Thuốc Đông y trị tiểu đường theo mức độ tổn thương

(khoahocdoisong.vn) - Chứng tiêu khát (tiểu đường trong Đông y) gây tổn thương cả tỳ, phế, thận. Tùy theo mức độ hư tổn Đông y đưa ra bài thuốc trị liệu kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện giúp đường huyết trở lại bình thường, phòng tránh các tai biến nguy hiểm của bệnh.

Tiểu đường được y học cổ truyền gọi là chứng tiêu khát bởi người xưa nhận xét bệnh nhân luôn có cảm giác khô miệng, khát nước uống nhiều, ăn khoẻ, ăn nhiều mau đói mà người vẫn gầy rộc đi nên thường xuyên mệt mỏi. Tiêu khát khi có xét nghiệm nước tiểu thấy có đường và đường trong máu cao hơn bình thường (bình thường đường trong máu từ 0,8 - 1,2g/l hoặc 4,6 - 6,5mmol/ml).

Theo Đông y, tiêu khát sinh âm hư, người cảm giác nóng và táo. Tiêu khát gây khí hư và huyết hư, gây tổn thương tỳ, phế, thận.

Cách phòng và chữa bệnh cần chú ý: Một là, chú ý chế độ sinh hoạt điều hòa - ăn uống điều độ, lao động đúng mức không quá nặng nhọc phải gắng sức kéo dài, ăn uống điều độ là không để quá thiếu, cũng đừng để quá thừa, đủ đạm đường mỡ, sinh tố và muối khoáng…; Hai là điều chỉnh trạng thái tình cảm trước các tác động trong xã hội, gia đình. Sách xưa đã ghi: Mừng quá hại tâm, lo nghĩ quá hại tỳ, tức giận quá hại can, kinh sợ quá hại thận, buồn quá hại phế. Tỳ phế thận yếu dễ sinh tiêu khát; Ba là tránh tác động xấu của thời tiết khí hậu. Ẩm thấp quá hại tỳ, nóng lạnh bất ngờ quá hại phế đều có thể sinh tiêu khát.

Thuốc chữa có rất nhiều bài, thầy thuốc phải khám kỹ và  xem bệnh thuộc thể nào để chữa, bệnh đã lâu, đã nặng xét nghiệm đường lúc đói > 9mmol/l nên kết hợp với tân dược để hạ lượng đường xuống mức bình thường.

Thể Táo nhiệt tổn thương phế: Tùy triệu chứng có thể dùng 1 trong 2 bài sau đây.

Bài nhuận phế thang, bao gồm: Thiên hoa phấn 30g, thạch hộc 15g, huyền sâm 12g, sinh địa 15g, mạch môn 15g, cát lâm sâm 20g, sinh kỳ 20g, tri mẫu 12g, hoài sơn 30g, sắc uống ngày 1 thang. Chỉ định: Chữa tiêu khát, khô cổ, lưỡi khô, táo, tiểu nhiều, uống nhiều, rêu mỏng trắng mạch nhanh. Nếu người mau đói thêm thạch cao 20g.

Bình tiêu khát phương, bao gồm: Thiên hoa phấn 16g, mạch môn 12g, thái tử sâm 12g, sơn thù 8g, cam thảo 6g, cát căn (sắn dây) 20g, củ mài 16g, ngũ vị 8g, sinh địa 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Chỉ định: Tiêu khát, uống nhiều miệng khô, khát, tiểu nhiều, mệt mỏi, bụng đầy người gầy.

Thể vị hoả thịnh: Bài Thanh vị tư táo ẩm, thành phần: Chỉ tử 15g, mạch môn 12g, đại hoàng tẩm nước gạo 6g (nếu không táo bỏ vị này), hoàng cầm 12g, thạch cao 20g, thiên hoa phấn 12g, huyền sâm 12g, thiên môn 12g, ngạnh mễ 20g, trích cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: Thanh vị hoả, tư âm, nhuận táo.

Thể phế thận âm hư: Dùng bài Tư thuỷ thừa ẩm thang, thành phần: Sinh địa 12g, quả dâu 20g, sơn thù 8g, nữ trinh tử 20g, mạch môn 12g, câu kỷ tử 12g, hoài sơn 16g, đẳng sâm 15g, ngũ vị 8g, sinh kỳ 25g. Sắc uống ngày 1 thang. Chỉ định: chữa tiểu đường thể phế thận âm hư.

GS.TS Dương Trọng Hiếu (Viện Y học Cổ truyền T.Ư)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top