừa thông minh vừa đơn giản: “Gắn mìn hình tam giác vào rễ của bèo tây thả ngược dòng với tàu chiến của địch. Chỉ chờ tàu chạm bèo là bấm nút nổ tan tàu chiến”. Với cách làm thông minh ấy, Khoái và đồng đội đã thực hiện thành công hàng chục vụ đánh đắm tàu và diệt không biết bao nhiêu tên địch”.
Chuyện tình Khoái “đù” – O Hoa
Người ta đồn rằng, ở cái tuổi này Khoái “đù” ngoài là một lính biệt động còn là một tên móc túi siêu hạng, một đại ca nhí với nhiều quái chiêu kinh hoàng dưới trướng có vài chục đệ tử. “Không, không phải như thế. Thời gian này dù đói dù khổ mình vẫn luôn trong sạch”, Khoái “đù” khẳng định.
Khoái “đù” luôn khắc khoải nỗi nhớ o Hoa
Cái sự nghĩa hiệp của người học võ như Khoái “đù” thời ấy được thể hiện trong một lần gặp cảnh Đồn trưởng đồn Tân Hương khét tiếng độc ác với danh nghĩa là chó săn cho chế độ Ngụy quyền. Khi tên Đồn trưởng này giở trò trêu ghẹo một nữ sinh trường Đồng Khánh đã bị Khoái đấm gẫy 5 chiếc răng cửa và chặt đứt cánh tay để cảnh cáo.
Ngay hôm đó, Khoái bị cảnh sát Ngụy truy nã ráo riết, nhiều lúc Khoái phải ẩn nấp dưới những lớp bèo tây trôi dưới sông để chạy trốn quân thù. Từ ấy, ơn nghĩa mà o Hoa dành cho Khoái ngày một lớn thành tình yêu. Họ yêu nhau giữa những mưa bom bão đạn.
Thời kỳ ấy, o Hoa cũng là một nữ giao liên du kích cho cách mạng. Nhưng ở thời chiến tranh, tình yêu của họ chỉ có thể dừng lại ở những mơ ước và hẹn ước mai sau khi nước nhà thống nhất. “Mối tình đầu ấy đẹp lắm chú ạ! Tôi bây giờ vẫn nhớ như in khuôn mặt rạng ngời đẹp đẽ của người mình yêu”, Khoái ‘đù” chia sẻ.
Và họ yêu nhau chưa được bao lâu thì trong một trận rải bom, o Hoa đã hy sinh anh dũng giữa vùng đất quê hương. Khoái nghe tin dữ, con tim như vỡ tan, trong đau khổ thương nhớ người yêu, những câu thơ được bật ra: “Tôi là người chiến sỹ giải phóng quân/Vượt núi băng sông xuyên rừng lội suối/Còn trẻ lắm, năm nay 16 tuổi trăng tròn/Hò hẹn biết bao xuân/Có những ngày thiếu áo hành quân/Thiếu từng viên thuốc đắng/Có những ngày tôi đi trong nắng/Chân không giày, đầu đội cả trời mây…”
Bài thơ viết vội vào nhật ký của người lính biệt động thương tiếc người yêu được phát thanh viên Châu Loan đọc rất nhiều lần trên đài phát thanh Thừa Thiên Huế.
Thuở ấy, mối tình chàng lính biệt động và o du kích đã trở thành hình mẫu tình yêu thời chiến của biết bao lớp trẻ giữa vùng nắng gió bão lửa Bình – Trị – Thiên. Và bài thơ của Khoái trở thành một bài ca trữ tình đầy cảm động mà thanh niên Huế thời ấy rất nhiều người học thuộc.
O Hoa – mối tình đầu của Khoái đã nằm xuống giữa những lớp bom đạn. Khoái gạt nước mắt, Nam tiến bỏ lại sau lưng những kỷ niệm đẹp tuổi trẻ, cống hiến sức lực và chiến đấu bên những người lính biệt động vì một tương lai tươi sáng, rạng ngời.
Một người lính dũng cảm như Khoái, tại sao lại trở thành một tướng cướp ? Duyên cớ nào đã đưa anh sa ngã vào con đướng ấy?
“Trước khi là tướp cướp, tôi là lính biệt động. Chất lính trong tôi không bao giờ bị tha hóa dù khi tôi là cướp. Cướp cũng có nhiều loại, không phải loại cướp nào cũng là xấu, cũng đi vơ vét của dân nghèo. Tôi là cướp, một tên cướp không chính nghĩa nhưng không hề phản diện. Tôi sẽ kể cho anh nghe…”
Trần Hòa