Không nhất thiết phải học THPT
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều người đánh giá là căng thẳng không kém gì kỳ thi THPT Quốc gia, thậm chí còn hơn thế. Tỷ lệ trượt trường công ở một số tỉnh thành ở con số hàng ngàn.
Tại hai TP lớn, TP Hà Nội, theo thống kê, sẽ có khoảng gần 23.000 học sinh trượt suất học trường công lập. Còn với TPHCM, con số đó ở khoảng 32.000. Đối với nhiều thí sinh, đây là cuộc thi “sống còn”, và áp lực khủng khiếp.
Nhiều thí sinh chia sẻ, để chuẩn bị cho kỳ thi, các em phải học tăng ca kín các ngày trong tuần, thường các buổi học kết thúc vào 9h tối. Và để làm được hết khối lượng bài tập cũng khoảng 1 – 2h sáng.
Ngay sau khi buổi thi môn Toán – môn được cho là có đề tương đối khó, không ít thí sinh thí sinh đã bật khóc, phụ huynh cũng khóc theo.
Một phụ huynh cũng có con làm không tốt bài thi môn Toán nói, chị đã cố động viên con, rằng không đỗ thì học dân lập cũng được. Nhưng con chị cứ buồn, khóc mãi. Vì sợ sẽ không có được môi trường học tập tốt, sợ thua kém bạn bè.
Chia sẻ bên hành lang QH, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh) cho biết, chủ trương phân luồng đã thể hiện rất rõ qua việc dự kiến tuyển khoảng 70% các em vào học ở các lớp khối THPT, còn lại 30% có thể đi học nghề.
Đối với những em lựa chọn học nghề, song song với học nghề các em vẫn được học phần kiến thức phổ thông. Kết quả, các em sẽ có cả bằng nghề và bằng cấp 3.
“Giải pháp này tôi cho là rất là tốt đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Không nhất thiết phải vào trường dân lập. Có rất nhiều con đường để lựa chọn và không phải THPT mới là con đường duy nhất để vào đời và thành công”, đại biểu Ngọc Mai nói.
Vì vậy, cha mẹ cũng không nên gây áp lực quá với con. Bởi vì, không phải ai sinh ra cũng học giỏi và sức học của mỗi người mỗi khác.
“Quan trọng là sau này áp dụng được kiến thức đó vào trong cuộc sống, trong công việc và trong nghề nghiệp như thế nào. Thực tế đã cho thấy, nhiều người không cần phải học qua phổ thông cũng vẫn thành đạt trong cuộc sống”, bà Mai nói.
Phân luồng sớm, tránh áp lực
Giải thích về việc không nhất thiết phải học qua bậc phổ thông, đại biểu Ngọc Mai cho biết, do giáo dục của ta hiện nay còn nặng về lý thuyết. Cho nên, học lên THPT cũng tốt, nhưng nếu không, đi bằng con đường khác cũng vẫn có thể thành công.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, thì cần phải có sự phân luồng tốt, giúp tuyển chọn được những em có đủ khả năng để học cao lên.
Còn với các em không có khả năng học lên, nhưng có năng khiếu ở các lĩnh vực khác thì cũng sẽ chọn dược những công việc phù hợp với điều kiện và khả năng của mình. Từ đó giảm áp lực.
Một phụ huynh có con vừa tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đồng thời là chủ tịch Hội cha mẹ học sinh một trường THCS chia sẻ, ông đã từng đi du học ở Đức và thấy nước Đức thực hiện phân luồng học sinh từ bậc tiểu học.
Giáo viên sẽ là người phát hiện ra khả năng của từng em học sinh và có những nhận xét, hướng nghiệp cho các em theo năng lực của mình cho phù hợp. Và không một học sinh nào cảm thấy xấu hổ về điều này.
“Còn văn hóa của mình vẫn là coi trọng thi cử, đỗ đạt. Nhà nào cũng phải có con học đại học, nếu không sẽ cảm thấy thua kém người khác. Tôi cho rằng, văn hóa này hiện giờ không còn phù hợp, nhất là trong thời đại 4.0 cần thợ nhiều hơn là cần thầy.
Chúng ta phải làm ra tiền và có ích cho gia đình, xã hội chứ không phải tất cả lên đại học xong rồi ngồi chơi nhìn nhau”, vị phụ huynh chia sẻ.
Cũng theo vị phụ huynh này, trong mấy ngày đồng hành cùng con đi thi, ông chứng kiến cảnh các phụ huynh khác với nhiều tâm trạng, trong đó có sự ngao ngán, chán nản. Bởi chịu quá nhiều áp lực.
“Tôi cho rằng, cái nguy hiểm nhất của việc yếu phân luồng của mình là sẽ khiến một số lượng lớn các em trượt vào 10 trở nên bơ vơ, hoang mang không biết đi đâu về đâu.
Với các thí sinh thi THPT Quốc gia, dẫu sao các em cũng ở ngưỡng trưởng thành rồi. Còn với các em vừa ra khỏi tuổi "khăn quàng đỏ", còn quá non nớt để vào đời tự lập nếu như bước ra khỏi trường học.
Cho nên, tôi cho rằng, cần có sự phân luồng sớm, tránh để các em rơi vào thế bị động. Đến khi các em thi trượt rồi lại mới nháo nhào đi tìm con đường cho các em đi thì không ổn. Phân luồng sớm không chỉ giúp giảm áp lực cho thí sinh mà còn cho cả các bậc cha mẹ nữa”, vị phụ huynh nói.
Trên trang cá nhân của mình, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh (ĐH Sư phạm Hà Nội) viết: "Tôi mới nhìn thấy bức ảnh 2 mẹ con một thí sinh lớp 10 ôm nhau khóc nức nở trước cổng trường thi.
Là một giáo viên suốt mười mấy năm liên tục phải coi thi, chấm thi, tôi không cho rằng thi cử có thể đánh giá được một cách chính xác năng lực của một con người. Làm sao một vài bài thi trong vòng vài tiếng với những barem điểm cứng nhắc lại có thể cân đo được hết sự phong phú, sinh động và phức tạp, những tiềm năng nhiều mặt của một con người? Và vì thế, nếu con bị điểm thấp, điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với con ngu dốt, kém cỏi hay lười biếng.
Và trong cuộc sống, không có một con đường nào là duy nhất mình bắt buộc phải đi. Luôn có rất nhiều ngã rẽ và những hướng đi khác nhau. Vì thế, tôi phân tích cho con nếu đỗ một trường tốt, với các bạn và thầy cô rất giỏi, con sẽ có môi trường tốt để học tập, nhưng nếu con không đỗ, con có thể học một trường học gần nhà, đúng tuyến, bù lại, con có thể có nửa ngày để được tự học thứ mà con thích. Khi một cánh cửa này đóng lại, ắt có cánh cửa khác mở ra, điều quan trọng là con cần mạnh dạn bước qua nó và đi tiếp".