Lá ổi có tác dụng trị nhiều bệnh.
Tên khoa học của ổi là Psidium guajava L., trong dân gian còn gọi là phan thạch lựu, thu quả, kê thỉ quả, phan nhẫm, bạt tử, lãm bạt, phan quỷ tử… Theo dược học cổ truyền, lá ổi vị đắng sáp, tính ấm, có công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong thành phần hóa học, lá ổi có chứa nhiều catechol, tanin loại pyrroganol, tinh dầu như d và dl limonen, còn có sapsm nhựa, đường, các vitamin B1, B2, B6, C niacin, quercetin, triterpen…Lá ổi có tác dụng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và vết thương, kích thích tổ chức hạt phát triển.
Đặc biệt, lá ổi có các chất ức chế men α-glucosidase, là men giúp thủy phân đường đôi, nhờ đó làm chậm quá trình hấp thu lượng đường từ thức ăn; nâng cao độ mẫn cảm với insulin; làm giảm đường huyết với việc có nhiều chất xơ pectin cả hòa tan và không hòa tan; ức chế sự hoạt động của men protein tyrosinphosphatsase giúp điều trị tiểu đường típ II. Ngoài ra, lá ổi còn chống ôxy hóa với vai trò của carotenoid và polyphenol giúp dự phòng các biến chứng của tiểu đường.
Để hỗ trợ trị liệu tiểu đường có thể dùng:
-Lá ổi non 100g, sắc uống hằng ngày.
– Lá ổi non 50g, lá sa kê 100g, râu ngô tươi 100g, sắc uống.
– Lá ổi 15g, dây thìa canh 15g, sắc uống.
– Lá ổi 15g, lá dâm bụt 15g, sắc uống hàng ngày.
Chú ý: Những người hay bị táo bón cần thận trọng khi dùng lá ổi chữa bệnh.
BS Khánh Hiển (Bệnh viện TƯQĐ 108)