Mộ Võ Tánh ở Phú Nhuận, TP HCM
Xin đừng giết lính và dân
Võ Tánh nói với quan hiệp trấn Ngô Tùng Châu: Tôi là võ tướng nên không thể đầu giặc. Trước khi chết, tôi muốn cho giặc thấy nên đã cho chất củi sẵn nơi Lầu Bát giác. Bạn là văn thần, chắc giặc không nói đến, nên tự lo liệu để bảo toàn.
Ngô Tùng Châu đáp: Cùng là bạn tri kỉ với nhau, Võ có trung can lẽ đâu văn lại không nghĩa khí? Nói rồi, Ngô Tùng Châu về tư dinh, uống thuốc độc tự tử.
Võ Tánh liền viết một bức thư cho hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng, lời lẽ bi ai, thống thiết, phân tích ai vì chúa nấy, phận làm tướng phải chết trước khi thành mất, xin hai vị tướng quân thương hại đừng giết chết binh lính và lương dân rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác.
Võ Tánh vào mặc triều phụ hướng về Nam lạy Nguyễn vương rồi giã từ các tướng sĩ đi lên Lầu Bát giác đổ thuốc súng vào, phóng hoả tự thiêu.
Quản binh Nguyễn Thân hay tin hối hả chạy về leo lên đài tuẫn tiết cùng Võ Tánh. Bấy giờ tiếng khóc của quân sĩ vang thành. Đó là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức vào ngày 7 tháng 7 năm 1801.
Tướng Trần Quang Diệu nhập thành, quân dân đã xếp hàng nghiêm túc, không hoảng loạn, không sợ hãi cũng không huênh hoang. Tất thảy đều khóc thương cho tướng Võ Tánh và chờ định đoạt từ tướng Trần Quang Diệu.
Cảm kích và khâm phục chí khí của tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, Trần Quang Diệu sai người tẩm liệm thi hài hai ông tử tế, rồi y theo lời cầu xin của Võ Tánh, quyết cảm hoá quân dân, không giết một mạng nào trong thành.
Sanh vi tướng, tử vi thần
Vua Gia Long truy tặng Võ Tánh là Dực vận công thần Thái úy Quốc công. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), truy phong ông là Hoài Quốc công.
Trước cái chết anh dũng của Võ Tánh, người dân Bình Định đã lưu truyền câu hát: Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên – Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm!
Vợ Võ Tánh là công chúa Ngọc Du, khóc ông bằng bài thơ: “Những tưởng ra tay giúp nước nhà – Ai dè bình địa nổi phong ba – Xót người vị quốc liều thân ngọc – Khiến thiếp cô phòng ủ hoa – Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ – Đài mây xiêu lạc phách hồn xa – Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt – Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa!”.
Mộ Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc, cũng là thành Đồ Bàn của vua Chăm. Mộ hình tròn trên có đắp biểu tượng một con dơi, nằm kề bên mộ Ngô Tùng Châu hình chữ nhật (đã được cải táng về Phù Cát).
Theo Vương Hồng Sển, thì thi hài Võ Tánh đã bị cháy hết, ngôi mộ đó cũng là “Mộ gió”. Sau vua Gia Long sai lập một mộ nữa cho ông ở Phú Nhuận (nay tọa lạc tại hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê) và chôn hình nhân bằng sáp.
Ngôi “mộ gió” đó để tưởng nhớ công trạng của vị tướng anh hùng Võ Tánh nằm trong một con hẻm nhỏ giữa lòng Sài Gòn. “Sanh vi tướng, tử vi thần”, sự linh thiêng của ngôi mộ tồn tại hơn một thế kỷ qua vẫn được người dân nơi đây truyền tụng…
Tại đầu ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, hiện có ngôi đền thờ Võ Tánh mang tên là Võ Quốc Công miếu. Thành phố Hồ Chí Minh trước năm 1975 có tới hai con đường mang tên Võ Tánh.
TS Nguyễn Thành Hữu