Bây giờ thì cả huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) đều biết cô giáo Lương Thị Dung ở Trường Tiểu học và THCS Nhân Lý bị nhiễm HIV. Nhưng họ không kỳ thị, ngược lại họ phục cô ở sự dũng cảm hiếm có.
Ngày cưới không có hoa
Từ thị trấn Chiêm Hoá, chúng tôi leo ngược những con dốc mù sương mới đến được bản Hạ Đồng, nơi cô giáo Lương Thị Dung đang ở. Hạ Đồng mùa lạnh càng như buồn hơn, những cơn gió từ dòng sông Lô thổi vào càng làm cho bản nghèo thêm tiêu điều, xơ xác.
Ảnh cưới duy nhất của cô Dung còn sót lại
Nhưng không khó để tìm được nhà cô Dung. Ngôi nhà cấp 4 bé tin hin nằm nép dưới những dãy núi đồ sộ là nơi ở của ba mẹ con suốt những năm tháng đen tối vừa rồi. Đó cũng từng là ngôi nhà hạnh phúc mà cô đã được tận hưởng trong khoảng thời gian ngắn ngủi bên người chồng.
Cô Dung sinh năm 1972, cô đâu phải người Chiêm Hoá bản địa, cô quê gốc Hoài Đức – Hà Tây cũ, theo gia đình lên rừng theo chính sách kinh tế mới từ những năm 1978, thế rồi nhập gia tuỳ tục, cô coi mình là sơn nữ, một cô sơn nữ nhan sắc, bông lan rừng ngát hương.
Gái thuyền quyên gặp trai anh hùng, chồng cô là Trần Văn Thành người Hải Phòng. Mãi sau này, cô Dung mới biết chồng mình là một thiếu gia của một gia đình giàu có nhất nhì thành phố Cảng. Thành lang bạt lên Chiêm Hoá, gặp “đoá lan rừng” mới kết thành duyên chồng vợ.
Cô Dung bảo: “Chúng tôi gặp nhau lần đầu đã biết là của nhau rồi. Đám cưới được tổ chức một cách nhanh gọn nhất. Ngày cưới của tôi không có hoa, cũng chẳng có nhiều bạn bè, nhưng đó là giây phút mà tôi cảm thấy thật hạnh phúc, cảm giác ấy tôi không quên được”.
Tình yêu của họ đã cho ra đời 2 cô con gái bé bỏng xinh đẹp là Trần Minh Anh và Trần Phương Anh. Hiện nay, cháu Minh Anh đang học lớp 5, cháu Phương Anh đang học lớp 4. Cả hai đều học rất giỏi, năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.
Những ngày “trời sập”
Đôi vợ chồng “hạnh phúc nhất quả đất” sống với nhau vừa tròn 2 năm thì duyên phận đôi ngả. Cô Dung bảo vậy, nhưng sự đôi ngả ở đây không phải li thân hay li dị, mà đau đớn hơn khi anh Thành ốm nặng rồi qua đời.
Cô giáo Dung soạn bài trước giờ lên lớp
Cô như chết lặng bởi khi ấy đang mang thai cháu Phương Anh. Đứa con chưa biết mặt cha, hạnh phúc mà họ dành cho nhau lại quá ngắn ngủi ở giữa vùng đất hoang sơ ven dòng Lô giang này. Cô ngất đi rồi tỉnh lại bao nhiêu lần, chỉ ước sao đó là một cơn ác mộng.
Gia đình nhà chồng chính là chỗ dựa và là niềm động viên an ủi lớn nhất với cô lúc này. Tuy nhiên, cô luôn thắc mắc không biết chồng mình qua đời vì bệnh gì? Hỏi bác sỹ, bác sỹ bảo đã đưa giấy khám nghiệm cho gia đình nhà chồng. Mẹ chồng cô cũng đưa ra một cái giấy, kết luận anh bị ung thư.
Cô ở vậy nuôi con giữa độ tuổi “chín” nhất của nhan sắc lan rừng, bao nhiêu người đàn ông đến với cô, cô chối từ thẳng thừng. Nấm mộ chồng cô ngày nào cũng đầy ắp hoa, quả và những nén hương trầm.
