Người lính nặng tình nặng nghĩa với đồng đội

Từ thời chiến đến thời bình, trong lòng người lính Trần Văn Niên lúc nào cũng nặng tình nặng nghĩa với đồng đội.

Năm 1950 chưa tròn 17 tuổi, chàng trai Trần Văn Niên quê xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang bí mật tham gia cách mạng. Được vào tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ, ông vui như cá gặp nước, như chim về rừng. Ông luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Ông luôn được các đồng đội yêu thương, kính trọng bởi nét giản dị, chân thành của mình.

Tuổi cao vẫn không ngơi nghỉ

Năm 1954 ông trong đội ngũ tiểu đoàn 410 tập kết ra miền Bắc. Năm 1963 ông vượt Trường Sơn về quê hương chiến đấu. Qua nhiều trọng trách, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ Hiệu trưởng Trường huấn luyện pháo binh Quân khu 9, rồi Trung đoàn trưởng Đoàn 6 pháo binh (nay là Lữ đoàn 6 pháo binh- Quân khu 9). Sau ngày thống nhất đất nước một thời gian, ông nhận cấp hàm Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 9.

Tuổi gần 70 ông mới nghỉ hưu. Về với cuộc sống đời thường dù tuổi cao ông vẫn không ngơi nghỉ. Thời điểm đó còn nhiều Cựu chiến binh hoàn cảnh quá nghèo. Ở quê ông cũng vậy, người dân còn lúng túng trong việc thoát nghèo. Ông lập tức thành lập 2 cơ sở nuôi ba ba giống. Cơ sở 1 tại gia đình ông: Tổ 3- khu vực  2-  phường Trà An, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Cơ sở 2 ở quê ông: xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Ba ba giống của ông là loại cho chất lượng tốt, dễ tiêu thụ. Ông đặc biệt ưu tiên con giống cho đồng đội và bà con nông dân quê ông muốn vào nghề nuôi ba ba. Từ sự giúp đỡ nhiệt tình của ông về kỹ thuật nuôi và con giống tốt, nhiều đồng đội, nhiều nhà nông không những thoát nghèo mà đã làm giàu.

Biệt danh “Vị tướng ba ba” được đồng đội và báo chí tặng ông từ ngày đó. Việc làm tiếp theo của ông là phải khẩn trương thành lập Ban liên lạc Đoàn 6 pháo binh, để đồng đội có điều kiện gặp gỡ mà nhớ kỷ niệm một thời chinh chiến, cùng giúp nhau vững bước đi lên. Ông đã hăng hái vận động và thành lập Ban liên lạc Đoàn 6 pháo binh trong niềm vui của đồng đội.

Nặng tình nặng nghĩa với đồng đội

Giờ đây ông đã bước sang tuổi 85, vẫn nặng tình, nặng nghĩa với đồng đội, với quê hương. Hàng năm, với chức danh Trưởng Ban liên lạc Đoàn 6 pháo binh, ông cố gắng tạo điều kiện để đồng đội họp mặt cho vơi đi nỗi nhớ niềm thương. Trong chiến tranh, Đoàn 6 pháo binh Anh hùng, là nơi hội tụ những người lính trên mọi miền đất nước. Ông đã sắp xếp xen kẽ năm trước họp mặt ở miền Nam, năm sau sẽ gặp gỡ trên miền Bắc. Việc làm đầy trách nhiệm của ông được các Cựu chiến binh Đoàn 6 nhiệt tình ủng hộ.

Nay tuổi đã cao, chú Tư (Tư Niên) vẫn nhanh nhẹn, tác phong vẫn như những ngày xưa lội suối, băng rừng. Anh em vui mừng hỏi ông: “Xin chú Tư  cho biết bí quyết trẻ mãi không già?”. Ông cười tươi mà nói: “Trước hết vì tôi là người lính. Là người lính sống hết lòng với quê hương, với đồng đội sẽ trẻ mãi không già”. Đó là lời chân thật. Chân thật vì ông đã có tròn 50 năm sống đời binh nghiệp. 50 năm, hết đánh Pháp lại đuổi Mỹ. Dấu chân ông đã khắp mọi miền Tổ quốc.

Ông thương yêu  lính. Ông đã cùng lính trinh sát, ăn uống đạm bạc nhưng tinh thần chiến đấu thật cao. Ông nhường từng viên thuốc, từng bát canh cho đồng đội đang đau ốm. Nghĩa cử của một thủ trưởng trung đoàn giản dị, chân thành mà thanh cao, sâu thẳm đã khiến những người lính chúng tôi cảm phục rồi đến yêu thương, kính trọng.

Cho đến những ngày này ông vẫn vui sống cho quê hương, cho đồng đội… Và những đức tính cao đẹp của một vị tướng vẫn mãi trong ông.

Bùi Kim Thành (TP Sa Đéc, Đồng Tháp)

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top