Nano dây thìa canh và lá sen trị tiểu đường

(khoahocdoisong.vn) - Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã thành công khi điều chế được dây thìa canh và lá sen ở dạng nano hóa nhằm tăng khả năng hoạt động của dược chất, phòng và điều trị tiểu đường.

Loại bỏ tạp chất, thu hồi dược chất

ThS Bá Thị Châm, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, nano dây thìa canh và lá sen được ứng dụng bộ ba công nghệ hiện đại gồm chiết xuất chọn lọc tinh chất, lên men làm giàu hoạt chất và tạo hạt nano sinh học từ vỏ bọc chitosan. 

Nguồn dược liệu của Việt Nam vô cùng phong phú, nhưng bài toán cần giải quyết là phải có công nghệ bào chế hiện đại để loại bỏ tạp chất, tận dụng tối đa hàm lượng hoạt chất và tăng khả năng hấp thu thì mới mang lại hiệu quả cao khi sử dụng. Axit gymnemic, hoạt chất chính có tác dụng hạ đường huyết trong dây thìa canh tuy tan tốt trong nước nhưng nhanh bị thải trừ, sinh khả dụng rất thấp chỉ 14%, nên dùng công nghệ nano để giải phóng hoạt chất từ từ, kéo dài thời gian tác dụng.

Ngoài ra, trong dây thìa canh còn có beta-amyrin, lupeol, giúp hạn chế hấp thu đường tại ruột, nhưng lại khó tan, nên tạo hạt nano sẽ giúp tăng độ tan, hấp thu tốt vào máu và tối ưu được tác dụng của nhóm chất này. Còn với lá sen, sử dụng đồng thời 3 công nghệ bào chế, chiết xuất chọn lọc loại bỏ alkaloid, để tạo dịch chiết chỉ có flavonoid có hoạt tính giảm béo, mỡ máu mạnh hơn. Và cuối cùng nano hóa các nhóm flavonoid trong lá sen vì chúng kém tan trong nước, khó hấp thu vào máu nếu dùng dịch chiết thông thường.

Công nghệ này cũng góp phần loại bỏ tối đa tạp chất không mong muốn có trong thảo dược, đồng thời thu được nhiều hoạt chất tốt khi lên men và làm tăng tính tan của hoạt chất, từ đó làm tăng khả năng hấp thu của cơ thể, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tiểu đường, mỡ máu.

Phát huy ưu điểm của thảo dược

Theo GS.TS Đào Văn Phan, nguyên Trưởng Bộ môn Dược lý (Trường Đại học Y Hà Nội), với bệnh mãn tính như tiểu đường, biện pháp dùng thảo dược có nhiều ưu điểm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả hạ đường huyết của dây thìa canh, cam thảo đất theo nhiều cơ chế khác nhau như tăng cường bài tiết insulin, giảm hấp thu đường tại ruột, tăng sử dụng đường vào các mô và cơ.

Còn với những người rối loạn lipid máu, béo phì…thì các nhóm hoạt chất trong lá sen, sơn tra có tác dụng tăng cường chuyển hóa, giảm hấp thu chất béo, tăng đào thải mỡ thừa, cholesterol, cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, điểm yếu của thảo dược là hàm lượng hoạt chất thấp, kém tan trong nước hoặc nhanh bị thải trừ, nên hiệu quả thấp khi dùng dạng cao khô thông thường, mà cần phải sử dụng thảo dược công nghệ cao.

ThS Bá Thị Châm cho hay, nhóm nhà khoa học đã ứng dụng bộ ba công nghệ để loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn, phá vỡ rào cản hấp thu của thảo dược như dây thìa canh, cam thảo đất, lá sen, sơn tra, nghệ vàng. Chiết xuất chọn lọc tinh chất bằng dung môi phù hợp, kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ, pH, hàm lượng oxy để đảm bảo giữ nguyên vẹn hoạt tính sinh học của các hoạt chất. Đồng thời, dịch chiết thu được sẽ không bị lẫn tạp chất, hàm lượng hoạt chất cao, ổn định, giảm phụ thuộc vào nguồn gốc, tuổi và chất lượng dược liệu.

Lên men enzym thủy phân, gia giảm nhiệt độ chính xác để chuyển hóa và gia tăng tác dụng dược lý của các hoạt chất có trong thảo dược, làm giàu tối đa hàm lượng hoạt chất có tác dụng sinh học. Cuối cùng, tạo hạt nano sinh học chitosan, với kích thước siêu nhỏ 55 - 110nm chính là công nghệ hiện đại nhất mà ThS Bá Thị Châm sử dụng để khắc phục nhược điểm của các hoạt chất chiết xuất từ dược liệu như kém tan, khó thấp thu, hay dễ bị chuyển hóa, thải trừ nhanh, để phát huy được tiềm năng vô tận của dược liệu Việt.

Với thành quả nghiên cứu này, nhà nữ khoa học đã nhận Giải bạc Triển lãm khoa học quốc tế Hàn Quốc 2019, Giải thưởng Phụ nữ sáng tạo năm 2017 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng cùng nhiều bằng khen giá trị của Bộ Khoa học & Công nghệ và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Theo Đời sống
back to top