Vào một ngày giữa năm 2009, cô Dung ốm nặng, nằm liệt giường và sút đến 20kg. Bệnh viện thông báo cô bị nhiễm HIV, cô như không tin vào tai mình. “Trời sập” giữa lúc con cô còn nhỏ, niềm tin vào tương lai vẫn tràn đầy. Cô bảo: “Nghe tin này khác nào bị toà tuyên án tử hình. Tôi sẽ chết, chết nhục nhã giữa những kỳ thị người đời”.
Lúc này, gia đình nhà chồng mới thành thật với cô là anh Thành cũng bị nhiễm HIV, anh bị chết vì căn bệnh thế kỷ này. Nhưng sợ điều tiếng, lại lo cho tương lai mẹ con cô nên họ đã chạy tiền bệnh viện để bác sỹ cho một cái giấy kết luận hoàn toàn khác.
Qua lời kể của mẹ chồng, cô mới biết chồng mình từng là đại ca khét tiếng ăn chơi ở đất Cảng. Anh là con nghiện nặng đô nhất Hải Phòng, nhưng anh cũng là tấm gương tự cai nghiện thành công, nhưng anh phải trả giá cho những tháng ngày sa ngã và trác táng.
Những tháng ngày sau này, mới thực sự là ác mộng với cô giáo Lương Thị Dung khi với người dân vùng sơn cước Chiêm Hoá, HIV còn kinh tởm hơn gấp trăm vạn lần bệnh hủi. Cô vật vã trong đau đớn thể xác và tâm hồn, với cô sống không bằng chết.
Đứng dậy, ngẩng cao đầu mà bước
Cô không còn tâm trí đến trường, thế nhưng ngày nào cô đến trường là ngày ấy học sinh bỏ về hết. Phụ huynh cũng từng can thiệp đến tận cấp trên không cho cô dạy học vì sợ con em mình sẽ bị nhiễm. Cô Dung tâm sự: “Không phải một lần mà nhiều lần tôi đã tìm đến lá ngón để chết. Nhưng mỗi lần đưa lá vào miệng lại phải nhả ra vì thương học sinh, các em như con của mình, không đành lòng để chết”.
Kỳ thị là rào cản lớn nhất của tình người
Trong lúc này, cô giáo Trần Kim Dung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nhân Lý và là người bạn cùng tên đã đến bên cô động viên và ra sức thuyết phục phụ huynh học sinh hiểu hơn về căn bệnh HIV. Nhờ thế mà người dân bản địa cũng ít kỳ thị và tỏ ra thông cảm hơn.
Cô Dung lại được đến trường, được cầm tay nắn chữ cho học sinh thân yêu của mình. Cô bảo: “Dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng phải ngẩng cao đầu mà bước đi trong giông bão. Tôi đang phải điều trị bằng thuốc ARV với phác đồ bậc 2 (bậc nặng – PV), nhưng chỉ có niềm tin và hi vọng mới là phương thuốc hữu hiệu nhất”.
Chính vì có niềm tin nên vừa qua, cô Lương Thị Dung đã dũng cảm tuyên bố với cả huyện Chiêm Hoá rằng mình bị sida. Cô chia sẻ: “HIV không đáng sợ, đáng sợ nhất là mất niềm tin và mất sự cảm thông từ mọi người. Nhưng nếu được mọi người dù chỉ nhìn bằng ánh mắt bình thường nhất cũng đã hơn vạn lời khuyên bảo rồi”.
Ông trời sinh ra mỗi người một phận, tôi phận kém duyên hèn nhưng còn được xã hội cảm thông. Vậy thì mình phải cố gắng sống cho tốt, dạy học cho giỏi để cống hiến cho xã hội. Có bệnh vẫn có thể cống hiến nếu biết vươn lên. Tôi sẽ sống, sẽ ngẩng cao đầu mà bước. Nếu bệnh tật không cho tôi nhìn lên, tôi sẽ quyết không nhìn xuống, phải nhìn cho thẳng.
— Cô giáo Lương Thị Dung —
Trần Hoà