Bố mẹ chính là nút thắt
Năm nào cũng vậy, sau khi các trường công bố điểm chuẩn xét tuyển, luôn có nụ cười và nước mắt đan xen. Trong khi các bạn trúng tuyển tưng bừng nhập học, bước vào cuộc đời sinh viên đầy mơ ước phía trước, thì những bạn thi trượt âm thầm, gặm nhấm nỗi buồn. Cũng đã có không ít những câu chuyện đau lòng, khi nhiều bạn không vượt qua được cú sốc tâm lý. Đặc biệt, nhiều cha mẹ cũng rơi vào “cú sốc” giống con, chửi mắng, đay nghiến, vô tình càng làm tăng áp lực lên con.
PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Vậy làm thế nào để đối diện, vượt qua được nỗi buồn thi trượt? Theo chuyên gia tâm lý - giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu để tự các em vượt qua khủng hoảng tâm lý sẽ hơi khó, mà cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong đó, người quan trọng nhất là bố mẹ. Bởi vì bố mẹ là người ở bên con nhiều nhất cho nên mới nhận ra được thay đổi của con. Và bố mẹ cũng chính là “nút thắt”, gỡ được nút thắt này, sẽ gỡ được áp lực cho các em.
Nhiều bạn thi trượt, hoặc những điểm số cao nhưng lại không thi được vào nguyện vọng mà mình mong muốn gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần, lo âu, trầm cảm, thậm chí tự sát là bởi vì trước đây, cách ứng xử của người lớn xung quanh trong đó có bố mẹ luôn luôn làm cho bạn ấy tin rằng, phải đạt được một số thành tích nào đó thì mới có giá trị.
Ví dụ, muốn đi tới thành công chỉ có mỗi con đường là học tập nên buộc con phải học tập tốt, vào đại học. Không vào được đại học thì coi như thất bại, không có giá trị, không được coi trọng.
Từ nhỏ mọi người đã đối xử như vậy làm cho cá nhân cảm thấy bản thân không có giá trị nào hết, mà phải đạt được những điều mà theo như kỳ vọng của người khác thì mới đạt được giá trị.
Điều đó biến thành niềm tin của các em, và các em đầu tư quá nhiều niềm tin vào một con đường. Trong khi, con đường đó lại không thuận lợi. Đặc biệt, trong bối cảnh năm vừa rồi, bên cạnh thi tốt nghiệp THPT còn có xét học bạ… Khi chiến lược chọn trường sai thì có thể bạn có học lực tốt hơn nhưng lại không vào được trường tốt như bạn có lực học yếu hơn. Khi đó, nếu bị bố mẹ chỉ trích, so sánh, các em sẽ rất áp lực.
Ngoài ra, bố mẹ là người đã đầu tư thời gian, tiền bạc cho con học hành. Đứa con cảm thấy phải có nghĩa vụ đền đáp lại công ơn của bố mẹ. Khi con thi trượt, người mà đứa con cảm thấy có lỗi nhất chính là bố mẹ.
Từ những lý do đó, mà rất cần bố mẹ phải ở bên con khi con thi trượt, gỡ được “nút thắt” từ bố mẹ, cũng chính là giải tỏa áp lực tâm lý cho các em.
Cần phát hiện những dấu hiệu bất ổn
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: "Trong lúc này, bố mẹ cần để con hiểu rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất. Ở góc độ chuyên gia tâm lý, khi tiếp cận với các em, chúng tôi cũng chỉ nói với các em rằng: Các em nghĩ rằng để đi đến thành công chỉ có một con đường, và thi trượt coi như thất bại. Nhưng thất bại thực sự chỉ là khi mình dừng lại, không cố gắng gì nữa. Ngoài ra, rất có thể thất bại ở thời điểm này lại là cơ hội cho thời điểm khác. Và xem thất bại tựa như một cơ hội để học tập và rút ra được sai lầm cho tương lai".
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, trong thời điểm này, bố mẹ có thể đưa cho con nhìn tấm gương của những người đã vượt qua khó khăn, trở ngại để có được thành công. Ví dụ, tấm gương của Nick Vujicic - người đàn ông không tay không chân nhưng với nghị lực phi thường đã truyền niềm tin, sức mạnh cho hàng triệu người. Đặt câu hỏi, giả sử, nếu anh ấy cũng dừng lại ngừng cố gắng thì có đạt được điều đó hay không?
Đối với những trường hợp đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn, thì thầy cô giáo, người thân cần phải phát hiện ra những dấu bất ổn về sức khỏe tâm thần để có hỗ trợ kịp thời.
Bởi thường những bạn có hoàn cảnh đặc biệt thì càng chỉ nghĩ đến một con đường nhằm thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn của mình, đó là học hành. Cho nên, không đạt được sẽ thấy tuyệt vọng, cảm thấy tương lai màu xám và mình không thoát ra được khỏi hoàn cảnh khó khăn của mình.
Với những người trong những hoàn cảnh bình thường, khi thi trượt còn có những suy nghĩ tiêu cực. Với những em có hoàn cảnh đặc biệt, càng cần có sự quan tâm, tránh những hậu quả đau lòng.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giáo dục trong giai đoạn hội nhập với thế giới, muốn nâng cao chất lượng học sinh phải bắt nguồn từ việc nâng cao sức khỏe tinh thần. Sức khỏe tinh thần mà không tốt thì sẽ rất khó thành công. Một trong những kỹ năng của sinh viên thế kỷ 21 là phải có khả năng quản lý về sức khỏe của mình: Sức khỏe thể chất, sức khỏe xã hội, sức khỏe tinh thần, cần phải dạy cho học sinh kỹ năng này.